Thứ hai, 03/06/2024

TP.HCM liên kết với ĐBSCL tạo đột phá phát triển kinh tế

17/09/2023 7:00 PM (GMT+7)

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút dự án từ các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng.

TP.HCM liên kết với ĐBSCL tạo đột phá phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Du khách TP Hồ Chí Minh tham quan, tìm hiểu các sản phẩm du lịch độc đáo tại ĐBSCL.

Phát huy thế mạnh của các tỉnh

TP Hồ Chí Minh là địa phương phát triển mạnh trên hầu hết các lĩnh vực, là động lực phát triển và đầu tàu kinh tế cho các tỉnh phía Nam và cả nước. TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương cung cấp nguồn nhân lực đã qua đào tạo cho các địa phương ĐBSCL, là nguồn tiêu thụ dồi dào và trung chuyển các sản phẩm của vùng ĐBSCL như nông sản, thủy hải sản, lúa gạo… đi các tỉnh thành khác và quốc tế.

Tận dụng các lợi thế của TP Hồ Chí Minh, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh và Bạc Liêu đã có nhiều hợp tác về lĩnh vực y tế, nuôi trồng thủy sản… Những hợp tác này đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bạc Liêu. Hiện nay, Bạc Liêu cũng là vùng nuôi tôm đứng nhóm đầu cả nước về cả diện tích và sản lượng, vì vậy tỉnh cũng đang cần liên kết mạnh mẽ với TP Hồ Chí Minh toàn diện để có thể đưa sản phẩm nông sản đến tận tay người dân thành phố và hướng đến xuất khẩu thông qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn ở TP Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết, mới đây, tỉnh Tiền Giang chọn TP Hồ Chí Minh là nơi xúc tiến thương mại năm 2023 và tổ chức Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh để tìm nơi tiêu thụ. Gần đây, các sản phẩm nông sản, thủy sản của Tiền Giang đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc tiêu thụ các loại hàng hóa nông sản của Tiền Giang còn gặp khó khăn do công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn hạn chế. Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm tiếp tục hình thành và từng bước mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Tiền Giang với các đối tác trong và ngoài nước theo hướng ổn định, bền vững.

"Tiền Giang cũng kỳ vọng sau chuyến xúc tiến thương mại này, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi và các kênh phân phối khác ở các tỉnh thành, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp nước ngoài sẽ thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu, tiếp cận các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang", ông Nguyễn Văn Vĩnh cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Tiền Giang là một trong các tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước, với hơn 80.000 ha và sản lượng hằng năm hơn 1,8 triệu tấn trái cây các loại. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản, rau màu chuyên canh theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy, hải sản hơn 15.000 ha, sản lượng khai thác hơn 360.000 tấn/năm. Ðặc biệt, Tiền Giang tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, đến nay đã công nhận 180 sản phẩm; trong đó có 95 sản phẩm OCOP được chứng nhận 4 sao, 85 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao, tiếp tục công nhận các sản phẩm 5 sao.

Hướng đi cơ bản, đúng đắn

Được xem là trái tim của vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ cũng đã có nhiều hợp tác với TP Hồ Chí Minh để phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai thành phố lớn. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thành phố Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL luôn xác định việc hợp tác phát triển với TP Hồ Chí Minh là hướng đi cơ bản và đúng đắn, tạo động lực, sức bật mạnh mẽ thúc đẩy phát triển, cũng như mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư và giữa các địa phương trong vùng với TP Hồ Chí Minh. Sắp tới, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục hợp tác với TP Hồ Chí Minh để tập trung phát triển vườn ươm công nghệ, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, xúc tiến mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế của các địa phương, nhất là lĩnh vực bất động sản, hợp tác xuất khẩu lao động…

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, đối với Thành phố, vùng ĐBSCL có sự gắn kết hết sức mật thiết và đặc biệt quan trọng, có tác động qua lại về mọi mặt. Sự phát triển của TP Hồ Chí Minh không tách rời mà kết nối chặt chẽ với sự phát triển của từng địa phương trong vùng ĐBSCL. Việc hợp tác phát triển giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương vùng ĐBSCL là hợp tác truyền thống đã có từ lâu và được củng cố, phát triển mạnh hơn trong thời gian gần đây. Cụ thể trong ngành du lịch, vào tháng 3/2022, TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch đến năm 2025 và phát động chương trình “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới” hậu COVID-19. Đến nay, chương trình đã đạt những hiệu quả nhất định khi lượng khách hai chiều đã tăng, những sản phẩm du lịch liên kết giữa TP Hồ Chí Minh được giới thiệu đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

TP.HCM liên kết với ĐBSCL tạo đột phá phát triển kinh tế - Ảnh 2.

TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL liên kết để phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh trong vùng.

"Sắp tới, để việc liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đạt hiệu quả cao, TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL phải cùng xây dựng bộ hồ sơ kêu gọi đầu tư đầy đủ, tương đồng, để nhà đầu tư có thông tin cơ bản, quyết định. Sự hợp tác này phải dựa trên thống nhất, đồng bộ đôi bên cùng có lợi để tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ", ông Phan Văn Mãi nói.

Ngoài ra, để phát triển hạ tầng giao thông kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng đã có những đề nghị cụ thể với các địa phương, với toàn vùng. Chẳng hạn, đối với tỉnh Tiền Giang, người đứng đầu chính quyền TP Hồ Chí Minh đề nghị địa phương này quan tâm đến dự án đầu tư tuyến phà biển Gò Công - Cần Giờ vì sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các tỉnh, đồng thời phát triển du lịch liên vùng, liên tuyến hơn. Đối với dự án tuyến đường bộ ven biển Bắc Nam đoạn TP Hồ Chí Minh - ĐBSCL, tuyến kết nối đường thủy TP Hồ Chí Minh - ĐBSCL, các tỉnh trong vùng cần hoàn thiện các hạn mục giao thông qua địa bàn để sớm đưa tuyến đường này vào hoạt động. Trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ chịu trách nhiệm mời tư vấn nghiên cứu bài bản, các chi phí nghiên cứu, tư vấn… TP Hồ Chí Minh cũng sẽ có cơ chế mời gọi các nhà đầu tư cho những lĩnh vực tiềm năng của cả TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL.


Theo UBND TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ nay đến 2025, TP Hồ Chí Mính và vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục hợp tác, phát triển trên 5 lĩnh vực cụ thể. Đó là: Phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ - chuyển đổi số; phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực và lao động.

TTXVN

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

TP.HCM sẽ điều chỉnh bảng giá đất theo quy định Luật Đất đai (sửa đổi)

TP.HCM sẽ điều chỉnh bảng giá đất theo quy định Luật Đất đai (sửa đổi)

UBND TP.HCM yêu cầu tập các đơn vị trung thực hiện các nội dung, công việc liên quan để chủ động sửa đổi, bổ sung bảng giá đất theo quy định của Luật đất đai 2024.

Côn Đảo đón tàu biển du lịch quốc tế sau 25 năm

Côn Đảo đón tàu biển du lịch quốc tế sau 25 năm

Chuyến tàu biển đầu tiên trở lại Côn Đảo sau 25 năm, kể từ năm 1999, sáng 2/6. Du khách sẽ tham quan bảo tàng, vườn Quốc gia, khu ấp trứng rùa Côn Đảo…

HHV nợ có kế hoạch

HHV nợ có kế hoạch

Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (MCK: HHV) ghi nhận lợi nhuận tích cực và đang hướng tới mục tiêu thi công các dự án với tổng giá trị các gói thầu khoảng 200.000 tỷ đồng.

Ba ông lớn ngân hàng Việt Nam thu xếp 1,8 tỷ USD cho dự án sân bay Long Thành

Ba ông lớn ngân hàng Việt Nam thu xếp 1,8 tỷ USD cho dự án sân bay Long Thành

Lần đầu tiên, dự án có số tiền tài trợ vốn lớn nhất trong ngành ngân hàng và được thu xếp hoàn toàn bằng nguồn USD trung dài hạn từ 3 "ông lớn" NHTM Việt Nam là Vietcombank, Vietinbank, BIDV.

HoREA góp ý bổ sung đối với Dự thảo Nghị định về  phát triển và quản lý nhà ở xã hội

HoREA góp ý bổ sung đối với Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có góp ý bổ sung đối với Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, gửi trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng.

Ưu tiên tăng trưởng càng cao càng tốt, kiểm soát lạm phát dưới 4%

Ưu tiên tăng trưởng càng cao càng tốt, kiểm soát lạm phát dưới 4%

"Chính sách tiền tệ, tài khóa ưu tiên cho tăng trưởng càng cao càng tốt, đồng thời kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4%", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024.