TP.HCM: Sẽ mở rộng mô hình lớp học ảo để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Mỹ Quỳnh Thứ sáu, ngày 23/12/2022 14:25 PM (GMT+7)
Lớp học ảo đang được triển khai thí điểm ở huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi, dự kiến sẽ triển khai rộng rãi để giải quyết bài toán thiếu giáo viên.
Bình luận 0

Thí điểm lớp học ảo

Trước tình trạng thiếu giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT 2018), Sở GDĐT TP.HCM tổ chức thí điểm lớp học ảo môn tin học và tiếng Anh tại Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) và Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi).

TP.HCM: Sẽ mở rộng mô hình lớp học ảo để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên - Ảnh 1.

Lớp học ảo môn Tin học tại Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ. Ảnh: Y.H

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Sở GDĐT phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số TP.HCM triển khai lớp học ảo môn tin học và tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018 khối lớp 3.

Hai trường được lựa chọn thí điểm đều đang thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học, lại ở xa trung tâm nên rất khó tuyển giáo viên hoặc mời thỉnh giảng. 

Bên cạnh đó, chất lượng chuyên môn cũng như khả năng tiếp cận công nghệ, phương pháp mới ở 2 trường này chưa cao... Do đó, thí điểm tại 2 trường này sẽ giúp ngành giáo dục có nhiều kinh nghiệm để triển khai, đánh giá hiệu quả về mô hình mới.

Về cách thức tổ chức lớp học ảo, ông Quốc cho biết, Sở GDĐT TP.HCM đã tuyển chọn, bồi dưỡng và tập huấn cho đội ngũ giáo viên tham gia dạy trực tuyến lớp học ảo. Đây đều là những giáo viên cốt cán, có chuyên môn tốt, có khả năng giảng dạy tốt trên môi trường số, có khả năng làm chủ lớp học ảo và vận dụng được nhiều phương pháp năng động giúp học sinh hứng thú khi tham gia tiết học.

Trong khi đó, ở các trường tham gia học ảo sẽ bố trí giáo viên trợ giảng, hỗ trợ, theo sát học sinh trong những giờ có tiết học. Về việc đánh giá học sinh, lớp học ảo vẫn được thực hiện căn cứ trên thực tế giảng dạy.

TP.HCM: Sẽ mở rộng mô hình lớp học ảo để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên - Ảnh 3.

Lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM đánh giá cao mô hình lớp học ảo. Ảnh: T.A

Về những khó khăn khi triển khai lớp học ảo, ông Quốc cho biết, hai trường thí điểm cũng gặp một số trục trặc về kỹ thuật về đường truyền và tương tác giữa hai bên chưa tốt. Tuy nhiên, mọi thứ đã dần ổn định và bắt đầu phát huy hiệu quả.

Ông Quốc đánh giá, nhìn chung việc triển khai thí điểm lớp học ảo suôn sẻ, giáo viên chuẩn bị bài, tương tác tốt với học sinh. Trong khi đó, học sinh hào hứng, tích cực trong giờ học. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động này nhân rộng toàn thành phố, ngành giáo dục phải khắc phục được một số hạn chế như cân đối thời gian, thời khóa biểu của giáo viên; xây dựng kinh phí hỗ trợ cho thầy cô giảng dạy, bồi dưỡng giáo viên trợ giảng tại các trường có lớp học ảo; đầu tư ban đầu cho lớp học; duy trì lớp học tại các trường khó khăn...

Lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM thông tin thêm, sau quá trình thí điểm, sở đã có đánh giá, góp ý, rút kinh nghiệm về tổ chức, quản lý, chuyên môn giảng dạy cũng như các nền tảng hỗ trợ. Từ đó, sở sẽ triển khai mở rộng mô hình lớp học ảo ra nhiều trường tiểu học trên toàn thành phố. Đồng thời, mở rộng cả những môn học khác ở bậc tiểu học để kịp thời hỗ trợ các đơn vị thiếu giáo viên khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem