TP.HCM cần nguồn cung ứng nông sản rất lớn từ Long An cho thị trường Tết

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 11/12/2021 13:19 PM (GMT+7)
Thị trường Tết ở TP.HCM sẽ thiếu 70% lượng thịt heo, 15% thịt gia cầm... TP.HCM cần nguồn cung ứng nông sản rất lớn từ Long An và các tỉnh thành lân cận cho thị trường Tết.
Bình luận 0

TP.HCM cần nguồn cung ứng nông sản rất lớn từ Long An

Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết như thế tại Diễn đàn Kết nối giao thương nông sản giữa Long An và các tỉnh, thành phố do Bộ NNPTNT phối hợp UBND tỉnh Long An tổ chức ngày 11/12.

TP.HCM là một thị trường khổng lồ với hơn 10 triệu dân. Tuy nhiên năng lực sản xuất và cung ứng nông sản của thành phố có giới hạn.

TP.HCM có nhu cầu tiêu thụ thịt heo rất lớn trong những ngày tết. Trong ảnh: Ban An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra hàng hóa tại chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: Nguyên Vỹ

TP.HCM có nhu cầu tiêu thụ thịt heo rất lớn trong những ngày Tết. Trong ảnh: Ban An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra hàng hóa tại chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Theo ông Hiệp, TP.HCM có nhu cầu thực phẩm khoảng 8.296 tấn/ngày (tương đương 250.000 tấn/tháng).

Trong đó, nhu cầu với rau củ quả cần 4.245 tấn/ngày (127.000 tấn/tháng); gạo gần 2.000 tấn/ngày (60.000 tấn/tháng); thịt gia súc gần 1.000 tấn/ngày (30.000 tấn/tháng); thịt gia cầm 660 tấn/ngày (20.000 tấn/tháng); thủy sản cần 436 tấn/ngày (13.000 tấn/tháng).

Hiện, thành phố tự sản xuất nông sản các loại được hơn 55.000 tấn/tháng, chỉ mới đáp ứng được 20-25% nhu cầu tiêu thụ.

Trong đó, rau củ quả khoảng 51.000 tấn/tháng (đáp ứng được gần 40%); gạo 4.600 tấn/tháng (đáp ứng 8%).

Thịt gia súc hơn 3.800 tấn/tháng (đáp ứng 13%); thịt gia cầm 230 tấn (1%); thủy sản (40%) so với nhu cầu tiêu thụ.

Đặc biệt, nhu cầu về lượng hàng hóa phục vụ cho Tết Nguyên đán năm nay rất lớn, nhất là sản phẩm gia súc, gia cầm.

Hiện nay, tổng đàn heo của TP.HCM khoảng 27.000 con, mới chỉ đáp ứng được hơn 10% so với nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán; gần 90% phải nhập từ các tỉnh về.

Tổng đàn gia cầm của TP.HCM 243.000 con, đã giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Hiệp dự báo thị trường Tết, nhu cầu thịt heo sẽ tăng 30-70%, thịt cầm tăng 12-15%, thịt trâu bò tăng 40-60%.

Hiện nay, TP.HCM vẫn duy trì các điểm trung chuyển hàng hóa cho các chợ đầu mối nông sản để không đứt gãy nguồn hàng.

"TP.HCM cần sự hỗ trợ của các tỉnh thành, nhất là tỉnh Long An nằm ngay cạnh TP.HCM để chia sẻ nhu cầu tăng cao của thị trường những ngày cuối năm", ông Hiệp nói.

Bên trong nhà máy sản xuất trứng gà sạch của công ty Ba Huân ở tỉnh Long An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bên trong nhà máy sản xuất trứng gà sạch của Công ty Ba Huân ở tỉnh Long An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Phạm Thị Thanh Tuyền - Giám đốc giao dịch và cung cấp sản phẩm của SaigonCo.op cho biết, bà rất quan tâm đến các sản phẩm đặc thù của của Long An, như gạo Nàng Thơm Chợ Đào, lạp xưởng chua ngọt Cần Đước...

Tuy nhiên, chính bà cũng không biết tìm mua nguồn hàng chất lượng này ở đâu. Long An cần chú trọng hơn nữa trong việc đầu tư phát triển và quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương.

Đồng thời, bà Tuyền kiến nghị tỉnh Long An có phương án giúp người dân nâng cao nhận thức về sản xuất sạch, đáp ứng các hồ sơ về quy cách để mua bán tốt hơn thông qua kênh siêu thị.

Long An cần phát huy lợi thế

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, Long An có một vị trí địa lý vô cùng thuận lợi.

Long An vừa nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, vừa là cửa ngõ thông thương của vùng ĐBSCL với TP.HCM cũng như xuất khẩu.  

Long An gần như có đủ tất cả các mặt hàng đáp ứng được nhu cầu của TP.HCM. Rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đều đánh giá cao các sản phẩm nông nghiệp của Long An.

Nông dân huyện Bến Lức, Long An trồng chanh không hạt phục vụ thị trường xuất khẩu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân huyện Bến Lức, Long An trồng chanh không hạt phục vụ thị trường xuất khẩu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tuy nhiên, tỉnh Long An cần phát huy hơn nữa lợi thế nằm ở cửa ngõ phía Tây của TP.HCM.

Trong đó, Thứ trưởng Nam đề nghị Long An cần chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

"Không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà Long An cần chú trọng đầu tư cho xuất khẩu. Muốn như vậy thì chất lượng vẫn là tiêu chí hàng đầu", Thứ trưởng đề nghi.

Không chỉ TP.HCM, tại diễn đàn, đã có ít nhất 6 doanh nghiệp từ các tỉnh phía Bắc có nhu cầu đặt hàng nông sản với Long An để phục vụ thị trường Tết.

Các doanh nghiệp lớn cùng với ngành của các tỉnh cũng đã ký kết hỗ trợ thu mua nông sản của tỉnh Long An.

Nông dân nuôi tôm công nghệ cao ở tỉnh Long An. Ảnh: Trần Đáng

Nông dân nuôi tôm công nghệ cao ở tỉnh Long An. Ảnh: Trần Đáng

Ông  Trần Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đánh giá, diễn đàn kết nối nông sản hôm nay là hết sức cần thiết đối với tỉnh Long An.

Bỡi vì, Long An dù nằm kế bên TP.HCM nhưng dịch bệnh để lại ảnh hưởng nặng nề. Giá cả nhiều mặt hàng nông sản giảm thấp, giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Vì thế, nhiều nông dân không mặn mà tái sản xuất.

Việc kết nối nhu cầu với các tỉnh thành, các doanh nghiệp là động lực để nông dân tăng gia sản xuất.

Tỉnh Long An cam kết sẽ hỗ trợ các sở ngành, cùng bà con nông dân thực hiện nghiêm túc đơn đặt hàng từ các địa phương.

"Đồng thời, lãnh đạo tỉnh sẽ phối hợp quản lý chặt chẽ sản xuất, kinh doanh nông sản, giúp nông dân, HTX tăng thu nhập; tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng tiện ích liên kết tiêu thụ nông sản", ông Lâm bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem