Toàn văn bài phát biểu Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2023

Dân Việt Chủ nhật, ngày 31/12/2023 06:36 AM (GMT+7)
Sau khi lắng nghe và trả lời cả 14 câu hỏi tham gia đối thoại trực tiếp và từ các điểm cầu của nông dân, hợp tác xã tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu Kết luận quan trọng. Báo điện tử Dân Việt xin được trân trọng đăng toàn văn.
Bình luận 0
Toàn văn bài phát biểu Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2023 - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu Kết luận tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân năm 2023. Ảnh: Viết Niệm

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ là hoạt động quan trọng để triển khai các giải pháp hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao cuộc đối thoại diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả, đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau, góp phần giải quyết được một số vướng mắc, ách tắc với tinh thần xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, dù một cuộc đối thoại không thể giải quyết được hết các vấn đề của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thủ tướng giao các bộ ngành, cơ quan tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện, trình ban hành sản phẩm cụ thể, phù hợp sau Hội nghị để tổ chức triển khai hiệu quả, đồng bộ.

Hội nghị diễn ra ngay sau thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023- 2028, đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm 111 đồng chí đại diện cho hơn 10,2 triệu hội viên nông dân, đồng thời đề ra 5 mục tiêu tổng quát, 17 chỉ tiêu cụ thể, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Thay mặt Chính phủ, tôi xin được gửi lời chúc mừng sự thành công của Đại hội, chúc mừng các đồng chí Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân nhằm tiếp tục triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp thu và cụ thể hóa những chỉ đạo sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để làm sao "Nông dân thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững' trong bối cảnh mới.

Đảng, Nhà nước nhất quán quan điểm coi "nông nghiệp là trụ đỡ, nông dân là chủ thể, là trung tâm"

Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược, khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tiến trình phát triển đất nước, trong đó nổi bật là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X, Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết 20 Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII về kinh tế tập thể; Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam; Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất to lớn và hết sức quan trọng; khẳng định được vai trò và vị trí, góp phần làm vững chắc thêm nền tảng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Những năm qua, nông nghiệp nước ta đã đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Đặc biệt tăng trưởng GDP nông nghiệp năm 2023 ước đạt tới 3,83% cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn duy trì ở mức cao với 10 nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên. Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo với tổng giá trị 4,8 tỷ USD. Đã có 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 05 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tuy đạt được những kết quả tốt đẹp, việc phát triển nông nghiệp tuy đã đạt được những kết quả tích cực, song tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua vẫn chủ yếu dựa trên "tư duy sản xuất", cần nhanh chóng chuyển đổi sang "tư duy kinh tế", tích hợp đa giá trị, gắn với phát triển xanh và bền vững .

Nông thôn đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, nhiều nơi đang chuyển sang xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy vậy, việc đầu tư, quy hoạch nông thôn còn bất cập, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn diễn ra ngày càng nhức nhối; vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa nông thôn, an ninh trật tự ở nông thôn đang đặt ra nhiều thách thức mới.

Nhận thức về vai trò, vị thế và trình độ giác ngộ của nông dân có lúc, có nơi còn chưa đầy đủ, toàn diện; cơ chế, chính sách để người dân phát huy quyền làm chủ chưa được hoàn thiện, nguồn lực hạn chế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều là của dân… Muốn cách mạng thành công thì phải lấy dân chúng (công nông) làm gốc". Trong thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 11/4/1946, Bác Hồ nhấn mạnh: "…Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã".

TỔNG THUẬT: Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân- Ảnh 21.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần làm mới những động lực cũ và bổ sung thêm các động lực phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

8 vấn đề cần triển khai sau Hội nghị đối thoại

Để phát huy quyền làm chủ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho bà con nông dân, đồng thời triển khai thắng lợi, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết 19-NQ/TW và Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị, tôi đề nghị các bộ, ngành, Hội Nông dân Việt Nam tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và vị thế chính trị của nông dân Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế; nâng cao ý chí quyết tâm, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, ý chí tự lực, tự cường, thực hiện khát vọng làm giàu góp phần phát triển nền nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững và nông dân thật sự có đời sống ấm no, hạnh phúc. Làm mới những động lực cũ và bổ sung thêm các động lực phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Cán bộ, hội viên, nông dân cả nước ra sức phấn đấu hăng hái thi đua trong lao động, sản xuất, kinh doanh; phát huy giá trị, phẩm chất tốt đẹp của người nông dân, tích cực xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho nông dân. Chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hai là, nâng cao nhận thức của nông dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, nông nghiệp thông minh, sạch và an toàn, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng mọi cơ hội, biến nguy thành cơ và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hội và từng hội viên nông dân phải nhận thức được những thay đổi của thời đại và xu thể của thị trường để thay đổi tư duy, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đa giá trị gắn với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, xóa bỏ rào cản về nếp nghĩ, cách làm cũ manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp.

Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải thấp, hiệu quả cao và bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, khắc phục nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn, người dân tích cực tham gia triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với các tổ chức hợp tác và doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và động lực để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia; quán triệt phương châm "muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau".

Ba là, nhận thức đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Là chủ thể trung tâm và đông đảo ở nông thôn, đối với chủ trương xây dựng nông thôn mới thì không ai khác, nông dân phải là chủ thể nhận thức, quán triệt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Nông dân là chủ thể thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn, là chủ thể của mọi quá trình kinh tế ở nông thôn, nông dân chính là người lựa chọn phương thức sản xuất, cách thức kinh doanh, dịch vụ; họ vừa là người tổ chức sản suất, người trực tiếp sản xuất vừa là người thương mại hóa các sản phẩm của quá trình sản xuất.

Do đó, phải làm sao để người nông dân hiểu, nhận thức, thấm nhuần chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Quán triệt và nghiêm túc thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng". Điều đầu tiên phải là "dân biết" trong chuỗi từ nhận thức đến hành động: "từ nhận thức, đến quan niệm, đến thái độ và đến hành vi".

Bốn là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện, khuyến khích nông dân, lao động nông thôn học nghề, nâng cao năng lực gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; mở rộng hoạt động tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phát huy vai trò của các trường, trung tâm thuộc hội nông dân trong xây dựng, chuyển giao mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cho nhóm nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, là hạt nhân thúc đẩy quá trình "tri thức hóa nông dân"; giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong truyền nghề, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân.

Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tổ chức tốt hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đầu tư cơ sở sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn, tiên tiến; phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân; mở rộng mô hình hội nông dân tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính quyền các cấp tăng cường quản lý, bố trí vốn từ ngân sách nhà nước, đồng thời vận động nguồn lực xã hội cho quỹ hỗ trợ nông dân để xây dựng các mô hình điểm trong phát triển nông nghiệp ở nông thôn.

Năm là, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ hội phải có uy tín, trình độ, năng lực thực tiễn, trưởng thành từ phong trào quần chúng, nhất là cán bộ chuyên trách, cán bộ cơ sở, chi hội trưởng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cán bộ lãnh đạo, bố trí chủ tịch hội là cấp ủy viên có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, am hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có uy tín, tâm huyết, trách nhiệm và kinh nghiệm công tác. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực, phương pháp, kỹ năng công tác cho cán bộ Hội các cấp.

Hội Nông dân tích cực tham gia xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể lắng nghe, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của nông dân; xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn, góp phần phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nông dân đối với Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị.

Sáu là, chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đối ngoại nhân dân. Tạo điều kiện cho Hội Nông dân Việt Nam tham gia các tổ chức nông dân của khu vực và quốc tế; phát huy vai trò của nông dân trong hoạt động đối ngoại nhân dân, hội nhập quốc tế, hợp tác, giao thương, trao đổi, giới thiệu hàng hóa nông sản giữa nông dân Việt Nam với nông dân các nước. Thường xuyên thông tin, hỗ trợ cho nông dân tham gia thực hiện các cam kết quốc tế có liên quan; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và cá nhân nước ngoài cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phối hợp với các tổ chức, đối tác quốc tế tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh cho nông dân. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực đối ngoại và hợp tác quốc tế cho cán bộ hội nông dân.

Bảy là, tập trung triển khai nguồn lực, nhân lực để thực hiện tốt các đề án, chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng đến các chương trình, đề án về giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần tập trung nguồn lực để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; trong đó ngành nông nghiệp cần triển khai có hiệu quả kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, khí metan trong sản xuất nông nghiệp.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương, đặc biệt tạo vùng nguyên liệu tập trung, bền vững, vùng nguyên liệu xanh cho phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; đồng thời kết hợp với mục tiêu hấp thụ các-bon tại các vùng nguyên liệu nông nghiệp tập trung.

Tám là, tập trung triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, xác định là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, là lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, làm thay đổi mạnh mẽ chuỗi sản xuất- chế biến- kinh doanh nông sản, hướng tới mục tiêu "Mỗi người nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng".

Tôi tin tưởng rằng, với khí thế mới, động lực mới, từ Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 ¬- 2028, nhất là việc đề ra mục tiêu "Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", nông nghiệp, nông thôn nước ta ngày càng phát triển và nông dân Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế ngày càng quan trọng như lời chúc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Chúc giai cấp nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới!".

*Các tựa nhỏ trong bài do Dân Việt đặt

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam là một hoạt động thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp tổ chức theo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hằng năm, Kế hoạch tổ chức Hội nghị được Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đưa vào Chương trình công tác. Đến nay, Hội nghị đã diễn ra được 5 lần với những kết quả hết sức có ý nghĩa, thành công.

Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao là đơn vị trực tiếp thực hiện Hội nghị. Sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân hằng năm được Báo tổ chức truyền thông bài bản, lớp lang đến bà con nông dân cả nước; nhất là công tác tập hợp lấy ý kiến rộng rãi của nông dân cả nước trước thềm diễn ra Hội nghị đối thoại. Theo đó, đã có 2.000 câu hỏi của bà con nông dân, doanh nghiệp cả nước gửi tới người đứng đầu Chính phủ trong năm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem