TP.HCM kiên cường trong tâm dịch - Bài 7: Tình nguyện "gánh" việc dù đã nghỉ hưu

Bạch Dương Thứ năm, ngày 15/07/2021 14:00 PM (GMT+7)
Sẵn sàng gác lại mọi công việc cá nhân, gửi con nhỏ cho người thân, sẵn sàng làm hậu phương cho các bác sĩ trẻ… - đó là tâm thế của hàng ngàn y - bác sĩ đã nghỉ hưu tại TP.HCM trong những ngày kiên cường chống dịch.
Bình luận 0
TP.HCM kiên cường trong tâm dịch: Bài 7: "Thành phố cần, chúng tôi luôn sẵn sàng" - Ảnh 1.

Dù nghỉ hưu, bác sĩ Kim Tùng vẫn tình nguyện quay lại làm việc để hỗ trợ các bác sĩ trẻ đi chống dịch. (Ảnh: An Mỹ)

"Thành phố cần, chúng tôi luôn sẵn sàng!"

Những ngày này, hàng trăm y - bác sĩ trẻ thuộc lực lượng tình nguyện của Bệnh viện Chợ Rẫy lại hối hả lên đường chi viện cho các bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, với quyết tâm chung tay cùng thành phố sớm chặn đứng dịch bệnh.

Khoảng một tuần nay, các bệnh nhân chạy thận tại khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Chợ Rẫy được "đón tiếp" một vị khách đặc biệt. Đó là nữ BS Nguyễn Thị Kim Tùng (56 tuổi) - người đã gắn bó gần 30 năm với bệnh viện, cho những bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Lần trở lại này cũng thật đặc biệt, đó là khi bà đã nghỉ hưu hơn một năm nay.

Một chiều cuối tuần, điện thoại của BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - nhận được cuộc gọi. 

Đầu giây bên kia, giọng BS Tùng nói: "Chị thấy anh em cực quá. Các bạn trẻ còn sức cũng đã ra tuyến đầu. Em cho chị xin phép làm hậu phương san sẻ bớt công việc cho các em yên tâm chiến đấu", BS Thức kể lại.

Xin trở lại bệnh viện, BS Tùng nói với Giám đốc bệnh viện sẽ làm việc không giới hạn thời gian, còn sức còn làm. 

"Đầu tiên khi nghe chị Tùng đề xuất, tôi rất bất ngờ và cảm phục trước tinh thần của một người lớp đàn chị đã nghỉ hưu. Tinh thần xung phong muốn góp sức chống dịch cùng nhân dân TP.HCM của chị khiến tôi rất cảm động", BS Thức chia sẻ.

Với kinh nghiệm dày dặn, BS Tùng được bố trí công việc điều trị như một bác sĩ bình thường tại khoa Thận nhân tạo. Ngày ngày, bà vẫn xuất hiện đúng giờ, vẫn đến bên từng người bệnh kiểm tra, ân cần hỏi han sức khỏe.

BS Tùng cho biết, bà đã làm việc ở đây từ thời Giám đốc là thầy Hai Ảnh (cố GS.BS Trịnh Kim Ảnh), đến thầy Việt (PGS.TS Trương Văn Việt), bác Trường Sơn (PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, hiện là Thứ trưởng Bộ Y tế) và đến bây giờ là BS Thức. 

Gắn bó với bệnh viện lâu như vậy, nên dù đã về hưu nhưng bà vẫn luôn theo dõi các công việc tại bệnh viện. Đối với bà, Bệnh viện Chợ Rẫy giống như mái ấm gia đình. Bà xem đồng nghiệp là những anh chị em, còn bệnh nhân là những người cha, chú, anh, chị, con, cháu của mình. 

"Trước tình hình dịch Covid-19 lan rộng, TP.HCM cũng như cả nước đang chung tay chống dịch một cách triệt để và lực lượng của Bệnh viện Chợ Rẫy được điều phối đi nhiều nơi để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh. Dù biết rằng vai trò của mình chỉ là rất nhỏ, nhưng tôi vẫn muốn đóng góp một chút công sức",  người bác sĩ hưu trí này trải lòng.

TP.HCM kiên cường trong tâm dịch: Bài 7: "Thành phố cần, chúng tôi luôn sẵn sàng" - Ảnh 3.

Mỗi ngày, BS Tùng lại tỉ mẩn đi thăm khám cho các bệnh nhân. (Ảnh: An Mỹ)

Cứ thế, mỗi ngày, tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, các đồng nghiệp trẻ lại được thấy một vị bác sĩ "tiền bối" tỉ mẩn đi thăm khám cho các bệnh nhân. 

Ở khoa này, những bệnh nhân suy thận phải chạy thận nhân tạo thường có sức đề kháng kém, thường lớn tuổi và có nhiều nhiều bệnh lý nền kèm theo, nên là những đối tượng rất dễ gặp biến chứng nặng nếu chẳng may nhiễm phải SARS-CoV-2. 

Vì thế, ngoài việc thăm khám, theo dõi sức khỏe, BS Nguyễn Thị Kim Tùng còn dành nhiều thời gian cùng đồng nghiệp động viên, hướng dẫn và nhắc nhở các bệnh nhân chạy thận bảo vệ mình trước những mối nguy cơ.

Bài thơ gửi con và hình ảnh hai vợ chồng bác sĩ nắm tay nhau vào tâm dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đã tổ chức cuộc họp, lập danh sách các nhân viên y tế để sẵn sàng tham gia vào mặt trận chống dịch.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thắm (44 tuổi) - Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình đã đăng ký tên mình trong danh sách chống dịch. 12 điều dưỡng trong khoa của chị đã sẵn sàng tư trang, khi có lệnh là sẽ đi ngay. 

Chị cho biết, chồng chị làm bộ đội cũng tham gia vào mặt trận chống dịch đã lâu không về nhà. Hai con của chị phải gửi ông bà, tự học cách chăm sóc bản thân khi ba mẹ vắng nhà.

Tranh thủ 30 phút nghỉ trưa ngắn ngủi, chị đã viết lá thư xúc động gửi đến 2 con của mình: "Mẹ chuẩn bị lên đường, con phải vững vàng nha/ Đừng ủy mị, thướt tha làm lung lay lòng mẹ/ Dịch dã lan tràn đồng bào mình đang hoạn nạn/ Tiếng gọi thiêng liêng, áo trắng mẹ lên đường/ Có ai biết được hên xui, giữa chiến trường/ Không bom đạn, không quân thù, không ngủ cùng cây cỏ/ Hành trang lên đường cũng vô cùng bé nhỏ/ Chỉ 1 chiếc ba lô, nhưng nặng đến lạ thường.

Con yêu ơi!

Để con được tung tăng giữa phố phường/ Thì hãy vững lòng chia tay trong hạnh phúc/ Để mẹ của con cảm thấy mình sung sức/ Phân thân mình chia sẻ với bệnh nhân.

Con biết không?

Nếu ở nhà mẹ sẽ nhàn tấm thân/ Nhưng đêm ngủ không ngon vì đồng đội mẹ vẫn còn đang thức/ Các cô phải xa con mình với trăm điều khổ cực/ Các em nhỏ hơn con nhiều, nên mẹ chọn, mẹ ra đi/ Nếu bố không về thì cũng như mọi khi/ Hai chị em tự chăm nhau ăn ngủ/ Mẹ thương các con lại sinh ra trong gia đình quân ngũ/ Bố bộ đội xa nhà, mẹ lại trực đêm thâu/ Mẹ biết các con của mẹ đã quen nên cũng chẳng khó đâu/ Như thế nhé, mẹ lên đường làm nhiệm vụ/ Hết dịch mẹ về gia đình ta đoàn tụ/ Lại sum vầy, hãy ôm mẹ nha con".

TP.HCM kiên cường trong tâm dịch: Bài 7: "Thành phố cần, chúng tôi luôn sẵn sàng" - Ảnh 4.

Vợ chồng BS Khanh - Sang cùng nhau vào tuyến đầu chống dịch. (Ảnh: BVCC)

Nửa đêm, điện thoại của BSCK1 Nguyễn Quốc Vụ Khanh, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM có cuộc gọi. Ngay lập tức, chàng bác sĩ 9X cùng vợ là BSCK1 Nguyễn Ngọc Sang (khoa Miễn dịch) thu xếp đến "điểm nóng" miệt mài lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đến khi trời sáng.

Vợ chồng BS Khanh tình nguyện vào đội lấy mẫu phản ứng nhanh Bệnh viện Truyền máu Huyết học, chấp nhận mọi điều động đột xuất. Đội tham gia nhiều chiến dịch lấy mẫu tại các mặt trận Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp, Thủ Đức, Công ty PouYuen Việt Nam...

Bộ đồ bảo hộ nóng bức, khi mặc vào chẳng khác nào mặc áo mưa đi bộ liên tục 12 giờ giữa nắng, nhưng qua góc nhìn của vợ chồng BS Sang thật nhẹ nhàng: "Bộ áo là vũ khí chống dịch, là người bạn tâm giao mà hai vợ chồng trân quý. Trùng hợp thay, màu xanh lại là màu của thanh niên và màu của ước mơ".

TP.HCM kiên cường trong tâm dịch: Bài 7: "Thành phố cần, chúng tôi luôn sẵn sàng" - Ảnh 5.

Đội lấy mẫu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học luôn sẵn sàng dù sáng hay nửa đêm. (Ảnh: BVCC)

BS Khanh kể nhiều khi tăng cường giữa khuya, hoàn tất công việc lúc 4 giờ sáng, anh em nhìn nhau cười động viên rồi ăn vội cái bánh bao do người dân tặng. Người dân có gì góp đó, người góp trái cây, người góp nước. Bao nhiêu căng thẳng tan biến, mỗi người hiểu việc mình làm dù nhỏ nhưng có ý nghĩa thiết thực.

"Bọn mình là cộng sự của nhau, với niềm tin vào tương lai khi Việt Nam kiểm soát được dịch, lại nhìn nhau bằng đôi mắt trong veo phản chiếu màu trời chứ không phải lớp kính nhựa đọng đầy mồ hôi", BS Khanh tâm sự.

Diễn biến của dịch Covid-19 còn phức tạp khó lường, nhân viên y tế sẽ còn nhiều những đêm trắng nhưng vợ chồng bác sĩ trẻ tin tưởng một ngày nào đó, khi dịch được kiểm soát, những chiến sĩ áo xanh sẽ được nghỉ ngơi, trở về đơn vị để tiếp tục lời thề Hippocrates chăm sóc sức khỏe nhân dân và cuộc sống trở lại bình thường. 

Còn bây giờ, cả hai nhắn nhủ: "Mong mọi người hãy ở nhà và ủng hộ tinh thần cho lực lượng tuyến đầu!".

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem