Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu những vấn đề quan trọng cần làm rõ

Lương Kết Thứ bảy, ngày 18/05/2019 13:26 PM (GMT+7)
Sáng nay (18/5), Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 10 khóa XII đã bế mạc sau 3 ngày làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc.
Bình luận 0

img

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XII (ảnh TTXVN).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, Hội nghị thống nhất cao về tư tưởng chỉ đạo, định hướng hoàn thiện đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trong quá trình chuẩn bị các văn kiện, phải căn cứ vào kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết của Trung ương, tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược 2011 - 2020 và công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng trong nhiệm kỳ khoá XII; đồng thời bám sát vào Cương lĩnh và thực tiễn của đất nước để đánh giá một cách khách quan, khoa học các vấn đề, nhất là những vấn đề phức tạp mới phát sinh; phân tích sâu sắc các nguyên nhân; dự báo có cơ sở khoa học tình hình đất nước, khu vực và thế giới, để từ đó xác định đúng đắn phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu cho nhiệm kỳ tới.

Tổng Bí thư, Chủ tich nước đã gợi mở cần phải chú trọng làm rõ một số vấn đề lớn quan trọng như:

Trên lĩnh vực kinh tế: Tình hình thực hiện chủ trương phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường do Đại hội XII đề ra; việc thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược và các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XII đã đề ra; những khâu đột phá mới và nhiệm vụ trọng tâm cần được nghiên cứu, bổ sung phát triển tại Đại hội XIII lần này; xác định rõ ràng, đúng đắn hơn vị trí, vai trò và cơ chế, chính sách tạo động lực đối với các thành phần kinh tế; việc huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và nước ngoài để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Trên lĩnh vực xã hội: Cùng với các vấn đề về lao động, việc làm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội..., cần phân tích, đánh giá về thực trạng biến đổi cơ cấu xã hội, sự phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội ở nước ta hiện nay; việc nhận thức và giải quyết các quan hệ xã hội, quan hệ lợi ích, kiểm soát rủi ro; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn ngừa tệ nạn và tình trạng xuống cấp đạo đức, mâu thuẫn, xung đột xã hội; việc nhận thức và thực hiện các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển; tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội... Đồng thời, tập trung ưu tiên cho phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam, phát huy giá trị văn hoá và trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường trên thế giới, trong khu vực, cần quan tâm đặc biệt, coi bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức đang đặt ra và chủ trương, chính sách, biện pháp cần áp dụng để giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển. Nhận định, đánh giá thật sát, đúng về kết quả đấu tranh, đẩy lùi 4 nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra để có chính sách, biện pháp phù hợp, bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Cần phân tích, đánh giá đúng thực trạng và đề ra các giải pháp phù hợp, có tính khả thi cao để tiếp tục củng cố, phát huy những kết quả bước đầu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, đạo đức, lối sống và phương thức lãnh đạo, quản lý.

“Đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; vấn đề thực hiện dân chủ và kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, thống nhất trong Đảng; vấn đề năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; xây dựng, thực hiện chiến lược cán bộ và công tác cán bộ; nội dung, mô hình, phương thức cầm quyền của Đảng; phương thức lãnh đạo và lề lối công tác của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước; sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân...”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem