TP.HCM: Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nông thôn

Trần Đáng Thứ ba, ngày 31/12/2019 14:37 PM (GMT+7)
Với chủ trương hoàn thành và nâng cao chất lượng các mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đề ra tới năm 2020, TP.HCM sẽ nghiên cứu, xây dựng Chương trình NTM gắn với đô thị hóa nông thôn, phù hợp với yêu cầu và điều kiện của giai đoạn mới.
Bình luận 0

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đến năm 2025, nhiều khả năng 4/5 huyện của thành phố sẽ chuyển sang đô thị hóa, chỉ còn huyện Cần Giờ làm NTM.

Chuyển hóa NTM

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, thời gian qua, trên địa bàn thành phố diện tích đất sản xuất nông nghiệp, số hộ nông lâm ngư nghiệp giảm mạnh. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân giảm khoảng 900ha/năm, số hộ nông, lâm, ngư nghiệp bình quân giảm 6,38%/năm.

img

  Trong phòng cấy mô của Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: T.Đ

"TP.HCM có những huyện sông nước như Nhà Bè, hay ven biển là Cần Giờ… thì nên có giải pháp để phát triển cơ sở hạ tầng vừa đảm bảo sự kết nối thuận tiện với các huyện nội thành nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa huyện. Thành phố nên có cơ chế để bảo tồn, gìn giữ được cảnh quan những vùng ngoại thành”.

Ông Nguyễn Minh Tiến

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, đến năm 2025, TP.HCM chỉ còn 38.000 hộ lao động nông nghiệp. Ông Nhân nêu thực tế, đến năm 2025, huyện Hóc Môn còn 0,6% dân số làm nông nghiệp, Củ Chi 4%, Bình Chánh 0,4%, Nhà Bè 0,5%, Cần Giờ còn 17%. Và đến năm 2030, thành phố còn hơn 6.000 hộ lao động nông thôn, huyện Nhà Bè hết lao động nông thôn.

Với tỷ trọng nông nghiệp thấp như thế, Bí thư Nhân kết luận: Không đem lại nguồn thu lớn cho kinh tế. Từ đây, Bí thư Nhân chỉ đạo, đến năm 2025, TP.HCM sẽ làm cho xong chương trình NTM nâng chất, điển hình. Và từ năm 2025, vùng nông thôn thành phố sẽ chuyển sang giai đoạn đô thị hóa. “Sẽ quy hoạch đô thị có nông nghiệp, hoặc quận có làm nông nghiệp” - ông Nhân khẳng định.

Ngoài ra, Văn phòng Điều phối NTM TP.HCM cũng đánh giá, do đặc điểm của vùng ven đô thị đặc biệt, tốc độ đô thị hóa nhanh, tình hình tăng dân số cơ học (tính chung bình quân 1 xã hơn 28.500 nhân khẩu, có 2 xã là Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B  của huyện Bình Chánh có hơn 120.000 nhân khẩu), nhiều nhân khẩu tạm trú, nhà trọ, sự giao thoa vùng miền… đang diễn ra tại nông thôn thành phố.

Theo Bí thư Huyện ủy huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu, hiện việc xây dựng NTM trên địa bàn huyện phải thực hiện song song với quá trình đô thị hóa. “Tốc độ đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh trên địa bàn. Do đó, việc xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa là tất yếu” - ông Lưu chia sẻ. Xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện nhằm định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp định hướng đô thị hóa...

Không thể đảo ngược xu thế

Theo Văn phòng Điều phối NTM TP.HCM, xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trên địa bàn thành phố. Quan điểm của thành phố là đến 2025 trên tinh thần “Tam nông là chiến lược, xây dựng NTM là căn bản, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt và vai trò của người dân là chủ thể”, thành phố tập trung xây dựng NTM phù hợp với điều kiện đô thị hóa nhanh. Tùy tình hình thực tế, thành phố sẽ xin ý kiến T.Ư về mô hình bộ máy tổ chức phù hợp, xây dựng bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu phù hợp với quá trình đô thị hóa vùng nông thôn.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM T.Ư chia sẻ, trước tình hình đô thị hóa hiện nay, TP.HCM muốn hoàn thành NTM nâng chất thì vấn đề cảnh quan nông thôn sẽ phải siết chặt hơn nữa. “Có như vậy  mới giữ được sắc thái nông thôn, còn nếu không ở đâu cũng như quận 1” - ông Tiến chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem