Trẻ vị thành niên xem phim 18+, phụ huynh chỉ trích, đay nghiến liệu có phải cách?

Mỹ Quỳnh Thứ sáu, ngày 02/04/2021 06:06 AM (GMT+7)
Sự tò mò về giới tính, sự hiếu kỳ về tình dục là chuyện rất bình thường đối với lứa tuổi vị thành niên. Thế nhưng, nhiều phụ huynh khi phát hiện con mình xem phim 18+ hoặc những nội dung thiếu lành mạnh thì đã nổi nóng, chỉ trích và đay nghiến trẻ. Cách làm này liệu có phải là giải pháp?
Bình luận 0

Bạo lực có cấm được trẻ xem phim 18+?

Đối với trẻ em bắt đầu dậy thì, nhu cầu tìm hiểu về giới tính, tình dục là rất bình thường và đúng với tiến trình phát triển nhân cách. Tuy nhiên, đây là vấn đề tế nhị, khó nói ra nên thông thường các em sẽ tự tìm hiểu. Còn phụ huynh, khi phát hiện trẻ xem thông tin, phim 18+ đã xử lý chưa tinh tế, dẫn đến nhiều hệ luỵ đáng lo ngại.

Trẻ vị thành niên xem 18+, phụ huynh chỉ trích, đay nghiến liệu có phải cách? - Ảnh 1.

Phát hiện con xem 18+, rất nhiều phụ huynh không kiềm chế đã sử dụng bạo lực. Ảnh minh hoạ

Anh T.H (ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ, một lần anh kiểm tra lịch sử truy cập trên máy tính của cậu con trai 13 tuổi. Anh tá hoả phát hiện, phải đến 80% trang web con mình truy cập là web sex. Ngạc nhiên hơn là thời gian mà cậu bé bắt đầu xem những trang web này diễn ra cách đây cả năm.

Quá sốc, anh lôi con ra truy vấn, la mắng và cho cậu bé mấy cái bạt tai, đồng thời cấm sử dụng máy tính, điện thoại. 

"Kể từ hôm đó, con tôi lầm lì, không giao tiếp, đi học về là cố thủ trong phòng. Chuyện này cũng tế nhị nên tôi không biết mở lời lại thế nào, nên không khí trong nhà nặng nề, bí bách. Tôi đã lên một nhóm kín để xin ý kiến các phụ huynh khác, không ngờ trường hợp như tôi nhiều lắm", anh H nói.

Còn chị M.H (ngụ quận 12) cũng đang hoang mang với con gái mình. Con gái chị đang học lớp 8, thường chat rất vui vẻ với một nhóm bạn trong lớp. Khi chị lấy điện thoại để xem nội dung các con trao đổi với nhau thì đã "xây xẩm mặt mày". Chị không thể tin vào mắt mình, những cô bé cậu bé ngoan ngoãn thường ngày lại có thể thoải mái trao đổi về sex, chia sẻ nhau những video, web đen. Đau khổ hơn, con gái chị cũng rất hào hứng, mạnh dạn chứ không phải ngây thơ như chị vẫn nghĩ. 

"Trong nhóm, bọn nhỏ nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ tục tĩu, khoe chiến tích xem clip này, clip kia. Có đứa còn không ngại ngùng khoe cả việc đi nhà nghỉ. Tôi rất sốc, không biết nói gì, ôm gối khóc cả đêm vì quá thất vọng", chị M.H nói.

Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp mà phụ huynh gặp phải. 

Trao đổi với Dân Việt, Chuyên viên tham vấn tâm lý - TS. Phạm Thị Thuý cho biết, có rất nhiều phụ huynh tìm đến chị để điều trị tâm lý cho con. Hầu hết, các con trong độ tuổi vị thành niên tiếp cận nội dung chưa phù hợp dẫn đến những hành vi sai trái. Trong đó, có một bé gái đã chụp hình khoả thân của mình gửi cho bạn trai xem, mà nhiều bạn trai chứ không phải 1. Trường hợp khác thì phụ huynh phát hiện con trai vào phòng tắm, gọi video để chat sex với bạn gái, dù cả hai chỉ mới 14-15 tuổi…

Đáng nói, hầu hết phụ huynh đã sử dụng bạo lực, lời nói nặng nề để mắng mỏ, đay nghiến hành vi của trẻ. Chính vì sự nhất thời thiếu khéo léo này đã khiến cho những đứa trẻ bị xấu hổ, sợ hãi và không kiểm soát được hành vi. Cũng từ đó, nhiều trường hợp trẻ trầm cảm, chán nản, bỏ đi, huỷ hoại bản thân hoặc tìm cách tự tử… 

Hãy chấp nhận việc con bắt đầu lớn

Chuyên viên tâm lý, nghiên cứu sinh Đào Lê Tâm An cho biết: "Chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu trên học sinh trung học cơ sở về "Nhu cầu tư vấn tâm lý về giới tính" và đã nhận thấy có hơn 67% các em chọn cách khám phá thông qua bạn bè hoặc thông tin trên mạng vì rất ngại trao đổi với người lớn.


Trẻ vị thành niên xem phim 18+, phụ huynh chỉ trích, đay nghiến liệu có phải cách? - Ảnh 2.

Chuyên viên tâm lý, nghiên cứu sinh Đào Lê Tâm An.

 

Tuy nhiên, thông tin trên mạng hay thông qua bạn bè đều là những thông tin không chính thống, do đó mức độ khoa học và uy tín sẽ rất thấp. Từ đó, kéo theo các hệ luỵ liên quan đến lệch lạc sở thích tình dục, thực hành tình dục thiếu an toàn, nguy cơ lây nhiễm, mang thai ngoài ý muốn cao... Với độ tuổi mà cả tâm lý và sinh  lý chưa phát triển đầy đủ, những điều này sẽ để lại những vết sẹo lớn, khiến các em sa sút trong việc học, có những niềm tin phi lý về tình yêu và hậu quả về sức khoẻ sinh sản sau này.

Theo thống kê, Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai ở trẻ dưới 19 tuổi lớn thứ 2 khu vực (hơn 300.000 ca mỗi năm). Tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch để tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Vì thế, trong giai đoạn đặc biệt này, thành công hay thất bại phụ thuộc ở sự sự quan tâm, dưỡng dục của cha mẹ.

Khi để cho đứa trẻ tự tìm hiểu, sẽ có em đạt được thành tựu, có em sẽ rơi vào trạng thái chơi vơi, và tệ hại hơn là nhiều em bị lạc lối".

Vì vậy, khi có trẻ ở lứa tuổi này, phụ huynh cần làm quen với vấn đề "con mình bắt đầu lớn" để tránh tình trạng bao bọc hoặc sợ, ngại đề cập chuyện tình yêu, tình dục với con. Và đặc biệt, phụ huynh cần giáo dục giới tính cho con với những kiến thức phù hợp với lứa tuổi.

Từ lớp 4, 5, 6 hãy dạy trẻ kiến thức về cơ thể, chăm sóc sức khoẻ dậy thì (cơ thể nam, nữ khác nhau cái gì? Dấu hiệu dậy thì là gì? Thế nào là xâm hại tình dục? Những đụng chạm an toàn, không an toàn, cơ chế thụ thai...).

Từ lớp 6, 7, 8, dạy trẻ kiến thức về hấp dẫn giới tính, tình yêu (Xúc cảm giới tính là gì, thế nào là thích, là yêu? Thể hiện tình cảm thế nào cho phù hợp? LGBT...)

Từ lớp 6, 7, 8, 9 dạy trẻ kiến thức về tình dục an toàn (Quan hệ tình dục là gì? hậu quả của việc quan hê tình dục thiếu an toàn, biện pháp quan hệ tình dục an toàn...).

"Khi phụ huynh đã đồng hành cùng con mình và trang bị kiến thức khoa học, việc còn lại là tin tưởng và trao quyền cho con tự xử lý những vấn đề của mình. Nếu từ đầu, gia đình đã tạo được sự tin tưởng và chia sẻ, chắc chắn khi có những việc cần tham khảo ý kiến, các em sẽ không ngại ngần đưa ra thắc mắc" – TS. Đào Lê Tâm An nhấn mạnh.

Khi trẻ đặt câu hỏi hoặc nói lên vấn đề của mình, phụ huynh tuyệt đối không chỉ trích, đay nghiến vì độ tuổi này trẻ có thể làm những điều rất dại dột. Phụ huynh hãy hỏi trẻ có đang lo lắng gì không? Nếu có hãy giải đáp theo kiến thức chuyên môn mà phụ huynh biết và phải làm sao cho trẻ hiểu rằng, dù có chuyện gì thì gia đình vẫn luôn đồng hành cùng trẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem