Trào nước mắt với người lao động ngành du lịch, xoay đủ nghề vẫn không đủ ăn hàng ngày

H.Phúc Thứ sáu, ngày 18/06/2021 15:01 PM (GMT+7)
Dù xoay sở đủ nghề nhưng cuộc sống của nhiều lao động trong ngành du lịch, khách sạn hiện nay đang rất khó khăn, thiếu thốn...
Bình luận 0

Loay hoay cả năm vẫn không đủ ăn

Anh Hoàng Thoại - nhân viên một khách sạn 3 sao tại quận 3, TP.HCM cho biết, anh đã thất nghiệp một năm nay.  Tnh từ đợt Covid-19 đầu tiên vào năm 2020 khiến lượng khách giảm mạnh nhưng khách sạn vẫn cố gắng giữ chân nhân viên để chờ dịch qua đi, nhưng đến đợt dịch thứ hai thì không thể cầm cự nổi. 

"Tôi nghỉ từ lúc đó, không còn một đồng thu nhập nào. Tôi chuyển qua phụ gia đình bán quán ăn nhưng dịch bệnh cũng không được bao nhiêu. Tôi làm thêm bánh, trà sữa để bán online, giao tận nhà cho bạn bè nhưng đợt dịch thứ tư ập đến gần cả tháng nay, không bán được cái bánh, ly nước nào", anh Thoại chua xót.

Nhân viên du lịch, khách sạn nghỉ từ năm ngoái đến năm nay, làm đủ nghề cũng không đủ ăn - Ảnh 1.

Mới tháng 4, ngành du lịch còn hơi nhộn nhịp từ thì tháng 5 đến nay gần như lại "chết hẳn" vì Covid-19. Ảnh: Hồng Phúc.

Trong mắt anh và bạn bè, du lịch, nhà hàng, khách sạn là nghề cực, nhiều khi gặp khách khó chịu, "hành" đủ điều nhưng bây giờ muốn bị "hành" cũng khó. Chưa bao giờ anh Thoại và bạn bè làm trong ngành du lịch, khách sạn lại rơi vào cảnh khó khăn đến mức lịch sử như vậy.

"Hầu hết đều đã bỏ nghề. Tôi đụng đâu làm đó, thấy cái gì phù hợp khả năng đều làm thử hết, nhưng rất khó, thu nhập bây giờ làm sao đủ ăn. Tôi đang dùng dần khoản tiền tiết kiệm trước đây", anh nói.

Đại diện Sở Du lịch TP.HCM xác nhận lượng khách du lịch giảm mạnh khiến doanh thu các khách sạn không đủ duy trì, bù đắp chi phí vận hành, rất nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa, tạm ngưng hoạt động để hạn chế chi phí tối đa. Cụ thể, hơn 50% khách sạn 3 sao tại TP đã tạm ngưng hoạt động, nhóm khách sạn 4-5 sao cũng đang hoạt động cầm chừng, doanh thu giảm từ 70-80%.

Chủ tịch Vietravel - ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng ngậm ngùi khi thấy nhân lực vốn là tài sản lớn nhất của các công ty du lịch lữ hành nhưng các doanh nghiệp đã không thể giữ chân. Nguyên nhân là doanh thu không có, không có tiền để trả lương hoặc chỉ có thể trả mức lương cơ bản, không đủ để giữ chân người lao động.

Từ hơn nghìn lao động, Vietravel hiện cũng chỉ giữ lại khoảng 50 người để duy trì các hoạt động trong giai đoạn dịch bệnh. Hàng loạt văn phòng trên cả nước đều tạm đóng cửa. Ông Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định: "Đây là một điều chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch".

Thống kê của Sở Du lịch TP.HCM cho thấy các doanh nghiệp đã cắt giảm 50-80% lao động để duy trì hoạt động kinh doanh; hướng dẫn viên nội địa còn khoảng 40-50%, riêng hướng dẫn viên cộng tác hoặc tự do đã phải chuyển nghề, đi bán hàng online, mở quán ăn uống, bán bảo hiểm, về quê… Tuy nhiên, con số thực tế sẽ nhiều hơn thế.

Cần hỗ trợ gấp nhân lực ngành du lịch

Theo các doanh nghiệp, một trong những việc cần làm cấp bách hiện nay là hỗ trợ doanh nghiệp để có tiền trả lương, giữ chân người lao động.

Mới đây, Sở Du lịch TP.HCM đề xuất UBND TP xem xét trình HĐND TP. HCM chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách TP ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TP. HCM thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho doanh nghiệp du lịch (không phân biệt doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ) gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để trả lương cho người lao động. 

Nhân viên du lịch, khách sạn nghỉ từ năm ngoái đến năm nay, làm đủ nghề cũng không đủ ăn - Ảnh 3.

Nhiều khách sạn 3 sao tại TP.HCM đã đóng cửa, khách sạn 4-5 doanh thu giảm đến 80%. Ảnh: Hồng Phúc.

Ước tính, TP. HCM hiện có 5.002 doanh nghiệp du lịch đang hoạt động với khoảng 31.500 lao động. Với gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động của UBND TP cho các doanh nghiệp đang hoạt động, số tiền dự kiến hỗ trợ gần 209 tỷ đồng. Thời gian hỗ trợ trong 3 tháng.

Sở Du lịch TP.HCM đề xuất có chính sách hỗ trợ cho các điểm tham quan du lịch và nhóm bảo tàng, khu di tích là đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ kích cầu sau khi dịch được kiểm soát. 

Cụ thể, miễn phí vào 5 điểm tham quan: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử TP, Bảo tàng TP, Bảo tàng Mỹ thuật TP, Khu di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi cho khách du lịch vào mùa du lịch cuối năm (từ tháng 8 đến hết năm 2021). 

Hỗ trợ kinh phí chi trả lương cho các đối tượng là người lao động và chi phí thường xuyên chi từ nguồn thu vé tham quan tại 5 đơn vị này. Tổng chi phí các khoản này khoảng 21,7 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong 5 tháng.

Sở Du lịch TP.HCM cũng đề xuất triển khai ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho lực lượng lao động trong ngành du lịch. Thúc đẩy nâng tỷ lệ tiêm phòng cho nhân dân trên địa bàn TP để sớm mở cửa ngành du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát.

Về phía Hiệp hội Du lịch TP.HCM, Chủ tịch Hiệp hội - bà Nguyễn Thị Khánh, đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp du lịch được giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu; thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem