TQ có động thái mới với các nước sông Mekong: Nhật Bản không kém cạnh

Nguyễn Thái - SCMP Thứ ba, ngày 25/08/2020 21:10 PM (GMT+7)
Khi Trung Quốc đang tăng cường tầm ảnh hưởng với các nước dọc sông Mekong, Nhật Bản cũng có những "bước đi" cần thiết, không thua kém Bắc Kinh.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi. Ảnh: Bloomberg

Tờ SCMP hôm 25/8 đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã kết thúc chuyến công du của ông tới 5 quốc gia Đông Nam Á và Papua New Guinea để khẳng định với lãnh đạo các quốc gia này về cam kết hỗ trợ của Tokyo trong đại dịch Covid-19, cũng như thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh cấm đi lại và mở ra các cơ hội kinh tế mới.

Chuyến công du của ông Motegi bắt đầu ngày 13/8 và được chia làm 2 phần. Chuyến đi kết thúc tại Myanmar hôm 24/8 sau cuộc gặp lần đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản với bà Aung San Suu Kyi, cố vấn nhà nước của Myanmar.

Khi Nhật Bản và Myanmar đồng ý mở lại biên giới cho người nước ngoài và nới lỏng các hạn chế đi lại, ông Motegi cam kết Nhật Bản sẽ cho Myanmar vay khoản tiền 30 tỷ yên (283 triệu USD) dưới dạng hỗ trợ ngân sách khẩn cấp và 15 tỷ yên để giúp các công ty vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Ông Motegi cũng tổ chức các cuộc thảo luận tương tự ở Lào và Campuchia cuối tuần trước. Tại thủ đô Vientiane, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản hứa viện trợ không hoàn lại gần 2 tỷ yên để Lào nâng cấp các trường học và một khoản tiền 500 triệu yên để phát triển đội xe buýt. Tại Phnom Penh, ông Motegi cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế Campuchia thông qua việc xây dựng "hành lang kinh tế" hoặc con đường liên kết Campuchia với Thái Lan và Việt Nam, đài truyền hình NHK của Nhật Bản đưa tin.

Theo SCMP, thông điệp trong chuyến công du mới nhất của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, người được cho là sẽ kế nhiệm Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, bao gồm cả ở Biển Đông, và trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đang vô cùng "lạnh nhạt" liên quan tới các vấn đề tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Ngay khi chuyến công du của ông Motegi kết thúc, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ ưu tiên các nước dọc sông Mekong, gồm Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar, sử dụng vaccine Covid-19 của Trung Quốc khi sản phẩm được hoàn thiện và sản xuất hàng loạt.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp trực tuyến lần thứ 3 với lãnh đạo các nước thuộc Quỹ đặc biệt Lan Thương - Mekong. Ông Lý cũng hứa sẽ hỗ trợ các quốc gia dọc sông Mekong về y tế công cộng và cung cấp thuốc phòng dịch.

David Arase, giáo sư chính trị quốc tế tại cơ sở Nam Kinh của Trường nghiên cứu quốc tế cao cấp Johns Hopkins, cho biết cuộc khủng hoảng Covid-19 đã mang lại cho Nhật Bản một cơ hội tốt để đảm bảo mối quan hệ với các đối tác mới khi các công ty Nhật Bản chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Ông Motegi đã thăm Singapore và Malaysia từ ngày 13/8 đến ngày 15/8.

"Nhật Bản đã giữ quan hệ khá tốt với các nước này trong nhiều năm. Ông Motegi muốn tận dụng cơ hội từ cuộc khủng hoảng Covid-19 để tăng cường mối quan hệ của Nhật Bản với các nước Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhất là khi Tokyo chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Điều này cũng hấp dẫn các nước Đông Nam Á và cả 2 bên đều coi đây là một cơ hội tốt", giáo sư Arase nhận định.

Một cuộc khảo sát gần đây của công ty Standard Chartered cho thấy các nước đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ vì căng thẳng Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19. Việt Nam vẫn là điểm đến được ưa thích nhất, theo sau là Campuchia, Myanmar, Bangladesh và Thái Lan.

Giáo sư Arase cho rằng Tokyo đã "rất chủ động trong việc sắp xếp các cuộc gặp mặt trực tiếp cấp bộ trưởng" và xây dựng "uy tín" trong cách đối phó đại dịch của Nhật, điều mà Trung Quốc và Mỹ chưa thực sự làm được.

Trong khi ở Singapore, ông Motegi cũng trao đổi về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông với người đồng cấp Singapore Vivian Balakrishnan, cho rằng các nước ASEAN gần đây đã lên tiếng mạnh mẽ hơn trước các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp trên biển dần đại diện cho tranh chấp Mỹ - Trung.

Theo chi tiết cuộc họp của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, vấn đề tranh chấp ở Biển Đông cũng được ông Motegi trao đổi với Lào và Campuchia. Lào và Campuchia được cho là giống với Singapore khi không liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông nhưng lại được hưởng lợi từ đó, nhất là từ phía Trung Quốc.

img

Ông Motegi (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith ở thủ đô Vientiane hôm 23/8. Ảnh: EPA - EFE

Tuy nhiên, đầu tháng 8, trong cuộc họp trực tuyến giữa các quan chức khối ASEAN và các quan chức cấp cao Mỹ, cả Lào và Campuchia đều đưa ra một tuyên bố lần đầu tiên viện dẫn trực tiếp một phán quyết của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 2016 bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh về các quyền lịch sử ở Biển Đông.

Giáo sư Arase cho rằng: "Tại mọi điểm dừng trong chuyến công du tháng 8, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đều nhắc tới chiến lược 'Tự do và mở cửa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương' - gần như song song với quan điểm của Mỹ. Vì vậy, chuyến công du lần này thể hiện rõ mục đích chính trị và chiến lược khi Nhật Bản muốn các nước ASEAN ủng hộ cách tiếp cận của nước này".

Vannarith Chheang, chủ tịch Viện tầm nhìn châu Á - có trụ sở tại Phnom Penh, cho biết chuyến thăm của ông Motegi tới Campuchia đã "thành công" và đề nghị hỗ trợ kinh tế của Tokyo với Phnom Penh được đánh giá cao.

Chheang nhận định các nước Đông Nam Á tỏ ra "thực dụng" khi đối mặt với sức ép từ Mỹ, Trung Quốc và không quan tâm tới việc đứng về phía nào. "Các nước Đông Nam Á đang làm hết sức để giữ vị trí trung lập của mình", Chheang nói.

Tại Papua New Guinea, đảo quốc ở tây nam Thái Bình Dương, ông Motegi hôm 21/8 hứa với Thủ tướng James Marape rằng Nhật Bản sẽ hỗ trợ mạnh mẽ Papua New Guinea trong việc phục hồi đất nước do Covid-19. Bộ trưởng Nhật Bản cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của "yêu cầu tự do hàng hải, dựa trên luật pháp vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hồi tháng 6, Nhật Bản tuyên bố sẽ cung cấp 1,9 tỷ yên (18 triệu USD) viện trợ không hoàn lại cho Papua New Guinea nhằm hỗ trợ hệ thống y tế, cũng như cải thiện an ninh hàng hải. Trong một thỏa thuận riêng, ông Motegi tuyên bố sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư của Nhật Bản tới đảo quốc Thái Bình Dương này.

Hôm 11/8, Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản cũng chủ trì một hội nghị trực tuyến với người đồng cấp tới từ các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Trong hội nghị, ông Motegi đề nghị hỗ trợ kinh tế và kêu gọi "đoàn kết" để đạt được "yêu cầu tự do hàng hải" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Yakov Zinberg, giáo sư nghiên cứu Đông Á tại Đại học Kokushikan (Nhật Bản), cho biết "địa chính trị là mục tiêu chính của Nhật bản, sau đó mới là các vấn đề kinh tế".

"Mọi việc không chỉ đơn thuần chỉ là hỗ trợ tiền cho các quốc gia này. Nhật Bản phải xây dựng quan hệ đối tác chiến lược ở các khu vực quanh Trung Quốc và ngày càng có ý thức hoàn thành gấp rút việc này", giáo sư Zinberg nhận định.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem