TP.HCM quyết không bỏ lại ai phía sau - Bài 2: "Lá rách ít đùm lá rách nhiều"

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 20/08/2021 08:00 AM (GMT+7)
Cầm cự gần 3 tháng qua, nhiều công nhân, lao động ngoại tỉnh đang cố gắng cưu mang, đùm bọc nhau vượt qua những tháng ngày khó khăn trong khi chờ những gói an sinh, trợ cấp của thành phố: "Lá rách ít đùm lá rách nhiều".
Bình luận 0
TP.HCM quyết không bỏ lại ai phía sau: (Bài 2) Một miếng khi đói… - Ảnh 1.

Chị Mỹ Duyên ngồi trước phòng trọ của mình. (Ảnh: B.D)

Bà con tự giúp nhau trước

Loanh quanh trong căn phòng trọ nhỏ xíu trong con hẻm quanh co ở phường Bình Chiểu (TP.Thủ Đức), chị Mỹ Duyên ăn vội bữa cơm chiều chỉ với mấy miếng da heo kho mặn và ít canh rau.

Là công nhân công ty da giày ở khu chế xuất Linh Trung 2, cả công ty ngừng hoạt động vì dịch Covid-19 gần 2 tháng nay, cũng tức là từng đó thời gian, chị chỉ sống với số tiền 4,2 triệu đồng/tháng. "Công ty vẫn trả lương là tốt lắm rồi, tôi trả tiền trọ với điện nước hết gần 2 triệu, còn lại thì mua gạo, tương, dầu, miễn là sống được qua ngày", chị Duyên kể.

Buổi sáng, chị chỉ ăn gói mỳ tôm, dọn dẹp loanh quanh, 3h chiều nấu cơm ăn tối rồi nghỉ. 

Một ngày, chị chỉ dám ăn 2 bữa. Quê ở An Giang nhưng chị không về được, một phần vì không có tiền, một phần vì dịch bệnh quá căng thẳng. Một tuần chị chỉ ra ngoài một lần để đi mua đồ ăn. Chị cũng chỉ mua mấy loại ít tiền như da heo, xương cục.

Khi được hỏi địa phương có hỗ trợ gì không, chị lắc đầu: "Chưa thấy gì hết trơn. Chủ nhà trọ cũng làm danh sách xin hỗ trợ mà giờ vẫn chưa có. Toàn bà con tự giúp nhau không hà". Chị khoe 4 ổ bánh mỳ được ông chủ lò bánh đầu hẻm cho mỗi nhà, ít rau, gạo được người em chủ nhà trọ chia sẻ cho.

TP.HCM quyết không bỏ lại ai phía sau: (Bài 2) Một miếng khi đói… - Ảnh 3.

Căn phòng nhỏ xíu của gia đình chị Mỹ Duyên chỉ kê được chiếc giường bố, bàn nhỏ. (Ảnh: B.D)

"Bà con cũng nghèo lắm nhưng có gì cũng chia cho nhau, giúp nhau, vì ai cũng khổ. Đúng là một miếng khi đói bằng cả gói khi no, chỉ mong hết dịch thôi", chị Duyên trầm giọng.

Giống như chị Duyên, vợ chồng anh Hùng trọ trong hẻm 1047 phường Bình Chiểu còn vất vả hơn vì phải nuôi con nhỏ. Gần 3 tháng nay, cả nhà anh cố gắng cầm cự với số lương ít ỏi 5 triệu đồng. "Nếu không có bà con chòm xóm, chắc vợ chồng tôi chết đói lâu rồi", anh Hùng tâm sự.

"Thà chi nhiều còn hơn bỏ sót"

Luôn tay chuyển trứng, gạo thịt từ điểm tiếp nhận đến chỗ phân chia, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Bí thư Đảng ủy phường Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức) không kịp gạt cả mồ hôi.

Bà Hương cho biết khi mới có dịch, phường lắp ATM gạo tại 3 khu phố rồi tổ chức gian hàng 0 đồng tại UBND phường. Nhưng từ khi thực hiện chỉ thị 16, người dân hạn chế ra ngoài, không tập trung đông người nên phường chuyển thành "chuyến xe 0 đồng", hàng ngày chở lương thực, thực phẩm đến từng khu phố.

Theo đó, các hộ trong khu phong tỏa, gia đình khó khăn, các khu nhà trọ được phường chú ý chăm lo, cố gắng không bỏ sót một ai. Mỗi hộ được nhận 5kg gạo, mỳ gói, dầu ăn, nước tương, cá hộp…, mỗi tuần 1 lần. Số lương thực, thực phẩm này chủ yếu do các mạnh thường quân, hoặc các địa phương bạn hỗ trợ.

TP.HCM quyết không bỏ lại ai phía sau: (Bài 2) Một miếng khi đói… - Ảnh 4.

Số thực phẩm chuẩn bị được chia thành các phần cho từng hộ dân tại phường Hiệp Bình Chánh. (Ảnh: B.D)

"Phường có 230 hộ nghèo, 34 hộ cận nghèo, số hộ khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài hiện nay cũng rất lớn, hơn 840 nhà trọ với hơn 10.000 phòng trọ. Giờ thì hầu như nhà trọ nào cũng khó khăn hết vì dịch kéo dài 3 tháng rồi. Phường đang rà soát lại xem tổng số thực tế hiện nay còn bao nhiêu, vì một số người cũng đã về quê từ đợt trước. Đợt này có nhiều người muốn về, nhưng phường đang vận động họ ở lại, phường sẽ chăm lo cuộc sống cho họ. Đồng thời, phường cũng vận động chủ nhà trọ giảm giá, đã có hơn 96% chủ nhà trọ giảm giá, hoặc miễn phí", bà Hương nói.

Bà Hương cho biết, để đảm bảo công bằng và chính xác, phường phải xác minh cụ thể qua tổ trưởng từng khu phố, tổ dân phố để vừa không bỏ sót, vừa không phát trùng lặp. Bên cạnh đó, qua đường dây nóng 1022, phường cũng sẽ xác minh lại các trường hợp đó khu phố đã chăm lo chưa, nếu chưa thì phường sẽ lo cho bà con.

Trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết, qua thống kê tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức, ghi nhận hơn 2,5 triệu người dân TP.HCM đang gặp khó khăn do dịch Covid-19.

TP.HCM đang huy động mọi nguồn lực và sẽ hỗ trợ cho tất cả những người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không để ai đói khổ, thiếu ăn, thiếu mặc. Việc hỗ trợ là vô điều kiện, không phân biệt hộ khẩu, ai khó khăn là được hỗ trợ. Dự kiến, mỗi người dân khó khăn sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng và 10 kg gạo.

"TP.HCM đề nghị người dân ở trong nhà và tiền hỗ trợ sẽ được cán bộ địa phương mang đến tận nhà trao cho bà con. TP.HCM không để người dân cơ cực, thà chi nhiều còn hơn bỏ sót", Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM Lê Minh Tấn khẳng định.

TP.HCM dự kiến hỗ trợ tiền nhà trọ đối với 1.580 hộ ở trọ có hoàn cảnh khó khăn với mức 1,5 triệu đồng/hộ. Đồng thời, TP.HCM triển khai 1 triệu túi an sinh trao tới người dân có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình này sẽ được triển khai ngay trong tuần sau. Mỗi túi an sinh gồm lương thực, thực phẩm và một số đồ thiết yếu cho người dân.

Về hỗ trợ người lao động theo các gói hỗ trợ lần 1, lần 2 của TP.HCM và gói hỗ trợ của Chính phủ, TP.HCM tiếp tục cập nhật các trường hợp. Trường hợp nào bỏ sót, sẽ được nhận hỗ trợ bổ sung.

Đối với lao động tự do, TP.HCM tiếp tục hỗ trợ cho lao động tự do (đợt 2) theo Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM. Các trường hợp lao động tự do chưa nhận hỗ trợ đợt 1 (trong các khu cách ly, khu phong tỏa, mất việc trở về quê…) sẽ được nhận bổ sung vào kỳ chi hỗ trợ đợt 2 (mức hỗ trợ của 2 đợt là 3 triệu đồng/người).

Riêng đối với xe ôm truyền thống và xích lô chưa chi đợt 1, TP.HCM sẽ chi hỗ trợ cả 2 đợt (1 và 2) đối với những người này.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem