TP.HCM: Gấp rút mở lại chợ cũ, mở thêm điểm bán mới

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 22/07/2021 14:56 PM (GMT+7)
TP.HCM đang tiếp tục đẩy nhanh mở lại các chợ truyền thống. Không những vậy, với những khu vực dịch phức tạp, các địa phương được khuyến khích mở “chợ mới” là điểm bán quy mô nhỏ trong khu dân cư.
Bình luận 0

Thông tin cho phép mở lại các chợ truyền thống tại TP.HCM vài ngày trở lại đây tiếp tục được các tiểu thương, người dân quan tâm, bởi việc mua thực phẩm sẽ trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn.

Người dân trở lại đi chợ bằng phiếu

Nhiều chợ vẫn còn đang hoạt động cũng như vừa mới được mở lại như chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Bình Thới (quận 11)… vài ngày trở lại thu hút khách. Đầu giờ sáng, người dân, hầu hết là các bà nội trợ lớn tuổi tay cầm phiếu đi chợ, xếp hàng, đảm bảo giãn cách, đo thân nhiệt và khai báo y tế đầy đủ. Để giới hạn lượng người bên trong, ban quản lý các chợ sẽ điều phối vào theo từng đợt.

TP.HCM: Gấp rút mở lại chợ cũ, mở thêm điểm bán mới trên đường, sân bóng - Ảnh 1.

Tiểu thương chợ An Đông (quận 5) bán hàng trở lại, đảm bảo giãn cách. Ảnh: Hồng Phúc.

Ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới cho biết, chợ có khoảng 300 tiểu thương ngành hàng thực phẩm nhưng trong thời gian này sẽ sắp xếp bán hàng luân phiên, mỗi ngày chỉ có khoảng 1/3 số tiểu thương được bán để giãn cách. Chợ hoạt động buổi sáng, buổi chiều sẽ thực hiện khử khuẩn để đảm bảo an toàn.

Ghi nhận cũng cho thấy, dù ba chợ đầu mối vẫn đang tạm ngưng hoạt động, nhưng quầy sạp của tiểu thương các ngành hàng từ rau củ quả, thịt cá, trái cây vẫn khá dồi dào. Nhiều tiểu thương cho biết, do các chợ đầu mối ngưng giao dịch trực tiếp nên vẫn kết nối online, hoặc tìm kiếm luôn đối tác mới để nhập hàng, nếu như mối cũ đang trong giai đoạn bị cách ly, phong tỏa.

Bà Nguyễn Thị Thoa - tiểu thương thủy hải sản tại chợ An Đông (quận 5) cho hay, chợ đầu mối Bình Điền đóng cửa vì nhiều người mắc Covid-19 nên bà chủ động tạm ngưng lấy hàng, đảm bảo an toàn cho bản thân cũng khách hàng.

"Tôi lấy cá, tôm, mực… ở Bà Rịa Vũng Tàu. Giá thành có cao hơn, chi phí vận chuyển cũng tăng, giá bán ở chợ phải tăng theo khoảng 20%. Giá tăng nhưng khách vẫn chấp nhận vì chia sẻ trong giai đoạn khó khăn này", bà Thoa cho hay. Sạp cá tôm của bà hầu hết có đủ các mặt hàng.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết gần đây đã có 9 chợ mở bán thực phẩm trở lại. Đó là chợ Nguyễn Tri Phương, chợ An Đông (quận 5); chợ Bình Thới, chợ Phú Thọ (quận 11); chợ Kiến Thành (quận Bình Tân) và 4 chợ Tân Đoàn Việt, Bà Lát, Quy Đức, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh).

LÃNH ĐẠO BỘ CÔNG THƯƠNG THÚC MỞ LẠI CHỢ TRUYỀN THỐNG, CHỢ ĐẦU MỐI TẠI TP.HCM

Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải, đề nghị TP.HCM tiếp tục có biện pháp để tạo điều kiện cho các chợ truyền thống, chợ đầu mối đi vào hoạt động, giảm áp lực cho các chợ đang mở và tạo điều kiện cho người dân mua sắm dễ dàng, giảm áp lực cho kênh siêu thị.

"Hiện chúng ta đang có dịch, muốn mở cửa phải đảm bảo tuân thủ các quy định của cấp, đặc biệt của ngành y tế như giãn cách, luân phiên bán hàng. Nhưng điều chúng tôi rất mong muốn là cần sớm nhất, mở càng nhiều càng tốt chợ truyền thống, kể cả chợ đầu mối", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

TP.HCM khẩn trương tái hoạt động, mở chợ mới

Gần đây, TP.HCM liên tục yêu cầu các quận huyện sớm có phương án đưa các chợ đang tạm ngưng hoạt động quay trở lại bán thực phẩm, tuy nhiên, dịch phức tạp, một số chợ vẫn phát sinh ca mắc Covid-19 mới nên tính đến này 21/7, cả TP chỉ còn 32 chợ hoạt động, kể cả các chợ vừa tái mở cửa.

Theo Sở Công Thương, chợ đang tạm ngưng hoạt động chỉ được mở trong điều kiện đảm bảo an toàn, kiểm soát dịch bệnh; có biện pháp kiểm soát hướng dẫn lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng, mật độ người đi chợ đảm bảo 5K; tổ chức mua bán tránh tiếp xúc tối đa giữa tiểu thương và người mua.

TP.HCM: Gấp rút mở lại chợ cũ, mở thêm điểm bán mới trên đường, sân bóng - Ảnh 3.

Người dân xếp hàng giãn cách, khai báo y tế trước khi vào chợ. Ảnh: Hồng Phúc.

Các chợ chỉ tổ chức bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như hàng tươi sống, rau củ quả. Sở Công Thương TP.HCM cũng đã hướng dẫn cụ thể về phương án tổ chức kinh doanh thực phẩm tươi sống tại các chợ. Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương đã tiếp tục yêu cầu khẩn các chợ truyền thống tăng cường các biện pháp phòng chống Covid-19.

UBND TP.HCM cũng có công văn khẩn yêu cầu UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện rà soát, đánh giá hiện trạng, các phương án phòng, chống dịch tại các chợ đang hoạt động. Và, nhanh chóng xây dựng phương án tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm tại các chợ đang tạm ngưng hoạt động, báo cáo về UBND TP trước ngày 23/7.

Đáng chú ý, không chỉ đẩy nhanh việc mở lại chợ truyền thống, Sở Công Thương TP.HCM cũng yêu cầu các quận huyện đang có dịch phức tạp, có thể thiết lập các điểm bán quy mô nhỏ phù hợp trong các khu dân cư, ưu tiên khu vực có bóng mát, phân chia vị trí như kẻ ô, kẻ vạch… bán thực phẩm tươi sống.

Mô hình này đang được áp dụng tại quận 12 với 4 điểm bán nhỏ. Tại phường Tân Thới Nhất, ban quản lý chợ Lạc Quang tổ chức gian hàng lưu động dọc tuyến đường Dương Thị Giang với 20 gian hàng nhu yếu phẩm. Tại Củ Chi, địa phương tổ chức gian hàng tại khu vực sân bóng xã Hòa Phú…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem