Tôm Việt hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Cuối tuần trước, tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter đe dọa khả năng tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Thái độ cứng rắn của tổng thống Donald Trump phát đi tín hiệu tích cực, mở đường cho tôm xuất khẩu Việt Nam gia tăng ở thị trường Mỹ.
Trước đó vào hồi tháng 9.2018, Mỹ đã chính thức đánh thuế 10% lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, bao gồm một số mặt hàng thủy hải sản, trong đó có tôm. Nếu không có tuyên bố lọai trừ và việc tăng thuế diễn ra, tôm Trung Quốc xuất vào Mỹ sắp tới sẽ bị áp thuế từ 10% lên 25%.
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn, diễn biến mới nhất cho thấy ngành tôm Việt Nam có thể được hưởng lợi khi nhiều hệ thống phân phối lớn từ Mỹ đã tìm tới các doanh nghiệp tôm Việt kể từ khi Mỹ tăng áp thuế thủy sản Trung Quốc.
Nhà xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam chiếm khoảng 5% tôm thế giới – Tập đoàn Minh Phú cho biết thực tế đã có sự dịch chuyển đơn hàng của nhà nhập khẩu Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam từ tháng 7.2018 do nhiều nhà cung cấp lo ngại rủi ro căng thẳng thương mại nên đi tìm nguồn cung thay thế.
Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu tôm của Minh Phú đạt 750 triệu USD, trong đó riêng thị trường Mỹ đạt hơn 305 triệu USD, chiếm 40,7%, xét theo tỉ trọng. Năm 2017, giá trị xuất khẩu của công ty vào thị trường Mỹ chỉ đạt 270 triệu USD.
Dây chuyền sản xuất tôm bao bột tại Fimex. Ảnh: Fimex (FMC)
Lượng đơn hàng tại công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex), doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm với quy mô doanh số trung bình 3.000 tỉ đồng/năm cũng đã tăng hơn 50% so với thời điểm trước khi áp thuế. Hiện Minh Phú và Fimex đều đang nhanh chóng mở rộng công suất để đáp ứng đơn hàng mới.
Cũng theo các nhà sản xuất tôm này, hiện nay mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ chủ yếu là tôm tươi bao bột. Trước khi bị áp thuế, mặt hàng này xuất vào Mỹ không phải chịu thuế nhập khẩu.
Theo ông Lê Văn Quang, chủ tịch hội đồng quản trị Minh Phú, đa phần doanh nghiệp Việt hiện nay chế biến mặt hàng này theo phương thức thủ công thì các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất tẩm bột bằng máy, 50% bột và 50% tôm nên giá bán rất cạnh tranh. Hiện nay Minh Phú đang gấp rút đầu tư một dây chuyền tẩm bột khép kín giống như của Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu khách hàng Mỹ.
“Doanh nghiệp Trung Quốc trước đây thường nhập khẩu tôm của Ấn Độ về chế biến xuất sang Mỹ với lợi thế được hoàn thuế VAT 13%, nhưng với mức thuế nhập khẩu 10% thì họ khó có lời. Nếu thuế nhập khẩu của Mỹ tăng lên 25% thì đơn hàng chuyển về Việt Nam sẽ còn nhiều hơn,” ông Quang đưa ra dự báo.
Ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch HĐQT Fimex cho hay, từ đầu năm nay đã đưa vào hoạt động nhà máy tôm bao bột Sao Ta và có đơn hàng sản xuất liên tục khi dự báo đúng diễn biến thị trường. Nhà máy dự kiến đạt công suất tối đa ngay trong năm đầu tiên đưa vào khai thác.
“Người Việt khéo tay khiến mẫu mã tôm bao bột đẹp, thu nhập lao động Trung Quốc gấp đôi Việt Nam khiến sức cạnh tranh tôm Việt càng cao. Nay cộng thêm khoản chênh lệch thuế lớn thì tôm Trung Quốc sẽ khó thể bán vào Mỹ. Tôm Việt có thể sẽ thay thế khoảng trống này”, chủ tịch Fimex nói với Forbes Việt Nam.
Những năm qua tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Trong cơ cấu kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018, xuất khẩu tôm đạt 3,55 tỉ USD, chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Mỹ hiện là quốc gia tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới và cũng là một trong những thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam, chiếm gần 18% kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước, sau EU và Nhật Bản.
Theo số liệu từ cơ quan Thị sát đo đạc và Duyên hải Hoa Kỳ, năm 2018 Mỹ ghi nhận sản lượng nhập khẩu tôm kỷ lục với hơn 695.000 tấn tôm các loại, tăng 4,8% so với năm 2017. Những năm qua, Việt Nam nằm trong tốp 5 nhà xuất khẩu tôm lớn của Mỹ. Ba quốc gia đứng đầu là Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Việt Nam đứng vị trí thứ 4 với hơn 58.000 tấn, theo sau là Trung Quốc với sản lượng đạt 40.000 tấn. Theo VASEP, năm 2018 xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ đạt 637,7 triệu USD.
Việt Nam hiện có 700.000 ha diện tích nuôi tôm với khoảng gần 100 nhà máy chế biến tôm các loại, năng suất bình quân 500.000 tấn/ha với trình độ chế biến vượt Thái Lan và Indonesia. Đặc biệt Việt Nam là nơi sở hữu những nhà máy lớn là có ưu thế cạnh tranh giúp ngành thu hút được đơn hàng lớn từ các hệ thống phân phối thủy sản lớn của thế giới.
VASEP đưa ra cách nhìn khá tích cực trong năm 2019 bởi ngoài tác động từ cuộc chiến thương mại, xuất khẩu tôm vào Mỹ kỳ vọng tăng trưởng mạnh sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố sơ bộ mức thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%.