TP.HCM thí điểm cơ chế đặc thù chưa đến nơi đến chốn

Bạch Dương Thứ năm, ngày 02/06/2022 12:39 PM (GMT+7)
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhận định, sau 4 năm thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54, TP chưa tận dụng hết các cơ chế đã được phân cấp.
Bình luận 0
TP.HCM thí điểm cơ chế đặc thù chưa đến nơi đến chốn - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. Ảnh: Thành Nhân

Chưa có được nguồn lực tài chính

Cuối năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54, trao một số quyền cho thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, có hiệu lực từ 1/2018 đến hết 2022. Tuy nhiên, đến nay thành phố được cho là chưa tận dụng hết các cơ chế đã được phân cấp.

Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết 54 thời gian qua, ông Võ Văn Hoan cho rằng có nhiều việc TP đã làm nhưng chưa tới nơi tới chốn vì thời gian hạn chế, có những nội dung TP trình nhưng chưa được cơ quan chức năng xem xét, cho ý kiến…

Theo ông Hoan, về khách quan, Nghị quyết 54 có hiệu lực từ năm 2018 nhưng hai năm đầu TP nỗ lực rất nhiều để tìm tòi, suy nghĩ, đề xuất, thẩm định, lấy ý kiến phản biện và đi đến các quyết định để triển khai thực hiện.

Hai năm tiếp theo (2020 - 2021) là hai năm lẽ ra phải triển khai thực hiện, nhưng thời gian đó TP vướng phải đại dịch Covid-19. Đầu năm 2022, TP đã phải bắt tay vào tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết cũ và đề xuất nghị quyết mới. Như thế, thời gian thực tế để triển khai thực hiện những nội dung của nghị quyết rất ít.

Về chủ quan, đây là vấn đề mới, hệ trọng, liên quan đến đại bộ phận người dân TP. Đây cũng là lần đầu tiên, chưa có tiền lệ mà TP phải đưa ra những quyết định mang tính đột phá như thế, nên trong chừng mực, sự thận trọng là cần thiết.

Ông Hoan dẫn chứng để được hưởng 100% tiền thu được từ cổ phần hóa doanh nghiệp thì TP phải có phương án sử dụng đất, trong khi đó trên thực tế chưa có cơ quan nào hướng dẫn việc này. Hay Nghị quyết 54 "cho" TP được hưởng 50% tổng thu từ tài sản sắp xếp được của bộ, ngành trung ương thông qua đấu giá; trong thực tế có cơ quan đã sắp xếp được nhưng chưa được phê duyệt, có cơ quan được phê duyệt nhưng chưa đấu giá, thậm chí có tài sản đã đấu giá rồi nhưng chưa có kết quả… Vì thế, TP chưa có được nguồn lực tài chính như mong đợi.

Cùng với đó, trên thực tế, nhu cầu đầu tư và phát triển kinh tế của TP rất lớn nhưng nguồn lực thì có hạn, nhất là về ngân sách. Ông Hoan dẫn chứng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP được trung ương phê duyệt là 140.000 tỷ đồng nhưng khi phân bổ thì chỉ phân bổ được cho các dự án của nhiệm kỳ trước (giai đoạn 2016-2020), mà chưa thể bố trí được cho bất cứ dự án nào của nhiệm kỳ này.

Đề xuất không thí điểm cơ chế đặc thù, thay thế Nghị quyết 54

Theo ông Hoan, TP.HCM đang chuẩn bị cho dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với bốn điều chỉnh cơ bản. Đó là nghị quyết mới sẽ không thí điểm cơ chế đặc thù nữa, mà thực hiện dài hạn để thấy được hiệu quả, thay vì chỉ áp dụng 5 năm như vừa qua.

Về nội dung, thành phố mong muốn có cơ chế riêng trong nhiều lĩnh vực như quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính ngân sách, đô thị, môi trường, tổ chức bộ máy, phân cấp uỷ quyền và một cơ chế riêng cho TP.Thủ Đức...

Trong nghị quyết mới, TP HCM kiến nghị được phân cấp một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và chức năng nhiệm vụ của một số bộ, ngành. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện, thành phố kiến nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ có nghị định, hoặc bộ, ngành có thông tư hướng dẫn việc thực hiện nghị quyết.

TP.HCM thí điểm cơ chế đặc thù chưa đến nơi đến chốn - Ảnh 3.

TP.HCM đề xuất cơ chế riêng dài hạn, không thí điểm đặc thù. Ảnh: P.V

Ủng hộ cơ chế riêng cho TP.HCM, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ, nguyên Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khóa XIII nói rằng, hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rất rõ thế nào là phân cấp, phân quyền, uỷ quyền, nhưng luật chuyên ngành chưa rõ, nên cần minh bạch điểm này.

Theo ông Lịch, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rất rõ thế nào là phân cấp, phân quyền, ủy quyền nhưng các luật chuyên ngành thì chưa rõ, nên cần minh bạch điểm này.

Ông ví dụ về xây dựng, cái gì cần xin bộ, cái gì chính quyền TP tự quyết và theo nguyên tắc cái gì địa phương làm tốt thì bộ, ngành thực hiện kiểm tra, giám sát, chế tài, để "bớt đi chuyện ôm hồ sơ lên bộ này, bộ kia".

TP.HCM thí điểm cơ chế đặc thù chưa đến nơi đến chốn - Ảnh 4.

Hệ thống tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM đang được đầu tư xây dựng và dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Ảnh: DV

Về vấn đề ngân sách, ông Lịch cho rằng TP.HCM không nên tính toán 1-2% tỷ lệ điều tiết với Trung ương. Thay vào đó, thành phố cần minh bạch ba vấn đề: ngân sách nào phải nộp Trung ương thì thành phố nộp đủ; phần nào phân chia giữa Trung ương với thành phố cần minh bạch tỷ lệ, duy trì trong 5-10 năm; còn phần nào thành phố có thể chủ động tăng nguồn thu thì địa phương hưởng. Nếu còn thiếu thì cho phép phát hành trái phiếu vay để đầu tư.

TS Trần Du Lịch cho rằng cơ chế cho TP.HCM không hẳn là cơ chế đặc thù, mà là cơ chế phù hợp với một siêu đô thị như TP.HCM.

"Từ lâu chúng ta quản lý nhà nước theo kiểu một cái lưới bắt mọi loại cá, quản lý nhà nước không thể theo mô hình chung", TS Trần Du Lịch nói và nhìn nhận nếu cho TP cơ chế tự chủ thì trách nhiệm của TP sẽ càng lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem