Ngành thuỷ sản Việt có thể gặp khó khi Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ”

Quốc Hải Thứ năm, ngày 14/01/2021 10:28 AM (GMT+7)
Kể từ khi Việt Nam bị gắn nhãn là nước thao túng tiền tệ trong báo cáo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ", đã dấy lên mối quan ngại Mỹ có thế áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Bình luận 0

Điều này giống như Mỹ đã thực hiện với hàng hóa của Trung Quốc vào tháng 3/2018.

Tôm, cá Việt Nam “bơi” qua Mỹ có thể gặp rào cản vì lý do… “thao túng tiền tệ”  - Ảnh 1.

Thủy sản Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên nếu Mỹ áp đặt việc tăng thuế do "thao túng tiền tệ" (Ảnh: IT)

Dịch Covid-19 khiến ngành thủy sản lao đao

Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu trên thế giới giảm đáng kể đối với các sản phẩm thủy sản, khiến giá rơi xuống các mức thấp mới. 

Cụ thể, giá tôm nguyên liệu trong nước chạm mức đáy 82.500 đồng/kg trong tháng 10 (-12% so với cùng kỳ và -14% so với đầu năm) trong khi giá cá nguyên liệu trong nước giảm xuống còn 17.750 đồng/kg (-14% so với cùng kỳ và -10% so với đầu năm). Đáng lưu ý là sự sụt giảm này xảy ra ngay cả trên mức nền thấp của năm trước.

Bất chấp nhu cầu giảm, các công ty xuất khẩu tôm vẫn tìm thấy cơ hội từ sự suy yếu nguồn cung toàn cầu và đẩy mạnh xuất khẩu về sản lượng. Theo Rabobank, sản lượng tôm của Ấn Độ ước tính giảm từ 10% -15% so với cùng kỳ trong năm 2020, tạo cơ hội cho các quốc gia khác tận dụng gia tăng xuất khẩu.

Tôm, cá Việt Nam “bơi” qua Mỹ có thể gặp rào cản vì lý do… “thao túng tiền tệ”  - Ảnh 2.

Giá trị xuất khẩu tôm và cá tra qua các năm (Nguồn: SSI)

Trong khi đó, nhu cầu cá tra xuất khẩu sụt giảm mạnh do các đợt giãn cách xã hội được thực hiện ở tất cả các thị trường xuất khẩu cá tra chính. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường nhập khẩu cá tra hàng đầu mà còn ảnh hưởng ở cả thị trường Mỹ và EU (thị trường lớn thứ 2 và thứ 3 của Việt Nam).

Theo thống kê của SSI Research, tổng giá trị xuất khẩu của các công ty thủy sản Việt Nam trong 11 tháng 2020 đạt 7,7 tỷ USD (-2% so với cùng kỳ). Theo loại sản phẩm, giá trị xuất khẩu tôm đạt 3,4 tỷ USD (+11% so với cùng kỳ) và giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD (- 25% so với cùng kỳ).

"Mặc dù giá trị xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh, nhưng giá bán bình quân thấp khiến tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty xuất khẩu tôm giảm. Các công ty xuất khẩu cá tra cũng ghi nhận tỷ suất lợi nhuận gộp giảm đến quý 3. Tuy nhiên, do giá tôm và cá tra bắt đầu tăng từ đầu quý 4, chúng tôi kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn ở tất cả các công ty xuất khẩu, bắt đầu từ quý 4/2020", chuyên gia của SSI Research đánh giá.

Còn theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính giá trị xuất khẩu thủy sản đến cuối năm đi ngang so với cùng kỳ năm trước (đạt 8,6 tỷ USD). Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm đạt 3,8 tỷ USD (+12,4% so với cùng kỳ) và giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,5 tỷ USD (-24% so với cùng kỳ).

Cũng chính bởi có sự trái ngược giữa ngành tôm và cá tra nên cũng có sự phân hóa trong doanh thu là lợi nhuận của các doanh nghiệp. Trong khi các công ty xuất khẩu tôm tận dụng được cơ hội do nguồn cung từ Ấn Độ suy yếu, các công ty xuất khẩu cá tra vẫn đang gặp khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chủ lực phục hồi không ổn định, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Cũng vì vậy, cổ phiếu nhóm ngành tôm và cá tra cũng tăng trưởng khác nhau. Các công ty xuất khẩu tôm (MPC: +55% so với đầu năm, CMX: +70% so với đầu năm và FMC: +41% so với đầu năm) tăng trưởng ấn tượng, trong khi các công ty xuất khẩu cá tra (VHC: +9% so với đầu năm, IDI: +43% so với đầu năm, ANV: +21% so với đầu năm, ABT: -9% so với đầu năm và HVG: -56% so với đầu năm), có một năm khó khăn hơn và ghi nhận kết quả kinh doanh trái ngược.

Ngành thủy sản bị ảnh hưởng đầu tiên

Năm 2021, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản có thể tăng trưởng 10% so với cùng kỳ và đạt 9,4 tỷ USD trong năm 2021 (cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) giai đoạn 2016-2019 là 6,8%), trong đó xuất khẩu tôm vẫn là động lực tăng trưởng (+15% so với cùng kỳ đạt 4,4 tỷ USD), tiếp theo là cá tra (+5% so với cùng kỳ đạt 1,6 tỷ USD) và các sản phẩm thủy sản khác (+6% so với cùng kỳ đạt 3,4 tỷ USD).

Tuy nhiên, SSI Research cho rằng, mức tăng trưởng xuất khẩu tôm mạnh như vậy là khó khả thi, vì sự phục hồi của nguồn cung (Ấn Độ) sau Covid-19 có thể kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam.

SSI cho rằng các công ty xuất khẩu tôm sẽ khó có thể tái lập mức tăng trưởng đã đạt được trong năm 2020 trước sự cạnh tranh từ Ấn Độ. Đơn vị này cũng lưu ý, chu kỳ nuôi tôm ngắn (chỉ 3-4 tháng) và ước tính cạnh tranh với Ấn Độ tại thị trường Mỹ và EU (đóng góp 37% giá trị xuất khẩu của tôm Việt Nam) sẽ trở nên gay gắt hơn vào nửa cuối năm 2021. 

"Tuy nhiên, các công ty xuất khẩu có chứng nhận của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) có thể nhận thấy nhiều cơ hội hơn để mở rộng thị trường tại EU khi hiệp định EVFTA có hiệu lực xuyên suốt năm. Giá bán bình quân có thể tăng khi nhu cầu tăng dần lên, hỗ trợ cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp", chuyên gia SSI Research bình luận.

Đối với cá tra, ước tính sự phục hồi cả về sản lượng và giá bán bình quân sẽ thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu trong cả năm, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2021 khi vắc xin được phổ biến rộng rãi hơn ở Mỹ và EU, điều này có thể khuyến khích tiêu thụ thủy sản tại kênh nhà hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem