Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới:Lo thiếu cả phòng học lẫn giáo viên

Hà My – Bạch Dương Thứ sáu, ngày 26/06/2020 06:03 AM (GMT+7)
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là năm học 2020 - 2021 bắt đầu, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với ngành giáo dục Việt Nam. Từ năm học này, học sinh lớp 1 bắt đầu tham gia chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bình luận 0

Sát giờ "G" vẫn hoang mang

Đến thời điểm hiện tại, không ít phụ huynh có con chuẩn bị học lớp 1 vẫn còn khá bối rối khi nhắc tới những điểm mới trong chương trình giáo dục phổ thông sắp được thực hiện. Sự thay đổi trong cách sử dụng sách giáo khoa (SGK) cũng là một dấu hỏi lớn đối với nhiều phụ huynh khi có tới 5 bộ sách và học sinh mỗi trường lại có các bộ sách khác nhau.

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Lo thiếu cả phòng học lẫn giáo  viên - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 tại một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: I.T

Chị Trần Hà Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) có con thứ 2 năm sau sẽ vào lớp 1. Nếu như con gái đầu tiên (học lớp 5) của chị có quá trình học tập được bố mẹ kèm cặp, theo sát nên khá trơn tru, thì chị lại đang khá lo lắng trước sự thay đổi cả về chất và lượng trong việc học tập sắp tới của con trai thứ 2.

"Tôi và chồng đều trải qua quá trình học phổ thông và học đại học theo chương trình cũ. Vì thế, kiến thức và phương pháp học tập của cô chị có thay đổi chút ít, nhưng việc đồng hành cùng con trong quá trình học tập là không khó. Thế nhưng sắp tới đứa thứ 2 sẽ được học chương trình hoàn toàn khác, điều đó không khỏi khiến cả hai bố mẹ cảm thấy có chút lo lắng" - chị Hà Anh tâm sự.

Thực tế đây là cảm nhận chung của nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt là những gia đình theo sát quá trình học tập của các con. Chị Hà Anh cho biết mặc dù vẫn theo dõi rất kỹ các phương tiện truyền thông về chương trình giáo dục phổ thông mới, tuy nhiên vẫn thấy hoang mang.

"Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt học sinh làm trung tâm, SGK chỉ là phương tiện để sử dụng truyền tải kiến thức chứ không còn là pháp lệnh. Tuy nhiên vai trò của giáo viên trong chương trình mới là vô cùng lớn, bởi học sinh có thấy hứng thú với cách học mới hay không hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên. Đặt ra một câu hỏi nếu giáo viên không chịu vận động, thay đổi và bố mẹ không thể đồng hành cùng con thì học sinh sẽ ra sao?" - chị Hà Anh trăn trở.

Khác với lo lắng kể trên, anh Ngọc Cường (Thanh Xuân, Hà Nội) lại đặt câu hỏi về thời gian quá gấp rút để chuẩn bị cho chương trình mới. "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi được biết năm học 2019 - 2020 học sinh phải kéo dài tới giữa tháng 7 mới kết thúc. Sau đó sớm nhất là 1/9 các em lại tiếp tục tới trường để học cho năm học tiếp theo. Thời điểm hiện tại vẫn có không ít giáo viên chưa được tập huấn sử dụng SGK mới, như vậy làm sao có đủ thời gian để giáo viên chuẩn bị cho phương pháp dạy mới yêu cầu sự sáng tạo rất cao?".

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Lo thiếu cả phòng học lẫn giáo  viên - Ảnh 2.

Một trong những bộ sách giáo khoa được sử dụng trong chương trình mới. Ảnh: I.T

Chỉ 70% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày

Tại TP.HCM Sở GDĐT vừa thông tin về kết quả lựa chọn SGK mới chuẩn bị cho năm học 2020-2021. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, bộ SGK hiện hành do Bộ GDĐT phát hành, được Nhà nước trợ giá nên giá thành rất rẻ. Tuy nhiên, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, hiện nay có 5 bộ sách, 6 loại sách tiếng Anh, giá do các nhà xuất bản quy định nên cao gấp 3-4 lần SGK hiện hành. Thành phố luôn có khoản kinh phí dành cho các trường học mua các bộ SGK dùng chung để cho các em học sinh không có điều kiện có thể mượn một vài cuốn hoặc mượn cả bộ tại thư viện.

"Ở chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, mặc dù các thầy cô và các cấp quản lý đã đổi mới phương pháp giáo dục rất nhiều để giúp học sinh học tập, nhưng vẫn bị gò bó bởi các quy định mang tính chất kiến thức, kỹ năng. Chương trình mới cho phép sự sáng tạo tối đa của giáo viên, cụ thể hóa tới từng tính chất riêng biệt nhất của học sinh".

Ông Thái Văn Tài

Cơ sở vật chất, phòng học luôn là vấn đề nan giải, tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân số là mong muốn, chỉ tiêu phấn đấu của ngành giáo dục nhiều năm nay, nhưng do áp lực tăng dân số cơ học nên không thực hiện được. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của thành phố chỉ đạt khoảng 70%, một số quận huyện chỉ đạt được khoảng 20% (Tân Phú 23%).

Sở đã tìm các giải pháp như: Ưu tiên học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1 tối đa ở mức có thể; nếu trường nào không thể thực hiện 2 buổi/ngày thì tận dụng các ngày thứ 7, các buổi khác để triển khai các hoạt động tập trung.

Ông Hiếu cho biết: "Với những trường chưa học được 2 buổi/ngày thì dạy chương trình như thế nào, đến nay Bộ chưa có hướng dẫn. Sở có dự kiến: Trường dạy 6 buổi/tuần là chỉ đủ dạy kiến thức, không có hoạt động nên dùng ngày thứ 7 hoặc các phòng chức năng để tổ chức các hoạt động cho học sinh đỡ thiệt thòi".

Trước câu hỏi bộ SGK năm nay có tái sử dụng cho các năm học sau hay không, ông Hiếu cho biết, năm học 2021 - 2022, chủ tịch UBND các tỉnh thành sẽ được quyền quyết định một hoặc một vài bộ SGK xuyên suốt dùng chung lâu dài tại địa phương, vì thế sẽ còn phải cân nhắc.

Ông Hiếu thông tin thêm, ngoài phòng học, TP.HCM hiện đang rất thiếu giáo viên bộ môn: Nhạc, họa, thể dục, ngoại ngữ, như quận 11 thiếu 31 giáo viên tiếng Anh, chỉ tuyển được 1 nhưng sau giáo viên này cũng nghỉ, vì thế việc tuyển dụng giáo viên hiện nay đang rất khó khăn. 


Tìm ưu khuyết điểm trong từng tiết dạy

"Để chuẩn bị cho việc giảng dạy chương trình lớp 1 mới, bên cạnh việc nghiên cứu chương trình, tập huấn lý thuyết thì giáo viên dạy thử nghiệm thông qua những tiết học mẫu, dự giờ để cùng thảo luận về phương pháp giảng dạy mang lại hiệu quả cao. Các giáo viên sẽ tìm ra ưu khuyết điểm của từng tiết dạy, điều này có tác dụng rất lớn, giúp các cô sẵn sàng dạy chương trình mới. Tại Trường Tiểu học Đông Thái, mỗi giáo viên phải lên kế hoạch tiết giảng dạy của mình để các giáo viên khác góp ý, nhằm đạt kết quả tốt hơn".

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Minh- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái, Hà Nội

Giáo viên tự mình vận động

"Sách giáo khoa mới có nhiều nội dung đưa cuộc sống vào bài học, giúp học sinh được phát triển kỹ năng sống, tư duy sáng tạo. Giáo viên chỉ cần đảm bảo quản trị được mặt thời gian, có tình yêu với nghề, sự quan tâm tới học trò thì sẽ tiếp cận chương trình mới không khó.

Về mặt thời gian gấp rút, giáo viên có thể tự chia sách giáo khoa năm tiếp theo thành các phần nhỏ sau đó rồi tiếp cận phần nào được dạy trước để chuẩn bị cho năm học sắp tới. Giáo viên cũng cần phải linh hoạt trong từng bài học, thời gian hay quy trình dạy".

Cô giáo Bùi Thu Hương (Trường Tiểu học Tân Sơn, TP.Thanh Hóa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem