Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế nhà báo trong sáng tạo nội dung?

Khải Phạm Thứ bảy, ngày 18/03/2023 15:07 PM (GMT+7)
Đó là vấn đề được bàn luận tại Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn diễn ra trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 tại Bảo tàng Hà Nội.
Bình luận 0

Sáng nay (ngày 18/3/2023), trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn. Đây chính là diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó có những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay.

Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế nhà báo trong sáng tạo nội dung? - Ảnh 1.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo. Ảnh BTC

AI thiếu sắc thái xã hội, thiếu cảm xúc và khả năng tương tác như nhà báo

Trong khuôn khổ Hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã có những nhìn nhận thẳng thắn về công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực của cuộc sống và báo chí hiện nay.

Theo đó, trong thời gian gần đây, AI hay ChatGPT nổi lên như hiện tượng lớn nhất của ngành công nghệ và được người dùng sử dụng, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống.

"Các chuyên gia đã chỉ ra rất nhiều lợi ích của trí tuệ nhân tạo trong hoạt động của doanh nghiệp. Chẳng hạn có thể sử dụng ChatGPT trong việc trả lời các truy vấn của khách hàng, trợ lý ảo cá nhân, là công cụ lập trình, viết email, soạn các bài thuyết trình, quản lý thời gian hoặc các cuộc họp, v,v…", ông Minh nói.

Trong lĩnh vực báo chí, đã có hàng loạt câu hỏi cả về cơ hội cũng như thách thức, và cả sự giận dữ cũng như những tác động của trí tuệ nhân tạo đối với hoạt động báo chí nói chung và với các vị trí việc làm của các nhà báo.

Theo ông Lê Quốc Minh, ChatGPT có thể tạo ra những nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng, sinh ra bất kỳ cái gì từ các bài luận cho đến đơn xin việc, cho đến thơ và cả các câu chuyện giả tưởng. ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn, được huấn luyện thông qua việc tải lên hệ thống hàng tỷ từ ngữ trong cuộc sống mỗi ngày trên mạng Internet. Từ đó, nó phỏng đoán các câu và từ ngữ theo các chuỗi nhất định. 

"Tuy nhiên, sự chính xác của các câu trả lời là điều bị đặt dấu hỏi. Các học giả ở Australia đã phát hiện những thí dụ cho thấy hệ thống này ngụy tạo các nguồn tham khảo từ các website rồi trích dẫn các câu nói giả mạo. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí cũng gây ra nhiều tranh cãi", ông Minh lo ngại.

Trong báo chí, vấn đề bản quyền luôn được coi trọng hàng đầu và câu hỏi nhiều người quan tâm là ai sở hữu các bài viết do AI tạo ra?

Trả lời vấn đề này, ông Lê Quốc Minh nói: "Không như ở Mỹ, luật của Anh cho phép bảo hộ quyền đối với các tác phẩm do máy tính tạo ra, mặc dù chỉ cá nhân hoặc tổ chức mới có quyền "sở hữu" tài sản trí tuệ, chứ không bao giờ là AI". 

Giải thích về điều đó, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, nếu một hệ thống AI có đóng góp tối thiểu ngoài những câu lệnh cơ bản của người dùng, và quá trình ra quyết định tự động hóa đã thúc đẩy tiến trình sáng tạo, thì người tạo ra nền tảng có thể được coi là "tác giả" và là người sở hữu sản phẩm trí tuệ. 

Còn nếu cần nhiều dữ liệu đầu vào (chẳng hạn qua việc tải các tài liệu lên hệ thống), và AI chỉ là công cụ hỗ trợ, thì sở hữu trí tuệ về sản phẩm đầu ra có thể thuộc về người dùng. Trên thực tế, nếu các nhà báo sử dụng AI thì cần phải kiểm tra kỹ điều khoản dịch vụ của các nền tảng để đánh giá thận trọng các quy định về sở hữu trí tuệ. 

Một số nền tảng "trao" quyền sở hữu trí tuệ cho người dùng trong khi một số nền tảng khác có thể giữ quyền này và cấp nó theo một "giấy phép" (có thể theo những quy định hạn chế cho việc sử dụng của các tòa soạn).

Ở chiều ngược lại, báo chí AI sẽ có những nội dung độc hại với độc giả và làm thế nào để hạn chế điều đó.

Ông Minh đưa ra dẫn chứng: Vào tháng 1/2023, ChatGPT đã thừa nhận điểm yếu của mình với hãng kiểm chứng thông tin Newsguard: "Kẻ xấu có thể biến tôi thành vũ khí bằng cách tinh chỉnh mô hình của tôi với dữ liệu của họ, có thể bao gồm những thông tin sai sai lệch hoặc giả mạo.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm và thấy rằng thừa nhận trên hoàn toàn đúng, vì nếu đưa ra 100 lệnh cho ChatGPT mà có thông tin sai lệch thì nó sẽ trả lại những câu trả lời sai lệch với tỷ lệ lên tới 80%.

Hơn nữa, tuy rất siêu việt trong việc thu thập và xử lý dữ liệu, AI thiếu sắc thái xã hội, thiếu cảm xúc và khả năng tương tác với con người của một nhà báo bằng xương bằng thịt. Nếu không có sự can thiệp của con người, rất có thể những nội dung do AI tạo ra sẽ không đáp ứng được các tiêu chuẩn về biên tập của các tòa soạn".

Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế nhà báo trong sáng tạo nội dung? - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông - Nguyễn Thanh Lâm phát biểu. Ảnh Khải Phạm.

Nhà báo khác AI ở trải nghiệm

Về việc ứng dụng AI trong báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông - Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ: "Nhà báo khác AI ở trải nghiệm, AI có thể làm thay những công việc cơ bản của con người như dẫn bản tin, đưa tin khi thông tin đó đã có trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cái mà nhà báo có khi viết bài là trải nghiệm, từ đó đúc kết những kiến thức, tích lũy và phân tích vấn đề thì AI không làm được nên đây sẽ là công cụ gợi ý đề tài chứ không thể thay thế nhà báo trong sáng tạo nội dung".

Tại Hội thảo, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam cho rằng, bản chất của báo chí số là sử dụng công nghệ số vận hành đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số. 

Chuyển đổi số báo chí thực chất là chuyển đổi từ báo chí đơn loại hình sang nền báo chí lấy báo mạng điện tử làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ hoạt động của toà soạn hội tụ.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, có nhiều cách khác nhau để áp dụng AI trong hoạt động nghiệp vụ báo chí như: tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu, trả lời theo yêu cầu và chủ đề của người dùng hoặc sáng tạo các nội dung, các tác phẩm theo góc nhìn mới, đặt tiêu đề cho các bài báo, dịch thuật đa ngôn ngữ. Các ứng dụng này giúp nhà báo tiết kiệm thời gian và công sức lao động nghề nghiệp. 

AI có thể là trợ lý ảo đắc lực cho nhà báo trong tìm kiếm, xác định thông tin. Có thể sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ AI để phát hiện đề tài, thu thập xử lý thông tin để theo dõi sự kiện, trích xuất thông tin và xác định xu hướng.

Nhưng Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội nhà báo cũng nêu ra những nhược điểm khiến AI không thể thay thế lao động sống của nhà báo tại hiện trường.

"Các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp. Chúng có thể là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất báo chí tự động, nhưng nó không thể thay thế lao động sống của nhà báo tại hiện trường" - PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cho hay.

Giải pháp được đưa ra là, với các cơ quan báo chí đang ở bước cơ bản trong chuyển đổi số, cần tập trung các ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, nghiên cứu và phân khúc công chúng trên phiên bản báo điện tử, chú trọng an toàn và an ninh thông tin.

Với các toà soạn đã ứng dụng tốt cả quy trình, có thể triển khai ứng dụng AI cho khối tương tác, quản lý; phát triển dịch vụ giá trị gia tăng để phát triển kinh tế báo chí số, xây dựng chương trình tương tác và ứng dụng tin tức có tính năng vượt trội, giải quyết các vấn đề bản quyền và thực thi các mô hình báo chí số với cả 3 khu vực: nội dung số - công nghệ số - kinh tế số, phát triển hệ sinh thái số cho cơ quan báo chí.

Cùng chung quan điểm, nhà báo Ngô Trần Thịnh - Đài truyền hình Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nhóm nghiên cứu của ứng dụng AI ChatGPT đã cho những chia sẻ.

Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế nhà báo trong sáng tạo nội dung? - Ảnh 3.

Nhà báo Ngô Trần Thịnh - Đài truyền hình Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh Khải Phạm.

"Nhóm nghiên cứu của đài chúng tôi đã thử nghiệm phóng sự khi trao quyền xây dựng cho ChatGPT. Công cụ AI này đã xây dựng được khung kịch bản và những điều cần làm và phỏng vấn những ai. Tuy nhiên, trong nội dung mà ChatGPT xây dựng không có tính con người, có nghĩa là cảm xúc và nhấn mạnh yếu tố nào. Thậm chí, chúng tôi còn phải sửa mất nhiều thời gian hơn việc từ ngồi viết kịch bản. Mặc dù vậy, vẫn phải đưa ra thử nghiệm để thấy rằng AI đã ứng dụng đến đâu trong báo chí hiện nay", nhà báo Thịnh nói.

Cuối cùng, nhà báo Ngô Trần Thịnh khẳng định: "AI/ChatGPT sẽ là công cụ gợi ý tưởng cho nhà báo chứ không thể làm thay chức năng, nhiệm vụ sáng tạo nội dung chuẩn chỉ. Do đó, nhà báo chỉ nên tham khảo công cụ này để có những đề tài phong phú, góc nhìn rộng mở hơn trong làm nghề".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem