Cần có thu nhập đủ để bác sĩ "sống nổi" với y đức

Bạch Dương Thứ hai, ngày 21/02/2022 14:00 PM (GMT+7)
Ngày 21/2, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi họp mặt các giáo sư, phó giáo sư, thầy thuốc tiêu biểu trong hoạt động đào tạo nguồn lực y tế cho TP. Nhiều ý kiến góp ý tâm huyết đã được các thầy thuốc chia sẻ tại buổi găp mặt.
Bình luận 0
TP.HCM: Cần có thu nhập để bác sĩ "sống nổi" - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng. Ảnh: Việt Dũng

Nghịch lý bác sĩ chuyên khoa nhiều hơn bác sĩ đa khoa

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, hiện nguồn nhân lực ngành y tế thành phố có nhiều biến đổi cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. 

Tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân tăng từ xấp xỉ 16 năm 2016 lên 20 vào năm 2020 - gấp 2 lần chỉ tiêu của Trung ương.

Tuy nhiên, ngành y tế gặp thách thức không nhỏ với công tác đào nguồn nhân lực y tế trong giai đoạn hiện nay là phải đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân và cả khu vực phía Nam.

Thành phố có tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân cao nhất cả nước (20 bác sĩ/vạn dân), nhưng số này còn thấp so với các nước có hệ thống y tế phát triển như Australia (38 bác sĩ/vạn dân), New Zealand (34 bác sĩ/vạn dân), Hàn Quốc và Nhật Bản (25 bác sĩ/vạn dân)...

Đáng chú ý, Giám đốc Sở Y tế chỉ ra thành phố hiện tồn tại nghịch lý về công tác đào tạo nhân lực y tế và cần có lời giải. Đó là số lượng bác sĩ chuyên khoa luôn cao hơn nhiều so với bác sĩ thực hành tổng quát (bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình). 

Nguyên nhân là các bác sĩ mới tốt nghiệp đều có xu hướng muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa.

Ông Thượng phân tích nghịch lý này khiến hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở sẽ còn gặp nhiều khó khăn, khó phát triển. Tình trạng quá tải bệnh viện và nhiều hệ quả đã bộc lộ rõ trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 còn tiếp diễn.

Ngoài ra, nhiều loại hình nhân viên tế chưa được cơ sở y khoa đào tạo hoặc đào tạo không đủ số lượng so với nhu cầu thực tế. 

Cụ thể như loại hình chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện (Paramedic) chưa có trong danh mục đào tạo. Đây là loại hình rất cần thiết để bổ sung cho mạng lưới cấp cứu 115 của TP.HCM. Hay chuyên viên y tế công cộng, tuy đã được đào tạo nhưng số lượng còn ít.

TP.HCM: Cần có thu nhập để bác sĩ "sống nổi" - Ảnh 3.

Hiện nay lực lượng bác sĩ chuyên khoa đang nhiều hơn bác sĩ đa khoa tại TP.HCM. Ảnh: BVCC

Cần có thu nhập để bác sĩ "sống nổi"

PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trăn trở trước thực trạng thiếu nhân lực của mạng lưới y tế cơ sở. 

Theo ông, hoạt động khám chữa bệnh hiện nay trên địa bàn TP.HCM đang tập trung nhiều vào các hoạt động khám chữa bệnh chuyên khoa sâu tại các bệnh viện.

Người dân tập trung đông đến các bệnh viện khiến cho lực lượng nhân viên y tế cũng tập trung về đây công tác cũng như định hướng học tập theo các chuyên khoa sâu làm cho "cánh chim" của ngành lệch hẳn về một phía. Trong khi lĩnh vực chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở, gần dân, dễ tiếp cận, giải quyết phần lớn vấn đề sức khỏe của cộng đồng lại ít được người dân quan tâm.

Từ đó, PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp cho rằng cần đẩy mạnh đào tạo bác sĩ thực hành tổng quát, mở rộng chương trình đào tạo cử nhân cấp cứu ngoài bệnh viện (paramedic). Đồng thời mở rộng chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa y học gia đình. 

Bên cạnh đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn. Các trường đại học y khoa cũng cần đẩy mạnh đào tạo cán bộ quản lý y tế.

Cùng nỗi trăn trở, PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược TP.HCM nhấn mạnh đến vai trò của chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt với quốc gia đang phát triển như nước ta thì công tác này càng có hiệu quả. 

Theo ông, đại dịch vừa qua đã cho thấy ý nghĩa của tuyến y tế cơ sở mạnh. Để có được điều này, hệ thống y tế ngay từ đầu cần đặt hàng ngành giáo dục về hệ thống y tế mà mình mong muốn.

TP.HCM: Cần có thu nhập để bác sĩ "sống nổi" - Ảnh 4.

TP.HCM đang đẩy mạnh đưa bác sĩ trẻ về y tế cơ sở. Ảnh: B.D

Song song đó, chính sách phải có tính bền vững, khi đưa bác sĩ về tuyến cơ sở thì làm sao để bác sĩ trụ lại tuyến cơ sở. Chính sách đãi ngộ, cơ hội học tập như thế nào là việc không đơn giản, để thực hiện được là cả hệ thống chính trị chứ không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế.

"Quốc gia nào làm chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt thì khi đó chi phí y tế thấp mà hiệu quả thì cực cao. Nếu không làm thì cứ loanh quanh mãi thôi", GS Lê Hoàng Ninh nói.

GS.TS Lê Hoàng Ninh, nguyên Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM đưa ra số liệu của WHO: 70-80% nhu cầu của người dân là y tế cơ sở, chỉ 2-30% là y tế chuyên khoa. Trong khi ở Mỹ, có 1 triệu bác sĩ thì gần 50% là bác sĩ tổng quát, ở Việt Nam số bác sĩ tổng quát rất ít.

Ông phân tích, theo tỷ lệ trên cứ 100 người bệnh thì có từ 70-80 người cần chăm sóc tổng quát, nghĩa là không cần tới bệnh viện. Do chúng ta không có nguồn lực này, dẫn đến sự vỡ trận, quá tải ở tuyến trên. Nếu không phát triển được y tế cơ sở thì những đề án chương trình để giải quyết sự quá tải chỉ mang tính đối phó chứ không giải quyết căn cơ sự quá tải. 

Ngoài ra, ông cho rằng cần có thu nhập đủ để bác sĩ "sống nổi" và giữ y đức. "Bác sĩ không sống nổi thì nghèo lắm, hèn lắm", ông trăn trở. Ông cũng khẳng định bác sĩ gia đình hiện rất cần cho hệ thống y tế nhưng "hiếm mà không quý" nên chưa được coi trọng đúng mức.

Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng nhiều vấn đề của y tế cơ sở đã tồn tại hàng chục năm, nay được nhắc lại. UBND TP.HCM sẽ cùng ngành y tế phân tích, tìm giải pháp để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem