"Tôi không đồng tình với suy nghĩ cán bộ 'thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử'"

Lương Kết - Thành An Thứ sáu, ngày 28/10/2022 10:39 AM (GMT+7)
"Tôi không đồng tình với suy nghĩ của cán bộ 'thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử'", Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên đã phản bác lại như vậy trong khi phát biểu thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội sáng nay (28/10).
Bình luận 0

Có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

"Tôi không đồng tình với suy nghĩ cán bộ 'thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử'" - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Đoàn Điện Biên. Ảnh: TTBCQH

Theo nữ đại biểu, từ chủ trương chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, Quốc hội thể chế hóa, luật hóa, Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt, nhưng cấp cơ sở thì tâm lý "e ngại", "sợ sai", "đùn đẩy", "sợ trách nhiệm"… 

"Như vậy thì làm sao có thể thúc đẩy xã hội phát triển, trong khi Quốc hội thì khẩn trương làm ngày làm đêm để các chủ trương, chính sách mới sớm đi vào cuộc sống góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vậy mà kết quả đạt được còn rất xa với kỳ vọng, mục tiêu, nhiệm vụ được thiết kế trong chính sách kèm theo tài chính công", đại biểu Tạ Thị Yên nói.

Nhắc lại việc Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần phê bình hiện tượng này, đại biểu Đoàn Điện Biên nói: Thủ tướng cũng đã từng nói thẳng "ai không làm thì đứng sang một bên". 

Do đó, nữ đại biểu cho rằng, nếu cán bộ, công chức, viên chức làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước, vì dân thì có gì phải ngại. 

"Vì đứng đằng sau, chúng ta vẫn còn có cả một tập thể lãnh đạo, có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh.

Từ đó, đại biểu Yên mong rằng Chính phủ cần siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả công việc cụ thể. Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện không hiệu quả thì cần xem xét lại việc bố trí cán bộ, thuyên chuyển, bố trí công việc khác phù hợp hơn với năng lực sở trường.

Có một số người trả lời rất thẳng thắn, bây giờ không muốn làm...

"Tôi không đồng tình với suy nghĩ cán bộ 'thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử'" - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 27/10. Ảnh: TTBCQH

Trước đó, phát biểu thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 27/10, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng: "Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, song theo ông có 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, đối với vấn đề này thì áp dụng luật này thì đúng nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì lại sai. Áp dụng vào thời điểm này thì đúng nhưng sau đó kiểm tra vào thời điểm khác thì lại sai. Một trong những vấn đề dễ sai nhất đó là xác định giá đất. Theo quy định hiện hành thì việc xác định giá đất hầu như bằng các yếu tố giả định nên không chính xác.

Theo đại biểu, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3/2022 với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, liên quan đến đấu giá đất, khi tham gia làm rõ những ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính có nói phương pháp xác định giá đất, giá khởi điểm theo quy định tại Nghị định số 44 và Thông tư 36 ngày 30/6/2014 là không chính xác và đề nghị phải sửa đổi. 

Tuy nhiên đến nay các quy định trên vẫn chưa được sửa và thực tế ở nhiều địa phương có rất nhiều dự án lớn, rất lớn chưa xác định được giá đất để triển khai đầu tư. Nếu như Chính phủ không có giải pháp quyết liệt thì việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khó hoàn thành.

Thứ hai, theo Đại biểu Quốc hội Đoàn Bình Thuận, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung đã được Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14, nhưng chủ trương đúng đắn đó chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật nên cán bộ rất ngại trong quá trình công tác. Họ làm cầm chừng, không dám đột phá.

"Do vậy tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, một mặt thường xuyên rà soát các cơ chế, chính sách nhằm điều chỉnh cho đồng bộ phù hợp với thực tế, mặt khác sớm cụ thể các chủ trương của Đảng bằng các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Tôi tin tưởng rằng với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp thì mục tiêu tăng trưởng như Chính phủ nêu sẽ được thực hiện", đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh.

"Tôi không đồng tình với suy nghĩ cán bộ 'thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử'" - Ảnh 4.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TTBCQH

Ngay sau đó, phát biểu tranh luận làm rõ thêm phát biểu của đại biểu Nguyễn Hữu Thông, ĐBQH Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng đồng ý với nhận định về tình trạng cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh gây ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ để phục vụ nhân dân.

Theo ông Hạ, có thể do điều kiện thời gian phát biểu có hạn nên đại biểu Thông chưa nói hết. Bởi nếu chỉ nói rằng vướng mắc là do chính sách pháp luật thì chưa đủ.

"Qua nghiên cứu tìm hiểu, tôi cho rằng cái chính là do con người, do khâu công tác tổ chức thực hiện, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi có hỏi thấy 3 vấn đề. 

Thứ nhất, đối với cán bộ năng lực hạn chế thì đúng là họ sợ, không dám làm.

Thứ hai, đối với cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần cũng còn hạn chế (tuy không phải là tất cả), họ cũng nghe ngóng, né tránh.

Đối tượng thứ ba, khi tôi đặt câu hỏi Luật Đai đai có từ năm 2013, Luật Đấu thầu cũng triển khai từ năm 2013, tại sao trong suốt quá trình đó không thấy vướng mắc như bây giờ, vậy trước làm bằng cách nào. Có một số người trả lời rất thẳng thắn, bây giờ không muốn làm, bởi vì trước làm đã không đúng, làm ẩu, làm không đúng trách nhiệm cho nên bây giờ làm đúng thì sẽ phát sinh ra những vấn đề trước đây đã làm. Chính vì vậy bây giờ cán bộ làm cầm chừng, hạn chế và không dám làm...", đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Đại biểu Đoàn Quảng Nam đề nghị Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt. "Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt triển khai, họp ngày họp đêm, trong khi đó ở bên dưới cán bộ còn tư tưởng này nên cần phải chấn chỉnh càng sớm càng tốt để làm sao không ảnh hưởng đến chất lượng công tác, ảnh hưởng tới việc phục vụ nhân dân", ông Hạ nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem