Triển khai truy xuất nguồn gốc thịt lợn: Thương lái “vắng mặt”, tiểu thương sợ phiền hà

Vỹ Nguyên Chủ nhật, ngày 18/12/2016 07:00 AM (GMT+7)
Từ ngày 16.12, TP.HCM chính thức triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn trên địa bàn thành phố. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn thực hiện được công việc này, cần phải có sự vào cuộc của thương lái.
Bình luận 0

Với sản lượng cung cấp 5.000 con mỗi ngày, chợ đầu mối nông sản Hóc Môn được coi là tâm điểm của đề án, cùng với 5 chợ khác. Ông Lê Văn Tiển- Phó Giám đốc Ban quản lý chợ Hóc Môn cho biết, đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn là bước một của đề án chợ an toàn thực phẩm TP.HCM. Sau khi thành công với thịt, tiếp theo sẽ là rau củ quả. “Tất cả đã sẵn sàng. Khi chính thức thực hiện, người mua lợn từ chợ Hóc Môn sẽ an tâm 100% về nguồn gốc” - ông Tiển khẳng định.

img

Người bán thịt mong muốn được hỗ trợ để truy xuất nguồn gốc thịt lợn thuận lợi hơn. Ảnh: V.N

Theo ông Tiển, việc nhận diện được nguồn gốc miếng thịt là bước quan trọng đầu tiên để củng cố lại niềm tin của người tiêu dùng. Toàn bộ cơ sở vật chất đều đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế. 38/38 hộ kinh doanh đều tự nguyện tham gia. Tuy nhiên, ông Tiển cho rằng, khi truy xuất nguồn gốc, từ trang trại, chợ đầu mối, chủ sạp đều có tên. Trong khi thương lái tham gia với vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung- cầu, thì lại “ẩn danh” trong việc tham gia vào truy xuất nguồn gốc.

Theo dự kiến, ban đầu có 4 chợ tham gia đề án trên là: Bến Thành và Thái Bình (quận 1), Hòa Bình và An Đông (quận 5). Ông Tiển cho biết, để giải quyết mối lo lợn không rõ nguồn gốc tuồn về chợ lớn khác, chợ đầu mối Bình Điền (huyện Bình Chánh, cung cấp 2.500 con mỗi ngày) cũng đã tham gia đề án.

Hiện UBND TP.HCM đã ban hành quy chế để thực hiện đề án. Trong đó có quyết định nổi cộm: Phải có vòng niêm phong thì xe vận chuyển heo mới được vào chợ.

Chị Ngọc Thu, chủ một sạp thịt lợn tại chợ chia sẻ, đã sẵn sàng tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc vì chợ thịt heo Hóc Môn lâu nay nổi tiếng về khâu vệ sinh. “Do là chợ bán sỉ, thời gian trao đổi, giao nhận phải rất nhanh nên việc thực hiện thao tác cầm điện thoại dí vào miếng thịt để kích hoạt mã số thế nọ, thế kia khó tránh khỏi gây phiền hà” - chị Thu nói.

Chị Nguyễn Ngọc Xuân bán thịt tại chợ Bến Thành cũng có một lo ngại: “Tiểu thương chúng tôi suốt ngày lúi húi với miếng thịt, tay chân thì đầy mỡ, cái điện thoại nào tích hợp được phần mềm truy xuất, giá bao nhiêu, có hỗ trợ cho tiểu thương không cũng cần xem xét”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem