Trồng cây rau lạ, nông dân thu nhập cả chỉ vàng/sào

Cẩm Mai - Thùy Anh Thứ bảy, ngày 13/08/2022 11:50 AM (GMT+7)
Nhờ chuyển đổi cây trồng, cả làng trồng cây rau có tên gọi khá lạ - rau rút mà thu nhập của người nông dân ở Yên Mô (Ninh Bình) đã đổi thay, tăng cao hơn trước.
Bình luận 0

Người dân chi sẻ về thu nhập từ công việc trồng cây rau rút. VD: Cẩm Mai - N.T

Thứ rau mọc nhanh như cỏ, thu nhập cao hơn trồng lúa

Những món ăn này có tác dụng ngon miệng, mát, bổ, làm cho dễ ngủ. Những năm qua, chính quyền địa phương ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đã chú trọng phát triển rau rút (hay còn gọi là rau nhút) là cây đặc sản địa phương, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng thành cây rau an toàn góp phần nâng cao thu nhập gấp từ 2 đến 3 lần so với trồng lúa.

Ngay từ 4 giờ sáng, những nông dân trồng rau rút ở thôn Liên Trì (xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) lại tất bật, mặc quần áo bảo hộ, lội bùn ở ruộng để thu hoạch rau rút kịp giao cho lái buôn. Bà Đoàn Thị Nhàn ở thôn Liên Trì cũng có vài sào rau rút.

Bà Nhàn phấn khởi chia sẻ: “Từ ngày trồng cây rau rút tôi có tiền lo cho con cái ăn học. Thu nhập cao hơn gấp từ 2 – 3 lần so với trồng lúa. Như nông dân chúng tôi chả biết tính thế nào chỉ biết cứ đếm ngọn ra tiền. Đầu vụ có giá 1.000 đồng/ngọn, giữa vụ thì 500-700 đồng, 1 sào mỗi lứa cắt được khoảng 1000 ngọn, 1 tháng thu khoảng 4-5 lứa như vậy cũng kiếm được từ 5 – 6 triệu/ sào. Vụ thu hoạch rau rút sẽ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8. Tính ra thu nhập 1 sào rau rút đáng giá cả chỉ vàng”.

Thu nhập khá nhưng công việc cũng vất vả vì ngày nào bà cũng phải lội bùn, ngâm mình dưới nước cả tiếng đồng hồ để thu hoạch rau. 

thu nhap tu trong rau rut

Bà Đoàn Thị Nhàn thu nhập cây rau rút. Bà cho biết so với trồng lúa trồng rau rút cho thu nhập cao hơn. Ảnh: N.T

Ngay trên đường liên xã, bà Trịnh Thị Tính cũng đang bó rau rút cho khách buôn. Bà Tính chia sẻ: “Giờ chả phải ra chợ bán, có lái buôn thu tận nơi. Cái rau này đặc sản, khách tỉnh họ ăn nhiều lắm. Rau rút chúng tôi trồng toàn bộ bằng nước sạch, theo quy trình kỹ thuật của Khuyến nông xã yêu cầu. Nguồn nước thường xuyên được thay tháo từ sông vào, nước trước khi đưa vào ao đều phải lọc, ngoài ra rau rút là loại rất ít sâu bệnh nên chẳng bao giờ phải phun thuốc Bảo vệ thực vật. Bây giờ mương máng thuận lợi nên nước non vào tiện lắm, rau rút cứ đủ nước là rất đẹp”.

Yên Hòa xã thuần nông, diện tích đất nông nghiệp 496 ha. Trước đây 70% dân số ở Yên Hòa là làm nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại, phần lớn những lao động trẻ trong xã đã làm việc tại các khu công nghiệp, rất ít người mặn mà với nông nghiệp. Do đó, để tạo công ăn việc làm cho người dân, phát triển kinh tế địa phương một cách hiệu quả, năm 2016, Yên Hòa đã thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trong vòng 5 năm (2016-2021).

Để phát triển kinh tế, xã Yên Hòa đã quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh phát triển cây con thế mạnh địa phương, đồng thời đưa một số con nuôi có giá trị kinh tế vào sản xuất, tăng thu nhập.

Sau 5 năm thực hiện đề án từ năm 2016 – 2021, Yên Hòa đã xây dựng vùng chuyên canh rau rút, rau cần kết hợp nuôi cá ở thôn Liên Trì 70ha, chuyển đổi mô hình cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi cá vào 90ha. Những thay đổi này đã giúp Yên Hòa từ một xã thuần nông lấy cây lúa làm trọng tâm, thì nay đã từng bước thay da đổi thịt nhờ chuyển đổi sang cây, con đặc sản.

Rau rút còn có tên rau nhút. Là cây thảo nổi trên mặt nước, quanh thân có phao trắng, lá kép lông chim. Hoa họp thành đầu màu vàng. Rút là loại rau ăn rất thông dụng, mùa hè nấu canh với khoai sọ và riêu cua. Rau rút có mùi thơm đặc biệt như mùi nấm hương, thân ăn giòn... Rau rút có hàm lượng protein cao vượt xa các loại rau khác như xà lách, mồng tơi, rau muống. Rau rút có thể nấu canh với cua, khoai sọ hoặc với tôm, thịt lợn nạc, thịt gà...

Ông Hoàng Văn Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa cho biết: “Giai đoạn 2016 trở về trước, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 38 triệu/người/ năm. Khi thực hiện biện pháp phát triển kinh tế, đến hết năm 2021, thu nhập đầu người trong xã đã tăng 58 triệu đồng/người/năm. Trong đó, việc phát triển cây rau rút trở thành thế mạnh địa phương là một quyết định đúng đắn. Với rau rút, rau cần đã có thương hiệu trong khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Thu nhập từ rau rút – rau cần vào khoảng 350 triệu – 400 triệu đồng/ha/năm nên xã Yên Hòa đã chú trọng tập trung vào vùng chuyên canh này”.

Chuyển đổi giống rau rút chất lượng, thu nhập tăng lên đáng kể

Để nghề trồng rau rút phát huy hiệu quả kinh tế ở địa phương, những năm qua, UBND xã Yên Hòa đã khuyến khích người nông dân trồng loại rau này. Từ chỗ canh tác theo lối truyền thống, chưa chú trọng tìm kiếm giống rau rút chất lượng, đến nay, ngành Khuyến nông địa phương đã đặt hàng từ trong Nam ra giống rau rút được vận chuyển bằng máy bay với chi phí lên tới 10.000 đồng/ngọn.

Tuy phải đầu tư một số tiền lớn, song hiệu quả kinh tế cao, do đó người dân vẫn phấn khởi trồng. Không chỉ chú trọng tới giống cây, giai đoạn 2016 đến nay, UBND xã Yên Hòa đã chi hàng chục tỉ đồng để nâng cấp, sửa chữa, xây mới kênh mương nội đồng đưa nước vào phục vụ bà con sản xuất cây rau rút.

Cây rau rút là cây ưa nước sạch. Nguồn nước để phục vụ việc trồng rau rút có yếu tố quyết định đến chất lượng rau. Bên cạnh đó, để trồng được rau rút ngon, trắng có chất lượng tốt, nông dân trồng rau rút xã Yên Hòa cũng được tập huấn kỹ thuật như bơm nước vào ruộng với mức độ nhất định; Trồng rau rút, phải trồng thành nhiều khóm, với mỗi khóm chỉ 2 ngọn; Mật độ: khóm cách khóm: 2.5m. Muốn cho rau ngon và trắng dễ bán, sau khi trồng, người dân phải thả nhiều bèo tấm để che nắng, mưa cho rau và đặc biệt là phải thường xuyên bơm nước sạch vào chăm sóc thì khi thu hoạch mới được cả chất lượng và mẫu mã.

thu nhap tu trong rau rut

Vợ chồng bà Tính đang thu hoạch rau để bán cho lái buôn. Mỗi năm gia đình bà cũng thu nhập được từ 70-90 triệu đồng từ bán rau rút. Ảnh: C.M

Rau rút trồng tới đâu được thương lái địa phương và các tỉnh bạn tới thu mua đến đó. Năm 2018, Hợp tác xã Sản xuất tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn Yên Hòa ra đời là đầu mối kết nối tiêu thụ cây rau rút đặc sản cho người dân địa phương. Nhờ phát huy thế mạnh cây trồng đặc sản địa phương kết hợp với chủ trương đúng đắn của xã Yên Hòa trong việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, con đặc sản đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người nông dân, giúp họ xóa đói giảm nghèo, đời sống được đảm bảo.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem