Trách nhiệm hình sự vụ nữ Giám đốc lợi dụng "chuyến bay giải cứu" lừa đảo tiền tỷ

Quang Trung Thứ ba, ngày 01/11/2022 11:29 AM (GMT+7)
Lợi dụng chủ trương thực hiện các "chuyến bay giải cứu", nữ Giám đốc Trần Thị Hoàng Anh bị cáo buộc lừa hàng chục người, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng. Với hành vi này, nếu bị chứng minh có tội, đối tượng có thể đối mặt khung hình phạt nào?
Bình luận 0

Nữ Giám đốc lợi dụng "chuyến bay giải cứu" để trục lợi

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng đã di lý nữ Giám đốc Trần Thị Hoàng Anh (29 tuổi) của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và du lịch Nhi Anh từ Nam Định về TP Đà Nẵng để điều tra, xử lý tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trách nhiệm hình sự vụ nữ Giám đốc lợi dụng "chuyến bay giải cứu" lừa đảo tiền tỷ - Ảnh 1.

Trần Thị Hoàng Anh bị bắt tối 30/10. Ảnh: L.A

Theo điều tra, năm 2021, Hoàng Anh lợi dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước trong việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong dịch Covid-19 để lừa đảo.

Mặc dù công ty không có chức năng thực hiện các "chuyến bay giải cứu", không được cấp phép tổ chức đưa người ở nước ngoài về Việt Nam nhưng Hoàng Anh vẫn lợi dụng các mối quan hệ trong lĩnh vực du lịch để tìm kiếm người có nhu cầu.

Qua đó, có hàng chục người Việt Nam ở nước ngoài đã liên hệ Hoàng Anh hoặc thông qua các đơn vị giới thiệu, đăng ký với công ty để được về nước.

Hoàng Anh yêu cầu mỗi khách hàng phải nộp số tiền trọn gói khoảng 50-70 triệu đồng/người, bao gồm tiền vé máy bay, xét nghiệm Covid-19, chi phí cách ly khách sạn…

Hoàng Anh còn làm giả các công văn của BCĐ Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, làm giả vé máy bay để gửi cho nạn nhân, hàng chục người đã tin tưởng, chuyển tiền cho người này với số tiền nhiều tỷ đồng.

Lừa đảo từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo thông tin ban đầu từ cơ quan công an, thấy hành vi của Trần Thị Hoàng Anh – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và du lịch Nhi Anh đã có dấu hiệu của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015.

Theo luật sư Hòe, hành vi của tội phạm lừa đảo là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà người bị hại không biết được có hành vi gian dối.

Dùng thủ đoạn gian dối là việc đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội.

Đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo là thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải có trước hành vi chiếm đoạt và là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội.

Vị luật sư cho biết, tội này là tội có tính chất chiếm đoạt, do lỗi cố ý của người phạm tội với mục đích là mong muốn chiếm đoạt được tài sản thuộc sở hữu của người bị hại.

Và đặc biệt, mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản.

Về hình phạt, theo luật sư Hòe, Điều 174 quy định, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một số trường hợp cụ thể.

Nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng… sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.

Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt từ 7 đến 15 năm.

Và mức phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.

Như vậy, nếu bị chứng minh có tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy tính chất mức độ mà Trần Thị Hoàng Anh có thể đối mặt các khung hình phạt nêu trên.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem