Trào lưu Deepfake lan tràn trên TikTok và cách để phân biệt

Thanh Thanh Thứ năm, ngày 28/07/2022 11:34 AM (GMT+7)
Hiện tại, trào lưu video Deepfakes giả mạo người nổi tiếng hoặc nhân vật của công chúng đang tràn lan trên nền tảng mạng xã hội TikTok tạo ra những hệ quả khó lường.
Bình luận 0

Trào lưu Deepfake trên Tiktok gây ra hệ lụy khó lường

Hiện nay, TikTok đang là nền tảng chứa lượng lớn video Deepfakes nhiều hơn so với bất kỳ nền tảng nào khác. Đây là trào lưu lan truyền trên mạng xã hội trong vài năm trở lại đây.

Deepfake là sự kết hợp giữa deep learning (học sâu) và fake (giả). Công nghệ này sử dụng AI để phân tích cử chỉ, nét mặt và giọng nói của một người, từ đó tái tạo và chỉnh sửa để cho ra đời hình ảnh hoặc video như thật. Video Deepfake sẽ có khuôn mặt hoặc cơ thể của một đối tượng đã được thay đổi kỹ thuật số để khiến họ trông giống người nổi tiếng hoặc nhân vật của công chúng.

Trào lưu Deepfake lan tràn trên TikTok và cách để phân biệt - Ảnh 1.

Các kênh TikTok giả mạo người nổi tiếng. Ảnh: The Next Web.

Trên nền tảng TikTok, hàng loạt kênh đăng tải video Deepfake có hàng triệu người theo dõi. Đáng chú ý nhất là @deeptomcruise với hàng chục video deepfake giả khuôn mặt Tom Cruise và có hơn 3,6 triệu người theo dõi cùng gần 14 triệu lượt thích. Ngoài ra, những tài khoản giả mạo Robert Pattinson, Keanu Reeves, Mark Zuckerberg, Elon Musk,… cũng nhận hàng trăm nghìn lượt theo dõi.

Ban đầu, công nghệ Deepfake được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuật kỹ thuật số và châm biếm, cung cấp công cụ tinh tế hơn để chèn trực quan so với màn hình xanh và hình ảnh do máy tính tạo ra. Đồng thời, công nghệ này cũng cho phép hồi sinh chân thực hình ảnh của các diễn viên đã qua đời và tái hiện lịch sử.

Tuy nhiên, khi công nghệ Deepfake được lan truyền trên nhiều nền tảng gây ra những hệ lụy nguy hiểm. Nhiều người phàn nàn họ không thể phân biệt được thật giả. Hệ quả làm sai lệch thông tin, gian lận danh tính và làm mất uy tín của các nhân vật công chúng và người nổi tiếng.

Trước đó, nhiều nền tảng mạng xã hội đã từng vướng vào những lùm xùm liên quan đến video Deepfake. Năm 2019, Facebook bị chỉ trích vì cho phép video giả chính trị gia người Mỹ Nancy Pelosi xuất hiện. Trong khi đó, năm 2020, Twitter phải ra lệnh cấm video mang tính lừa dối, gây nhầm lẫn hoặc gây hại cho mọi người, sau đó TikTok cũng thực hiện điều tương tự. Cùng năm, YouTube chặn video deepfake liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Cách phân biệt video deepfake

Dù công nghệ deepfake ngày càng tinh vi nhưng người dùng vẫn có thể phát hiện bằng mắt thường nếu để ý kỹ các chi tiết. Cụ thể, khuôn mặt có phải quá mịn, bóng xương gò má có bất thường, chuyển động mí mặt và miệng có tự nhiên hay không, tóc có bị mất tự nhiên không,…

Trào lưu Deepfake lan tràn trên TikTok và cách để phân biệt - Ảnh 2.

Người dùng có thể phát hiện video Deepfake bằng mắt thường nếu để ý kỹ các chi tiết trên khuôn mặt. Ảnh: Forbes

Bên cạnh đó, bối cảnh của video cũng rất quan trọng. Nhân vật thật có thói quen thực hiện các hành động như trong video hay không.

Đồng thời, người dùng phải đánh giá độ tin cậy của nguồn tin, tài khoản của người đăng đã được xác minh chưa. Đối với người nổi tiếng, người dùng có thể tìm kiếm về nhân vật trong video trên Google để kiểm chứng các thông tin mới nhất.

Ngoài ra, người dùng có thể chụp ảnh màn hình video đang phát và thực hiện tìm kiếm hình ảnh đảo ngược của Google. Điều này có thể tiết lộ liệu phiên bản gốc của video có tồn tại hay không, sau đó bạn có thể so sánh với phiên bản đáng ngờ hiện có.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem