Trồng cây cảnh bonsai ghép gỗ lũa, ở làng này của Nam Định ra ngõ gặp tỷ phú

Thứ sáu, ngày 27/05/2022 13:07 PM (GMT+7)
Cây cảnh bonsai ngày, nhất là cây cảnh bonsai ghép gỗ lũa của làng nghề cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) càng được thị trường ưa chuộng, thu hút nhiều người tham gia sản xuất, kinh doanh mang lại việc làm, nguồn thu nhập cao cho nhiều người dân.
Bình luận 0

Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của các chủng loại hoa, cây cảnh truyền thống, nghề trồng và chăm sóc cây cảnh bonsai cũng không ngừng phát triển và khẳng định được vị thế tại các làng nghề cây cảnh Nam Định. 

Cây cảnh bonsai ngày càng được thị trường ưa chuộng, thu hút nhiều người tham gia sản xuất, kinh doanh mang lại việc làm, nguồn thu nhập cao cho nhiều người dân.

Trồng cây cảnh bonsai ghép gỗ lũa, ở làng này của Nam Định ra ngõ gặp tỷ phú - Ảnh 1.

Vườn cây cảnh bonsai ghép gỗ lũa của anh Nguyễn Huy Thùy ở xóm Đông, xã Điền Xá (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) thu hút khách hàng đến tham quan, mua sắm.

Làng nghề cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) là địa phương tiên phong trong việc phát triển trồng và chăm sóc cây cảnh bonsai trên địa bàn tỉnh. Toàn xã hiện có khoảng 15 nhà vườn chuyên chăm sóc, ươm trồng, ký gửi các loại cây cảnh bonsai và hàng chục hộ kinh doanh cây cảnh bonsai theo dạng thời vụ. 

Nghệ nhân sinh vật cảnh Vũ Văn Hoa, chủ nhà vườn cây cảnh nghệ thuật, bonsai tại làng nghề cây cảnh Vị Khê cho biết: Với kích thước nhỏ, các loại cây cảnh bonsai thích hợp trang trí được nhiều vị trí trong nhà như để trên bàn, trên ghế, kệ, tủ...đáp ứng phần đông nhu cầu khách hàng. 

Nhiều khách hàng có nhu cầu chọn những dáng cây nhỏ xinh với gốc cây xù xì giả cổ, hoa mỏng manh đẹp mắt như mai vàng, mai trắng, mai chiếu thủy, linh sam, sam núi, cẩm thị…với kích thước mi ni. 

Đặc biệt, loại tùng la hán bonsai với dáng đẹp, kháng bệnh cao, đồng thời tuổi thọ dài nên rất được ưu chuộng và là sự lựa chọn hàng đầu trong phong thủy, mang ý nghĩa thọ tựa nam sơn đến cho gia chủ. Cùng với đó tùng la hán bonsai có nhiều ưu điểm phù hợp với không gian nhà ở chật hẹp trong đô thị. 

Cây tùng la hán bonsai có diện tích lá rất nhỏ, xanh tốt quanh năm, lá non có màu xanh nhạt khi già chuyển sang màu xanh đậm hòa quyện vào nhau giữa tầng và lớp xen kẽ bởi gam màu tự nhiên của lá. Ngoài ra, thị trường cây cảnh bonsai hiện nay vô cùng đa dạng với nhiều loại cây cảnh được khách hàng chọn chơi theo hướng phong thủy như vạn tuế, tùng la hán, tùng lá kim, sơn liễu, thông nhựa…phù hợp với tính cách, công việc của từng khách hàng. 

Các chậu cây bonsai còn được trồng ghép với tiểu cảnh trang trí như tượng, đá...nhằm tăng tính thẩm mỹ với nhiều hình dáng, kích thước và ý nghĩa khác nhau. 

Tùy vào dụng ý của nghệ nhân áp dụng cho mỗi chậu cây, nhiều dáng thế phải dành tới 3-4 năm mới cho ra thành phẩm một chậu bonsai ưng ý, bày bán ra thị trường; thậm chí hơn 10 năm đối với những tác phẩm nghệ thuật để trưng bày, triển lãm. 

Cũng theo chia sẻ của nghệ nhân Vũ Văn Hoa, mỗi chậu cây dáng đẹp, có tuổi đời cao đều có tên gọi riêng và được gắn thêm những bức tượng nhỏ sinh động. Những chậu bonsai giá trị cao hàng chục triệu đồng được đặt tên gắn với các tích truyện quen thuộc như 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, Tam Quốc… 

Cũng chính sự mới lạ này mà cây cảnh bonsai được đông đảo khách hàng săn đón tìm mua. Bên cạnh đó, những chậu cây hoa bonsai với kích thước nhỏ khác mang ý nghĩa trang trí như nhất chi mai, hồng giả cổ…cũng được người mua khá ưa chuộng với mức giá trung bình, dao động dưới 3 triệu đồng. 

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, một số nhà vườn đã cho ra thị trường sản phẩm khá mới lạ đó là cây cảnh bonsai ghép gỗ lũa vô cùng độc đáo và đẹp mắt được giới cây cảnh đánh giá cao. Bởi từ lâu gỗ lũa là một trong những loại gỗ được những người có điều kiện kinh tế, người chơi đồ cổ, cây cảnh săn lùng. 

Gỗ lũa thường là phần gốc của các loại cây gỗ tự nhiên cổ thụ lâu năm bị khô chết. Đặc trưng của gỗ lũa là rất cứng và không bị mối mọt xâm hại. Không chỉ dùng để làm cảnh quan tôn giáo, thiết kế sân vườn...,gỗ lũa còn được các nghệ nhân chế tác thành bonsai độc đáo. 

Anh Nguyễn Huy Thùy, xóm Đông, xã Điền Xá, một trong những chủ nhà vườn đầu tiên áp dụng kỹ thuật cây cảnh bonsai ghép gỗ lũa cho biết: Kỹ thuật cây cảnh bonsai ghép gỗ lũa có nguồn gốc từ Nhật Bản với tên gọi ta-nu-ki. 

Gỗ lũa ghép với cây cảnh nghệ thuật truyền thống đã tạo ra nhiều điều khác biệt, mới lạ từ hình gỗ tới dáng cây được phối kết hợp hài hòa vô cùng đẹp mắt. Để làm ra một tác phẩm bonsai ghép gỗ lũa, các nghệ nhân phải dành nhiều thời gian từ khâu chăm sóc gốc, tạo dáng, ghép cây... rồi mới đến phần chọn hình gỗ hợp với dáng cây. 

Đây là khâu quan trọng nhất, nếu chọn không đúng có thể làm từ một cây có giá trị thành không có giá trị. Việc ghép gỗ tạo dáng cho cây đã khó, khi chăm sóc lại có điểm đặc biệt riêng. Mỗi một cây cảnh lại có chế độ ủ phân tưới nước riêng. Cây cảnh nào cần nhiều nước, nhiều phân thì phải thường xuyên chăm sóc, có những cây phải chăm sóc ít hơn, mỗi cây mỗi vẻ phải lựa sao cho phù hợp. 

Giá trị của mỗi gốc cây cảnh nghệ thuật ghép gỗ lũa cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu vẫn là những gốc bonsai có thế đẹp và dáng gỗ cổ phù hợp với cây. Một cây bonsai ghép gỗ lũa có giá thấp nhất khoảng 1-2 triệu đồng, “cây già, gỗ cổ” có dáng đẹp giá lên tới vài chục triệu đồng. 

Mức giá này cũng phụ thuộc vào tuổi đời của cây cảnh, kích thước hay mức độ công phu trong tạo hình. Từ đầu năm 2019, riêng nhà vườn anh Nguyễn Huy Thùy đã xuất ra thị trường hơn 20 đơn hàng bonsai mang tính thương mại và khoảng 100 tác phẩm cây cảnh bonsai ghép gỗ lũa. 

Trong đó, nhiều tác phẩm có giá trị cao lên tới 20-30 triệu đồng như tác phẩm cây tùng la hán ghép gỗ lũa có tên “Đồng lão nghinh Xuân” có ý nghĩa già trẻ cùng đón Xuân có tuổi đời trên 20 năm. 

Theo khảo sát, hiện nay, tại Nam Định chưa có nhiều cơ sở trực tiếp sản xuất cây bonsai ghép gỗ lũa, trong khi đây là mặt hàng mới lạ, độc đáo được người tiêu dùng ưa chuộng săn đón tìm mua.

Cây cảnh bonsai không chiếm nhiều diện tích, không tốn nhiều công sức vận chuyển đồng thời giúp các hộ trồng cây cảnh bonsai giảm chi phí và nhân công lao động, cũng như tăng giá trị thẩm mỹ, chất lượng cho sản phẩm. Bởi vậy, hướng phát triển nghề trồng cây cảnh bonsai dần trở thành mô hình kinh tế đúng đắn, mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều người dân, nhà vườn cây cảnh nghệ thuật trong tỉnh Nam Định.

Hoàng Anh (Báo Nam Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem