Triệu dòng nước mắt Tacloban chờ... một hành động

Chủ nhật, ngày 17/11/2013 08:10 AM (GMT+7)
Từ 11 đến 22.11, tại Warsaw - Ba Lan diễn ra Hội nghị Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 19).
Bình luận 0
Tính đến 15.11, ông Yeb Sano - Trưởng đoàn Philippines đã tuyệt thực được 5 ngày. Ông Yeb Sano cho biết sẽ không ăn gì cho tới khi hội nghị ở Warsaw đạt được những bước tiến có ý nghĩa. “Đất nước tôi không chấp nhận việc chúng ta cần đến COP30 hay COP40 mới giải quyết biến đổi khí hậu” - ông nói.


img
Ông Yeb Sano - Trưởng đoàn Philippines.

Tại phiên khai mạc COP 19, ông Sano đã làm cả thế giới lặng đi, với những giọt nước mắt và thông điệp khẩn khoản: “Bão Haiyan là hậu quả của biến đổi khí hậu. Với ai vẫn còn phủ nhận thực tế đó, xin mời đến Philippines ngay bây giờ”.

Bà Christina Figueres - Thư ký điều hành Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCC) nhấn mạnh: “Sẽ không có kẻ thắng người thua trong cuộc chiến chống biển đổi khí hậu toàn cầu mà chúng ta hoặc sẽ cùng chiến thắng hoặc cùng thất bại".

Giọt nước mắt của ông Sano không chỉ dành riêng cho người dân Philippines. Và tuyên bố của bà C.Figueres cũng không phải những lời dọa suông. Theo các chuyên gia, nếu không hành động khẩn cấp, nhiệt độ Trái Đất có thể tăng gần 5oC từ nay đến cuối thế kỷ và thiên tai sẽ xuất hiện rất nhiều với sức tàn phá ngày càng dữ dội.

Thực tế cho thấy, trong vòng 10 năm trở lại đây, thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều và liên tục lập “kỷ lục” về mức độ tàn phá. “Chúng ta có thể chặn sự điên rồ đó ngay bây giờ, ngay ở đây!” - ông Sano cảnh tỉnh. Rõ ràng, trách nhiệm giúp nhân loại khỏi các hiểm nguy biến đổi khí hậu thực ra không còn của riêng ai, mà của tất cả các quốc gia, tất cả mọi người.

Hội nghị Warsaw sẽ diễn ra trong hai tuần, khởi đầu tiến trình hai năm thương lượng, nhằm tiến tới một hiệp định tổng quan, tham vọng và mang tính ràng buộc về pháp lý nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm cho trái đất nóng lên, đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu. Hiệp định này sẽ tiếp nối Nghị định thư Kyoto vào năm 2020, ràng buộc Mỹ và các nước mới nổi - trong đó có Trung Quốc, vào nỗ lực chung cắt giảm khí thải.

Liệu những dòng nước mắt của hàng triệu người dân Tacloban, Phillipines có đủ lay động các nhà cầm quyền thế giới nhân danh mục tiêu phát triển kinh tế bằng mọi giá? Đã đến lúc thay những thư chia buồn, viện trợ sau thảm họa - bằng những hành động thiết thực hơn.
Minh Đăng (Minh Đăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem