Trạm cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn: “Khát” cơ chế hoạt động

Thứ tư, ngày 17/10/2012 09:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 79 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn được đưa vào khai thác. Tuy nhiên, cùng với một số bị hư hỏng, không hoạt động, thì nhiều công trình xây dựng xong nhưng không có cơ chế quản lý, vận hành và sử dụng hợp lý nên không phát huy được tác dụng...
Bình luận 0

Nhiều công trình không tác dụng

Công trình cấp nước sinh hoạt xã An Bá ở huyện Sơn Động được hoàn thiện từ năm 2006-2007 bằng nguồn vốn Chương trình 134, với quyết toán hơn 2,74 tỷ đồng, phục vụ cho 290 hộ của thôn Lái và thôn Hai. Thế nhưng, chỉ sau thời gian ngắn hoạt động, công trình này đã "đắp chiếu", thiết bị hoen gỉ, bể chứa và hệ thống ống, máng thành nơi cỏ mọc, nước đọng…

img
Một công trình nước sinh hoạt ở Bắc Giang bị bỏ hoang.

Chị Vi Thị Giang ở thôn Hai, cho biết: "Khi biết tin thôn được xây trạm cấp nước, bà con mừng lắm, vì nhiều năm rồi không có nước sạch để sinh hoạt, nhất là vào mùa khô. Nhưng chỉ được thời gian đầu, rồi không thấy có nước nữa, hỏi cán bộ thôn thì được trả lời do trạm hỏng. Bà con đợi mãi không thấy sửa chữa nên tự bảo nhau mua ống nhựa, dẫn nước từ suối trên rừng về. Để trả công cho những người quản lý đường ống tự phát, chúng tôi phải trả 1.000 đồng/m3 nước".

Ông Hoàng Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND xã An Bá cho hay: Sau khi đưa vào sử dụng, công trình này nhanh chóng hư hỏng. Do thiếu cơ chế, bộ máy quản lý, sử dụng, vận hành và kinh phí hoạt động nên địa phương không thể sửa chữa. Nhìn công trình hư hỏng nhưng xã đành "lực bất tòng tâm".

Theo ông Nguyễn Việt Ước - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, hiện huyện có hơn 9 nghìn công trình khai thác, cấp nước sinh hoạt các loại với tổng dung lượng gần 15 nghìn m3/ngày đêm. Trong đó có 27 công trình cấp nước tập trung, còn lại cấp nước từ giếng đào, giếng khoan. Trong số đó, nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả, thậm chí hỏng hóc, không hoạt động được nữa mà một phần nguyên nhân do không có tổ chức, bộ máy vận hành, bảo dưỡng, duy trì hoạt động thường xuyên, nên chỉ sau một thời gian, các thiết bị đã bị hư hỏng, xuống cấp, không có cán bộ kỹ thuật và kinh phí sửa chữa, khắc phục.

Tại huyện Việt Yên hiện có 3 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được xây dựng. Nhưng công trình của thị trấn Bích Động nay chỉ hoạt động được khoảng 50% công suất thiết kế; hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung xã Hoàng Ninh (3 trạm) xây từ tháng 9.2008 đến nay chưa thể đưa vào sử dụng vì vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng, thỏa thuận để lắp đặt đường điện, ống nước...; còn công trình cấp nước ở xã Quang Châu do chưa bố trí được vốn nên hiện nay không thể khởi công.

Ông Nguyễn Văn Kiệm - Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết: Hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung hiện nay có nhiều lúng túng, không có kinh phí sửa chữa, nâng cấp nên không phát huy được hết công suất cũng như việc tăng hiệu quả đầu tư.

Tìm cách quản lý phù hợp

Được biết, trong 79 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung của tỉnh đang sử dụng có 4 công trình hư hỏng, không hoạt động. Số còn lại có 25 công trình do các hợp tác xã quản lý, 45 công trình được cộng đồng quản lý và 5 công trình do các doanh nghiệp, tư nhân quản lý, vận hành.

Ông Trần Văn Quý - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Bắc Giang cho biết: Mô hình quản lý nào cũng bộc lộ hạn chế, nếu giao cho các hợp tác xã, cộng đồng quản lý thì không có cán bộ kỹ thuật chuyên môn, thiếu kinh phí hoạt động, khi thiết bị hư hỏng không thể sửa chữa gây lãng phí công trình. Việc giao cho các doanh nghiệp quản lý, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp phải đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm.

Vì vậy, nhiều công trình "đắp chiếu" trong khi người dân không có nước sinh hoạt để dùng, gây lãng phí nguồn vốn và bức xúc trong nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem