Ninh Thuận: Trái cây ngon, sạch hơn, bán nhanh hơn khi nông dân ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Bùi Phụ - Đức Cường Thứ sáu, ngày 03/06/2022 06:15 AM (GMT+7)
Nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nên chất lượng nông sản, trái cây của nhiều trang trại, các nông hộ ở Ninh Thuận được nâng cao. Sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng, nhiều mặt hàng không đủ bán, thu nhập của người dân cũng được nâng cao, ổn định…
Bình luận 0

Chanh xứ nóng Ninh Thuận xuất khẩu sang châu Âu

Ngày 2/6, PV Dân Việt đã tìm đến vườn chanh không hạt của anh Dương Đình Hiển (thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận). Khi chúng tôi đến, gặp lúc anh Hiển và hơn chục công nhân đang chăm sóc tỉa cành và thu hoạch chanh không hạt.

Ninh Thuận: Chất lượng dưa lưới, trái cây ngon nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1.

Chanh không hạt của anh Dương Đình Hiển ở Ninh Thuận được xuất sang Hà Lan - Đan Mạch. Ảnh: Đức Cường.

Anh Hiển cho biết, vườn chanh này rộng khoảng 30 ha trước đây trồng nhưng loại cây khác nhưng không hiệu quả. Vài năm trở lại đây, gia đình anh Hiển chuyển sang trồng chanh không hạt, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như sử dụng phân bón, thuốc vi sinh, kỹ thuật tưới tiêu… nên hiệu quả nâng lên thấy rõ.

"Trung bình mỗi tháng thu hoạch từ 40 đến 50 tấn và được các thương lái bao tiêu, đóng gói xuất sang các nước châu Âu như Hà Lan, Đan Mạch… sau khi trừ chi phí lãi khoảng 300 triệu đồng…", anh Hiển tiết lộ.

Cũng theo anh Hiển, vườn chanh không hạt này đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 người dân địa phương với mức thu nhập ổn định.

Một trong những nơi được các nhà khoa học đánh giá ứng dụng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả tốt là Trang trại FARA (thôn Nhị Hà 3, xã Nhị Hà(huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).

Ngày 2/6, trao đổi với Dân Việt anh Phạm Võ Uyên Bác chủ trang trại FARA cho biết, mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao của anh rất hiệu quả, phát triển tốt.

Theo anh Bác, trang trại trồng dưa lưới công nghệ cao với diện tích trên 10.000m2 của anh trung bình mỗi năm khoảng 3 vụ và mỗi vụ khoảng 20 tấn. Giá bán từ 60 đến 65.000đ/ký nên có mức thu nhập ổn định. Ngoài ra, khu vườn này cũng tạo công việc làm ổn định cho khoảng gần 20 nông dân địa phương.

Theo quan sát của Dân Việt, vườn dưa FATA được trồng trong nhà lưới nên không bị sâu bệnh. Ở đây, anh Bác áp dụng công nghệ bón phân cũng như tưới nước nhỏ giọt qua một chiếc ống nhựa nên hiệu quả rất tốt. Phân bón anh Bác tận dụng đậu nành và trái chuối rồi ủ lên men… Chính nhờ sự dụng phân bón sạch này mà dưa của trái anh Bác đầu ra rất ổn định và thị trường chủ yếu là TP.HCM.

Anh Bác cho biết, sắp tới anh sẽ phối hợp với các ngành liên quan để chuyển giao "công nghệ sạch" trên cho bà con nông dân trong vùng thực hiện, để cùng nhau phát triển,…

Ninh Thuận: Chất lượng dưa lưới, trái cây ngon nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp - Ảnh 3.

Dưa lưới áp dụng công nghệ cao ở trang trại FARA tỉnh Ninh Thuận. Ảnh CTV

Theo ghi nhận của Dân Việt tại Trang trại Nắng và Gió (huyện Ninh Sơn), đây là mô hình trang trại tổng hợp theo chuỗi hữu cơ organic bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất và tái chế phân vi sinh khép kín từ phế phẩm nông nghiệp.

Trang trại này có diện tích gần 60 ha, trồng nhiều loại nông sản đặc thù của Ninh Thuận như cây nho, táo, nha đam… và tất cả đều ứng dụng công nghệ cao từ nhà màng, tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel. Hiện tại đầu ra sản phẩm ở đây rất ổn định, nhờ bán qua kênh thực phẩm sạch. Nơi đây cũng tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương…

Được biết, tỉnh Ninh Thuận hiện có nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đã đi vào hoạt động và cho sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao như Trang trại Tiên Tiến (Công ty TNHH Nông nghiệp Tiên Tiến), các dự án trồng măng tây… đều được đầu tư quy mô, theo quy trình khép kín, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân...

Ninh Thuận: Chất lượng dưa lưới, trái cây ngon nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp - Ảnh 4.

Du khách tham quan vườn táo trồng trong nhà lưới ở Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Biến khí hậu khắc nghiệt Ninh Thuận thành cơ hội

Trao đổi với Dân Việt, Tiến sỹ Phan Công Kiên - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố ( Ninh Thuận) cho biết, Ninh Thuận là tỉnh có điều kiện khí hậu thời tiết khá khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm, lượng mưa khá thấp.

Chính vì thế, trong thời gian qua tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và đã đạt được nhiều thành tựu rõ nét. Đã huy động và xây dựng nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực: giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản; ứng dụng công nghệ nhà màng, công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp với tưới phân qua hệ thống,… với mục đích nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp của địa phương trên đơn vị diện tích, trước mắt ưu tiên vào những cây trồng, vật nuôi đặc thù của địa phương nhưng có giá trị cạnh tranh cao.

Ninh Thuận: Chất lượng dưa lưới, trái cây ngon nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp - Ảnh 5.

Tiến sỹ Phan Công Kiên - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố( cầm loa) đang thuyết minh kỹ thuật trồng táo. Ảnh: CTV

Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố (đơn vị khoa học công nghệ trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đóng trên địa bàn cũng đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiến tiến ứng dụng vào sản xuất của tỉnh nói riêng và các địa phương trong vùng Nam Trung Bộ nói chung.

Ngoài ra, Viện cũng đã mạnh dạn xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các cây trồng có lợi thế cạnh tranh như nho, táo, măng tây,… với quy mô lớn để thuận lợi trong chia sẻ và giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giúp nông dân và các doanh nghiệp, địa phương tham quan, học tập và nhân rộng ứng dụng vào sản xuất.

"Theo đánh giá bước đầu, giá trị sản xuất trên các mô hình ứng dụng công nghệ cao dao động khoảng 650 -900 triệu đồng/ha/năm…", Tiến sỹ Phan Công Kiên thông tin

Ninh Thuận đặt mục tiêu đạt trên 1.000ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào năm 2025

Ngày 2/6, nguồn tin Dân Việt cho biết, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 2247/KH-UBND triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2022.

Theo đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 11/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Xác định nội dung và phân công nhiệm vụ cụ thể của các Sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; làm cơ sở đánh giá thi đua cuối năm và trách nhiệm của người đứng đầu tại các cơ quan, địa phương liên quan.

img

Du khách tham quan vườn nho ở Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố. Ảnh Bùi Phụ

Tỉnh Ninh Thuận đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn cho nông dân tham gia liên kết và cán bộ hợp tác xã theo đề nghị của các huyện, thành phố; lựa chọn xây dựng các mô hình khuyến nông tại các dự án liên kết. Bên cạnh đó là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch đạt kết quả; báo cáo 6 tháng 1 lần và tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo trong thời gian tiếp theo.

UBND tỉnh Ninh Thuận, đặc mục tiêu tốc độ tăng giá trị ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 3-4%/năm. Trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 30-40%/năm. Cơ cấu nội bộ ngành nông lâm nghiệp chiếm 49%, thủy sản chiếm 51%. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 150 triệu đồng/ha; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 700 triệu đồng/ha.

Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025, có từ 3-5 vùng đáp ứng các điều kiện, tiêu chí công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đạt trên 1.000 ha; hỗ trợ hình thành từ 2-3 doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Ninh Thuận cũng đặt mục tiêu có ít nhất 30 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả và lựa chọn, ưu tiên phát triển gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ đối với một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc thù của tỉnh để hướng đến xuất khẩu, phấn đấu có ít nhất 1 sản phẩm được xuất khẩu, nhất là các sản phẩm từ cây nho.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem