Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội: Nơi bỏ hoang ớn lạnh, nơi xuống cấp mất vệ sinh

Gia Khiêm Chủ nhật, ngày 05/03/2023 10:27 AM (GMT+7)
Kinh hãi, ô nhiễm, cơ sở vật chất xuống cấp, vỡ, hỏng, thiếu các thiết bị cần thiết như vòi xịt, bồn nước rửa tay… là thực trạng PV Dân Việt ghi nhận tại nhiều nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn TP.Hà Nội.
Bình luận 0

Nhà vệ sinh công cộng bị chiếm dụng làm nơi bán nước

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, nhiều nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội đang rơi vào tình trạng xuống cấp, bẩn thỉu, bốc mùi xú uế không thể sử dụng. Thậm chí, nhiều nhà vệ sinh công cộng bị sử dụng sai mục đích khi trở thành nơi bán nước uống trông rất mất mỹ quan khiến mục tiêu "Vì môi trường xanh – sạch – đẹp" của Thủ đô lại trở thành nơi gây ô nhiễm môi trường. 

Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội. Clip: Gia Khiêm

Tại đường Nguyễn Hoàng (cạnh bến xe Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm), nhà vệ sinh công cộng bị cỏ cây mọc um tùm, che khuất. Phía sau công trình được nhân viên trông giữ tận dụng để bán nước. 

Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội: Nơi bỏ hoang ớn lạnh, nơi xuống cấp mất vệ sinh - Ảnh 4.

Nhà vệ sinh công cộng bị cỏ cây mọc um tùm, che khuất ở đường Nguyễn Hoàng, cạnh bến xe Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Nhà vệ sinh này chỉ dành 1 khu vực nhỏ bên trái để khai thác sử dụng. Bên phải thì phủ kín bằng giấy dán tường, không cho sử dụng. Toàn bộ không gian còn lại bị chiếm dụng để bán nước, thẻ điện thoại, thậm chí cả đồ ăn nhanh mì tôm, bánh mì.

Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội: Nơi bỏ hoang ớn lạnh, nơi xuống cấp mất vệ sinh - Ảnh 5.

Phía trước nhà vệ sinh công cộng này bị chiếm dụng thành nơi bán nước. Ảnh: Gia Khiêm

Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội: Nơi bỏ hoang ớn lạnh, nơi xuống cấp mất vệ sinh - Ảnh 6.

Khu vực nhà vệ sinh thành nơi chứa hàng hoá. Ảnh: Gia Khiêm

Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội: Nơi bỏ hoang ớn lạnh, nơi xuống cấp mất vệ sinh - Ảnh 7.

Bên trong nhà vệ sinh bị hỏng hóc, xuống cấp. Ảnh: Gia Khiêm

Theo quan sát, nhà vệ sinh công cộng không được chia tách riêng biệt khu nam – nữ mà đã gộp lại để tiết kiệm diện tích bán hàng. 

Phía trong nhà vệ sinh khá chật chội, hạ tầng xuống cấp, bồn tiểu nam cũng đã bịt kín túi nilon vì hệ thống nước không có, phải múc nước sẵn trong chậu xối, vòi rửa tay hỏng khoá, vòi xịt treo lủng lẳng, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên… Tuy nhiên, khi có người đến sử dụng nhà vệ sinh công cộng thì vẫn phải mất 3.000 - 5.000 đồng/lượt cho người bán nước. 

"Nhà vệ sinh công cộng nhưng trở thành nơi bán nước nhìn rất mất vệ sinh", anh T. một người dân thở dài ngao ngán.

Ớn lạnh vì nhà vệ sinh xuống cấp, bỏ hoang

Tại phía sau bến xe Mỹ Đình – nơi mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách qua lại, mặc dù có nhà vệ sinh công cộng nhưng một số người dân vẫn đứng bên ngoài lề đường phóng uế. Nhiều người phóng uế ngay trước cửa ra vào nhà vệ sinh. Bên trong mùi nồng nặc, không giấy, xà phòng rửa tay. Cùng với đó đèn chiếu sáng cũng bị hỏng và được thay thế bằng một chiếc bóng đèn nhỏ tạm bợ khác.

Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội: Nơi bỏ hoang ớn lạnh, nơi xuống cấp mất vệ sinh - Ảnh 8.

Đèn nhà vệ sinh ở phía sau bến xe Mỹ Đình hỏng, treo lủng lẳng trên đầu. Ảnh: Gia Khiêm

Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội: Nơi bỏ hoang ớn lạnh, nơi xuống cấp mất vệ sinh - Ảnh 9.

Nhiều người phóng uế ngay bên ngoài gây mất vệ sinh. Ảnh: Gia Khiêm

Anh Nguyễn Tuấn D. (quê Bắc Giang) chia sẻ, nhiều nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Hà Nội ngoài việc còn mất vệ sinh nhất là mùi hôi, khai nồng nặc thì còn thiếu kín đáo. Số lượng nhà vệ sinh công cộng hở Hà Nội hiện nay còn ít nên việc tìm kiếm khá khó khăn.

"Chính vì thế mọi người đi đường không khó bắt gặp hình ảnh ai đó táp xe vào lề đường phóng uế bừa bãi ra ngoài. Tôi cho rằng, Nhà nước nên đầu tư thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng hiện đại, chắc chắn nhất, tự động hoá nhất, xử lý trong bồn thải xanh nhất. 

Đây là những việc cần được ưu tiên và làm ngay. Muốn đất nước phát triển, văn hóa hội nhập với thế giới thì môi trường, cảnh quan, vệ sinh công cộng và ý thức người dân cần phải có một cuộc cách mạng. Nhiều du khách vào nhà vệ sinh công cộng mà chứng kiến những hình ảnh này chắc chắn sẽ không mấy thiện cảm", anh D. bày tỏ quan điểm.

Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội: Nơi bỏ hoang ớn lạnh, nơi xuống cấp mất vệ sinh - Ảnh 10.

Hình ảnh nhà vệ sinh bỏ hoang trên đường Giáp Nhất, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Trên đường Giáp Nhất (quận Thanh Xuân), nhà vệ sinh công cộng rơi vào tình trạng bỏ hoang không hoạt động, một bên cửa khoá trái, bên còn lại thì bệ, bồn nhà vệ sinh cáu bẩn, chất nhầy đóng từng mảng kèm theo mùi hôi thối nồng nặc.

Theo một số người dân gần đây cho biết, nhà vệ sinh ở đây đã bị bỏ hoang từ lâu. Nhiều người có nhu cầu sử dụng nhưng khi vào thấy cảnh tượng ô uế lại phóng uế bừa bãi cả trong lẫn ngoài nên lại không dám vào.

"Nghĩ tới vệ sinh công cộng ở Hà Nội thì quả thật là một cảm giác kinh hoàng, tôi thà nhịn cho xong. Nhiều khi bí quá tôi vào quán cà phê gọi cốc nước rồi đi vệ sinh. Thà mất mấy chục nghìn còn hơn tìm nhà vệ sinh vốn đã khó giờ lại mất vệ sinh thì quả thực không ai muốn vào", một người dân cho biết.

Mới đây, khảo sát xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng tại 69 thành phố du lịch trên thế giới đã cho kết quả, hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM có chỉ số điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng dành cho khách du lịch quốc tế rất thấp.

Cụ thể, Hà Nội đứng vị trí 66 và TP.HCM xếp 67/69 thành phố du lịch toàn cầu, thua xa các thành phố của nước láng giếng như Kuala Lumpur (Malaysia) đứng thứ 42, Bangkok (Thái Lan) ở vị trí 45. Kết quả này chỉ ra một thực tế rất đáng buồn và cần các cấp các ngành có sự quan tâm hơn nữa đối với vấn đề khá tế nhị - nhà vệ sinh công cộng.

Thực tế chỉ ra rằng, nhà vệ sinh công cộng hiện nay ở nước ta không chỉ thiết kế, xây dựng chưa đạt chuẩn về vệ sinh, nước thải mà còn vận hành, quản lý không tốt.

Là một đô thị với hơn 8 triệu dân nhưng hiện nay trên địa bàn TP.Hà Nội chỉ có khoảng hơn 400 nhà vệ sinh công cộng. Mỗi nhà vệ sinh công cộng có kinh phí xây dựng không dưới 200 triệu đồng. Thế nhưng, nhiều nhà vệ sinh đã xuống cấp, rò rỉ nước, có những nhà vệ sinh do đưa vào sử dụng đã lâu, hệ thống van xả có vấn đề nên mỗi khi vệ sinh phải bơm nước thủ công, thậm chí có nhà vệ sinh không thể sử dụng.

Trước thực trạng vừa thiếu vừa quá tải, Hà Nội đã kêu gọi xã hội hóa, lắp đặt nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, sau gần 6 năm, kế hoạch xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng cũng bất thành vì nhiều nguyên nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem