Trên dãy núi Pu Lon ở Nghệ An, dân trồng loại cây quý gì mà rừng đẹp như phim, lên tới nơi mới bất ngờ?

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Thứ năm, ngày 07/12/2023 10:34 AM (GMT+7)
Trên dãy núi Pu Lon, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, 3 thế hệ trong một đại gia đình miệt mài trồng loại cây gỗ quý là cây Pơ mu, cây Sa mu. Hàng vạn cây Pơ mu, Sa mu cao lớn tạo nên những cánh rừng đẹp như phim phủ xanh dãy núi Pu Lon.
Bình luận 0

Đại gia đình tiên phong trồng rừng trên dãy Pu Lon

Hiện tại trên dãy núi Pu Lon, ở bản Huồi Giảng, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An những cánh rừng Pơ mu, Sa mu xanh ngút ngàn trở thành một biểu tượng của người dân nơi đây. 

Chuyện đại gia đình phủ xanh dãy Pu Lon bằng cây quý, tạo nên những cánh rừng đẹp như phim - Ảnh 1.

Cánh rừng rộng hơn 100 ha trồng cây gỗ Pơ mu, Sa mu quý ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: N.P

Tại đây có hơn 100 ha với hàng vạn cây Pơ mu, Sa mu cao lớn vươn mình lên bầu trời xanh biếc. Pơ mu và sa mu đều là những loại cây gỗ quý có mùi thơm và giá trị kinh tế cao.

Ông Vừ Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, hầu hết cây Pơ mu và Sa mu ở đây đều có tuổi đời 18 đến 20 năm. 

Hiện nay, trồng rừng đã trở thành một "thói quen" của người dân trong xã. Những cánh rừng sẽ còn mở rộng hơn nữa. Cuộc sống của bà con làng bản dần ổn định hơn cũng nhờ những cánh rừng này.

Người tiên phong trồng rừng gỗ quý ở đây là đại gia đình ông Vừ Rả Tênh (SN 1972, Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn). Từ những năm 1996, bố của ông Têng là cụ Vừ Pà Rê (SN 1947) vào dãy núi Pu Lon phát hiện cánh rừng Pơ mu, Sa mu tại đây bị đốn hạ nhiều. 

Những quả đồi này đã bị "cạo trọc" để làm rẫy, nhưng sau đó bỏ hoang vì đất không còn dinh dưỡng. Vậy là cụ Rê quyết định đi tìm những cây Pơ mu, Sa mu con về trồng trên những cánh rừng bị tàn phá.

Chuyện đại gia đình phủ xanh dãy Pu Lon bằng cây quý, tạo nên những cánh rừng đẹp như phim - Ảnh 2.

Ông Tênh cùng Phó chủ tịch UBND xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An trong cánh rừng Pơ mu, Sa mu đẹp như phim. Ảnh: N.P

Chuyện đại gia đình phủ xanh dãy Pu Lon bằng cây quý, tạo nên những cánh rừng đẹp như phim - Ảnh 3.

Những cây Pơ mu, Sa mu cao lớn vươn mình lên bầu trời xanh biếc. Đó là thành quả của cụ Rê cùng các thành viên trong gia đình suốt nhiều năm kiên trì trồng rừng. Ảnh: N.P

Lúc đó, Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn còn nhỏ, ông thường đùm cơm theo bố để vào rừng tìm cây Sa mu, Pơ mu nhỏ.

Sau đó, hai bố con lại mang về đem đến những khu các quả đồi ở dãy Pu Lon để trồng.

Thời điểm đó, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng cụ Rê vẫn luôn động viên các con đồng hành cùng mình. Ông Tênh vẫn nhớ như in lời của bố, rừng phải xanh lên thì bản làng, bà con mới vui được.

Tuy nhiên, theo thời gian số lượng cây Pơ mu, Sa mu con tìm được càng ít. Vậy là cụ Rê nghĩ đến cách tự nhân giống. Bố con cụ Rê lại khăn gói lên rừng tìm quả Pơ mu, Sa mu nhỏ bằng ngón tay đem về phơi khô, tách hạt để ươm.

Ông Vừ Rả Tênh chia sẻ, mỗi quả có 5 đến 10 hạt, hạt nhỏ hơn hạt gạo. Hai bố con phải mất khá nhiều thời gian trong việc ngâm, ủ và phải chờ đợi khoảng 2 tháng, hạt cây mới nảy mầm. 

Sau khi nảy mầm, cũng phải chờ đến 5 tháng cây mới cao 20 đến 30 cm , lúc đó mới trồng được.

Pơ mu là loài cây gỗ quý thuộc ngành thông, họ hoàng đàn. Cây Pơ mu là loài thực vật thuộc loại nguy cấp quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Pơ mu là cây thân gỗ lá thường xanh, cao 25–30 m. Thân cây Pơ mu có vỏ màu ánh nâu-xám dễ bị tróc khi cây còn non. Ở những cây già hơn, trên vỏ có các vết nứt theo chiều dọc, có mùi thơm.

Cây Sa mu, hay còn gọi là Sa mu dầu, còn có nhiều tên gọi khác như: Sa mộc dầu, Ngọc Am, Sa mộc Quế Phong… là một loài cây quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam xếp vào Nhóm thực vật nguy cấp, quý, hiếm...

Chuyện đại gia đình phủ xanh dãy Pu Lon bằng cây quý, tạo nên những cánh rừng đẹp như phim - Ảnh 4.

Đường kính mỗi cây Sa mu, Pơ mu đến thời điểm hiện tại khoảng 20 đến 25cm. Cánh rừng Pơ mu, Sa mu ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An giờ đây đẹp như phim, có nhiều du khách tìm về chụp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Ảnh: N.P

Những cánh rừng quý ví như "kho báu" cho muôn đời sau

Để phủ kín những quả đồi trọc trên dãy Pu Lon bằng cây Pơ mu, Sa mu, bố con ông Tênh tiếp tục nhân giống, đồng thời nhờ chính quyền hỗ trợ giống cây con từ nơi khác về để trồng. 

Chuyện đại gia đình phủ xanh dãy Pu Lon bằng cây quý, tạo nên những cánh rừng đẹp như phim - Ảnh 5.

Dãy Pu Lon ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An giờ đây được phủ xanh bởi hàng vạn cây Sa mu, cây Pơ Mu quý hiếm. Ảnh: N.P

Sau đó, có dự án trồng rừng, Nhà nước hỗ trợ tiền công trồng cây. Lúc này, ông Rê lại đi đến từng nhà vận động bà con cùng tìm Pơ mu, Sa mu để trồng rừng.

Tuy nhiên, thời điểm đó người dân trong bản cho rằng trồng những cây Pơ mu, Sa mu nhỏ như vậy không biết đến bao giờ mới cho gỗ, nên không ai trồng. 

"Bố tôi vẫn quyết tâm, không ai trồng thì mình trồng. Sau gần 15 năm kiên trì, chăm chỉ, những đồi trọc đã được phủ kín bằng hàng vạn cây Pơ mu, Sa mu", ông Vừ Giống Phử (con trai thứ 5 của cụ Rê) chia sẻ.

Do tuổi cao sức yếu, cụ Rê qua đời, lúc này những cánh rừng Pơ mu, Sa mu cũng đã tươi tốt, xanh ngút ngàn trên dãy núi Pu Lon.

Các con của cụ Rê vẫn tiếp tục công việc trồng rừng cho tới ngày nay. Vào mùa hè, nhiều du khách tìm về cánh rừng Pơ mu, Sa mu xanh ngút ngàn để tham quan, chụp ảnh và tận hưởng không khí trong lành. Cánh rừng Pơ mu, Sa mu trở thành "kho báu" quý giá cho muôn đời sau.

Chuyện đại gia đình phủ xanh dãy Pu Lon bằng cây quý, tạo nên những cánh rừng đẹp như phim - Ảnh 6.

Những cánh rừng được phủ xanh bởi cây Pơ mu, cây Sa mu quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An giờ là tài sản vô giá cho muôn đời sau. Ảnh: N.P

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem