Tòa sơ thẩm trên cả nước phạt tù gần 120.000 người trong một năm

Gia Bình Thứ ba, ngày 08/11/2022 11:46 AM (GMT+7)
Từ tháng 10/2021 đến hết tháng 9/2022, tòa án cấp sơ thẩm trên cả nước xét xử hơn 145.000 bị cáo, trong đó gần 120.000 người bị phạt tù hoặc tử hình. Tội phạm phát sinh do kinh tế khó khăn và “chuẩn mực đạo đức xuống cấp”.
Bình luận 0

Báo cáo của Chánh án TAND Tối cao tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV thể hiện năm 2022, số lượng các loại vụ việc tòa án các cấp phải thụ lý, giải quyết vẫn tiếp tục tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp.

Cụ thể, từ 1/10/2021 đến 30/9/2022, các tòa án thụ lý hơn 567.000 vụ việc và giải quyết được hơn 504.000 trong số này. So với cùng kỳ 2021, con số này tăng gần 30.000 vụ việc thụ lý và tăng 68.000 vụ được giải quyết.

Tòa sơ thẩm trên cả nước phạt tù gần 120.000 người trong một năm - Ảnh 1.

Báo cáo của Chánh án TAND Tối cao thể hiện trong một năm, có gần 120.000 người bị phạt tù hoặc tử hình. Ảnh: QH

Với án hình sự, các tòa án xét xử gần 172.000 bị cáo, tăng hơn 18.000 người so với cùng kỳ. Trong đó, cấp sơ thẩm xét xử hơn 75.000 vụ với hơn 145.000 bị cáo.

Tòa cấp sơ thẩm trên cả nước đã phạt tử hình hoặc chung thân với 1.242 người; phạt tù có thời hạn hơn 117.000 người. Số người được hưởng án treo trong thời gian qua là hơn 23.000 người, chiếm 17,55%.

Số lượng tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ cũng tăng cả về số vụ lẫn số bị cáo với 945 người bị đưa ra xét xử. Trong số đó, có 8 người bị phạt chung thân, 44 người phải nhận từ 15 – 20 năm tù.

Báo cáo của Chánh án TAND Tối cao thể hiện, các tòa sơ thẩm đã xét xử 16 vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo. Những vụ gây thiệt hại lớn, dư luận quan tâm đã được xử lý nghiêm.

Báo cáo nêu ví dụ các vụ án xảy ra tại núi Chín Khúc (TP.Nha Trang); vụ án tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, liên quan cả quân đội và dân sự; vụ Nguyễn Đức Chung tại Hà Nội; Tất Thành Cang tại TP.HCM…

Công tác xét xử án hình sự của tòa án các cấp cho thấy, tội phạm vẫn tập trung cao nhất ở nhóm ma túy; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người. Nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn; tình trạng thất nghiệp, mất việc dẫn tới phát sinh tội phạm về cướp giật, trộm cắp, lừa đảo…

Ngoài ra, chuẩn mực đạo đức trong gia đình, trường học, xã hội cũng như văn hóa ứng xử bị "xuống cấp"; lối sống thực dụng, hưởng thụ, chạy theo lợi ích cùng sự ảnh hưởng của trò chơi, phim ảnh bạo lực cũng là nguyên nhân phát sinh tội phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem