Trà lúa đông xuân muộn ở Sóc Trăng đang phơi nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn lăm le

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 01/03/2024 16:18 PM (GMT+7)
Sông cạn nước, trà lúa đông xuân muộn ở nhiều địa phương tại Sóc Trăng đang chống chịu từng ngày với nắng nóng, khô hạn, đối diện với nguy cơ xâm nhập mặn...
Bình luận 0

Lúa đông xuân của ông Lý Hùng ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng trồng được 46-47 ngày đang thiếu nước tưới trầm trọng.

Trà lúa đông xuân muộn ở Sóc Trăng đang phơi nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn lăm le- Ảnh 1.

Sông Long Phú - tuyến sông lớn dẫn nước ngọt từ sông Hậu về cung cấp cho vùng sản xuất lúa đông xuân muộn khoảng 6.000ha của huyện Long Phú những ngày này cũng cạn dòng.

Theo ông Hùng, lý do lúa đông xuân của ông thiếu nước tưới là do nguồn nước nhiễm mặn, ngành nông nghiệp địa phương bắt buộc phải đóng cống lại, không cho nước mặn xâm nhập vào bên trong nội đồng.

Ông Hùng hy vọng, trong thời gian ngắn tới, nguồn nước ngọt trở lại, để có nước tưới cho lúa. "Lúa đông xuân của tôi bị thiếu nước tưới quá lâu, không biết bao giờ mới có nước bơm vào ruộng nữa" - ông Hùng nói.

Trà lúa đông xuân muộn ở Sóc Trăng đang phơi nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn lăm le- Ảnh 2.

Nguồn nước nội đồng phục vụ lúa đông xuân ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng ngày càng cạn kiệt.

Trà lúa đông xuân muộn ở Sóc Trăng đang phơi nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn lăm le- Ảnh 3.

Người dân tranh thủ lấy nước tưới cho lúa đông xuân muộn.

Vụ lúa đông xuân này, ông Thạch Lâm ở ấp 3, thị trấn Long Phú xuống giống hơn 1ha. Hiện nay, trà lúa đã được 46 ngày tuổi và đang bị ảnh hưởng bởi nước mặn xâm nhập.

"Lúc nước nhiễm độ mặn ít, tôi đã bơm nước vào ruộng. Giờ đây, nước trong ruộng lúa cạn khô, độ mặn tăng lên. Hàng ngày, trà lúa phải chống chịu với nắng nóng và khô hạn" - ông Lâm nói.

Ông Lâm nhận định, trong thời gian ngắn tới, nếu không có nước ngọt cung cấp vào sẽ bị thiệt hại nặng. Cũng theo ông Lâm, khu vực trồng lúa của ông được ngành chức năng khuyến cáo không nên trồng lúa vụ này nhưng do giá lúa tăng, ông đã quyết định làm liều.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Hùng và ông Lâm cũng như nhiều nông dân khác ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đều làm lúa đông xuân muộn.

Ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lợi, thị trấn Long Phú cho hay, toàn hợp tác xã xuống giống gần 72ha lúa đông xuân muộn.

Do nước mặn xâm nhập, hệ thống cống trên địa bàn đã được đóng kín nhiều ngày qua, nguy cơ thiếu nước, ảnh hưởng đến diện tích lúa của hợp tác xã là rất lớn.

Trà lúa đông xuân muộn ở Sóc Trăng đang phơi nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn lăm le- Ảnh 4.

Nhiều cống trên địa bàn huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng được đóng kín.

Trà lúa đông xuân muộn ở Sóc Trăng đang phơi nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn lăm le- Ảnh 5.

Lúa đông xuân của ông Lý Hùng ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng trồng được 46-47 ngày đang thiếu nước tưới.

Theo ông Tùng, thời điểm này, những năm trước nguồn nước ở thị trấn Long Phú rất dồi dào, đảm bảo phục vụ tưới tiêu. Nhờ đó, dù sản xuất vụ đông xuân muộn, nhưng năng suất lúa đạt khá cao.

Năm nay, giá lúa cao, thêm vào đó là hệ thống thủy lợi trên địa bàn được ngành nông nghiệp huyện quản lý chặt chẽ nên bà con mạnh dạn xuống giống dù đã được khuyến cáo nhiều rủi ro.

Không riêng huyện Long Phú, nhiều diện tích trồng lúa đông xuân muộn ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cũng đang thiếu nước tưới, nhiều sông cạn nước, nếu có nước cũng có độ mặn cao, không sử dụng được.

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, vụ đông xuân muộn 2023 - 2024, toàn tỉnh xuống giống khoảng 41.000ha, tăng hơn 10.000ha so với cùng kỳ năm trước. Tập trung nhiều ở tại các huyện Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu Thành, Mỹ Xuyên, Trần Đề và TP.Sóc Trăng.

Ông Trần Vĩnh Nghi - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, đã chỉ đạo nhân viên, cán bộ kỹ thuật thường xuyên đo độ mặn, để kịp thời thông báo cho người dân khi có nước ngọt tranh thủ lấy nước vào ruộng để tích trữ.

Đối với trà lúa đang trong đẻ nhánh, người dân có thể lấy nước độ mặn dưới 2‰ nhưng sau đó không nên để đất nứt nẻ. Phải tranh thủ bơm nước ngọt vào để cây lúa vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trường hợp lúa ở giai đoạn đòng, nông dân có thể lấy nước ở độ mặn dưới 1‰, sau đó nếu có điều kiện phải tháo nước ra, thay nước mới vào.

Để tăng cường khả năng chống chịu của cây lúa trước nắng nóng, khô hạn, người dân có thể tưới ngập khô xen kẽ, bón phân chậm tan, phun phân bón lá chứa nhiều chất tăng khả năng chống chịu hạn mặn cho cây lúa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem