Tranh cãi học phí đầu năm: Phụ huynh yêu cầu trường công khai chi tiết các khoản thu, liệu có đúng?

Tào Nga Thứ tư, ngày 22/09/2021 07:10 AM (GMT+7)
Nhiều ngày qua, phụ huynh có con học Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội vẫn chưa đồng tình với các khoản thu của trường và mong có sự "công khai, minh bạch".
Bình luận 0

Ngày 14/9, báo Dân Việt đăng tải bài viết "Nhiều phụ huynh Hà Nội "cầu cứu" vì các khoản phí "chưa hợp lý và minh bạch". Theo đó, phụ huynh có con học Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (đường Trần Quốc Hoàn, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chưa đồng tình với khoản thu học phí online của trường, nhiều khoản không sử dụng khi học online và nhà trường không công khai chi tiết các khoản thu ở các khối lớp. Phía nhà trường cũng đã có ý kiến phản hồi.

Tuy nhiên, trao đổi với PV báo Dân Việt, đại diện nhóm phụ huynh này cho biết: "TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm có trả lời "lý do tại sao lại quyết định học phí online 80%, nhà trường đã lý giải trong bản phụ lục kèm theo quyết định học phí online năm 2021-2022 do các thầy hiệu trưởng ký, được gửi đến các cô giáo chủ nhiệm để thông báo với phụ huynh. Phụ huynh nào cần tìm hiểu xin xem lại văn bản đó" nhưng hầu như các phụ huynh đều chỉ nhận được ảnh chụp của 2 quyết định học phí mà không hề có phụ lục kèm theo". 

Tranh cãi học phí đầu năm: Phụ huynh yêu cầu trường công khai chi tiết các khoản thu, liệu có đúng? - Ảnh 1.

Học phí tại Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC

Phụ huynh này chia sẻ thêm: "Dựa theo bảng bóc tách chi phí thì mức giảm cụ thể là phần giảm trừ một phần của các dịch vụ không thể sử dụng khi học trực tuyến, hoàn toàn không phải là học phí được giảm vì khái niệm học phí của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là tổng các chi phí gồm: tiền học và tiền dịch vụ. 

Một năm mỗi 1 học sinh sẽ phải đóng 4 triệu đồng tiền "chi phí mua sắm, bổ sung trang thiết bị phục vụ bán trú" thì trường sẽ thu 12 tỷ đồng chỉ để mua sắm, bổ sung trang thiết bị phục vụ bán trú. Ngoài ra, tiền sửa chữa nhạc cụ khi học và sử dụng 150.000 đồng/tháng, tiền mua bổ sung dùng cho cả năm 100.000 đồng/tháng. Như vậy, hàng năm trường thu 3,750 tỷ đồng tiền mua và sửa chữa nhạc cụ là vô lý tiền vì tiền sửa lớn hơn cả tiền mua bổ sung. Tiền đồng phục mỗi năm học sinh phải đóng 2,5 triệu đồng là quá nhiều và không cần thiết.

Bảng bóc tách có phần chi phí trải nghiệm gia đình 2,5 triệu đồng/năm, trong khi trường thông báo đây là khoản miễn phí. Biểu học phí lớp 1 là cộng gộp 7 triệu đồng/tháng (đối với lớp song ngữ) có bao gồm chi phí trải nghiệm gia đình. Học phí lớp 2 là cộng gộp 7,2 triệu đồng (tăng 200.000 đồng theo lộ trình công bố của trường) thì rõ ràng chi phí trải nghiệm gia đình vẫn được tính vào học phí".

"Chúng tôi mong nhà trường có cuộc đối thoại trực tiếp với tập thể phụ huynh về bảng chi tiết các khoản thu ở các khối lớp và có chính sách giảm học phí học online phù hợp", phụ huynh này cho hay.

Phụ huynh yêu cầu trường công khai chi tiết các khoản thu, liệu có đúng?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Theo khoản 4, điều 8, chương II, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ: Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá) bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí, giá các dịch vụ do mình quyết định.

Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục có trách nhiệm thuyết minh chi phí giáo dục, đào tạo bình quân một học sinh, mức thu học phí hàng năm, mức thu học phí toàn cấp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và toàn khóa học đối với cơ sở giáo dục đại học; thuyết minh lộ trình và tỷ lệ tăng học phí các năm tiếp theo (tỷ lệ tăng hàng năm không quá 15% đối với đào tạo đại học; tỷ lệ tăng không quá 10% đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông) và thực hiện công khai theo quy định của pháp luật và giải trình với người học, xã hội.

Như vậy, phụ huynh có quyền yêu cầu cơ sở giáo dục công khai minh bạch về số tiền đóng góp. Về giá dịch vụ giáo dục: Các khoản được thu, mức trần sẽ theo quy định của Bộ GDĐT, quy chế của cơ sở giáo dục và thỏa thuận giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem