Trồng giống nhãn cơm dày, giòn ngọt, một nông dân Sóc Trăng "bỏ túi" hàng trăm triệu đồng

Chúc Ly - Trường Thạnh Thứ tư, ngày 03/08/2022 19:01 PM (GMT+7)
Từ diện tích trồng màu kém hiệu quả, một lão nông ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng nhãn. Mỗi năm gia đình ông thu về hàng trăm triệu từ cây nhãn xuồng và thanh nhãn.
Bình luận 0

Thu hàng trăm triệu từ trồng nhãn xuồng và thanh nhãn

Những năm gần đây, thị xã Vĩnh Châu triển khai quy hoạch lại vùng trồng nhãn nhằm phát triển giống cây trồng chủ lực của địa phương, gắn với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập. 

Hiện nông dân địa phương đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ giống nhãn xuồng cơm vàng và thanh nhãn. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên chất lượng nhãn ngon cũng như mẫu mã đẹp, giá bán cao, thị trường ổn định, nông dân rất phấn khởi.

Trồng giống nhãn cơm dày, giòn ngọt, lão nông thu hàng trăm triệu đồng - Ảnh 2.

Gia đình ông Tìa mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng màu kém hiệu quả sang trồng nhãn xuồng và thanh nhãn. Ảnh: TT.

Điển hình như mô hình trồng thanh nhãn và trồng nhãn xuồng cơm vàng của gia đình ông Lai Văn Tìa, ngụ phường 1, thị xã Vĩnh Châu. Với diện tích đất 1,3ha, trước đây, gia đình ông Tìa chủ yếu trồng màu, nuôi thủy sản nhưng hiệu quả không cao, thu nhập khá bấp bênh.

Nhận thấy giống nhãn xuồng cơm vàng và thanh nhãn có giá trị kinh tế cao, ông Tìa đã tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của những người đi trước ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, từng bước tiếp thu tiến bộ khoa, học kỹ thuật để áp dụng vào phát triển loại cây này. Thời gian đầu, ông Tìa chỉ trồng thử nghiệm với diện tích khoảng 4 công đất.

Qua nhiều năm canh tác, thấy được hiệu quả từ cây nhãn, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi thêm 9 công đất sang trồng nhãn xuồng cơm vàng và trồng cây thanh nhãn, với trên 600 gốc. Qua hơn 5 năm chuyển đổi đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng nhãn, gia đình ông Tìa có cuộc sống ổn định hơn hẳn.

Thanh nhãn cho giá trị kinh tế cao, bán tại vườn 50.000 đồng/kg

Hiện nay, vào tháng 7, 8 vườn nhãn của ông Tìa đang phát triển rất tốt. Đặc biệt thanh nhãn có trái rất to, cơm dày, khô giòn, hạt nhỏ, có vị ngọt thanh và mang hương vị đặc trưng riêng. Hiện thương lái thu mua tại vườn với giá từ 50.000 đồng/kg.

Ông Tìa chia sẻ: "Đất này ngày xưa trồng màu, sau đó chuyển sang nhiều giống nhãn khác năng suất và chất lượng thấp nên không có lãi. Thấy mô hình trồng nhãn xuồng và thanh nhãn có hiệu quả cao, nên tôi mạnh dạn học hỏi và chuyển đổi".

Trồng giống nhãn cơm dày, giòn ngọt, lão nông thu hàng trăm triệu đồng - Ảnh 3.

Bình quân mỗi công thanh nhãn, ông Tìa thu hoạch từ 1,5-1,6 tấn trái. Ảnh: TT

Trồng giống nhãn cơm dày, giòn ngọt, lão nông thu hàng trăm triệu đồng - Ảnh 4.

Gia đình ông Tìa làm giàu từ nhãn xuồng và thanh nhãn. Ảnh: TT.

Bình quân mỗi công thanh nhãn cho thu hoạch từ 1,5-1,6 tấn trái, được thương lái đến mua tận vườn rồi chuyển hàng đi các tỉnh thành tiêu thụ. Mỗi năm, gia đình ông Tìa thu về trên 600 triệu đồng từ nhãn xuồng và thanh nhãn. Sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Cây thanh nhãn không phải là giống bản địa của vùng đất Vĩnh Châu, nhưng lại bén rễ, thích ứng tốt với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Những năm đầu, diện tích trồng còn ít, tuy nhiên những năm gần đây do thấy được hiệu quả nên bà con nông dân thị xã Vĩnh Châu đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi sang trồng thanh nhãn.

Theo ông Tìa, so với các loại cây trồng khác ở địa phương thì nhãn xuồng cơm vàng và thanh nhãn ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu không cao. Việc chăm bón, tưới nước cho nhãn không quá vất vả, chủ yếu tập trung chăm sóc vào thời điểm nắng nóng trong năm.

"Quá trình cây phát triển chỉ bón phân hữu cơ để cây có sức nuôi hoa, nuôi trái. Chỉ có cái khó nhất mà bà con cần lưu ý là trong mùa mưa bão, dễ gây úng trái, mềm cùi, rơi rụng, ảnh hưởng đến năng suất", ông Tìa cho hay.

Trồng giống nhãn cơm dày, giòn ngọt, lão nông thu hàng trăm triệu đồng - Ảnh 5.

Nhiều khách mua được tận tay hái những trái nhãn thơm ngon tại vườn. Ảnh: TT.

Ông Trần Văn Sang - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Sau 3 năm trồng, nhãn bắt đầu cho trái. Trước giá trị kinh tế của nhãn xuồng và thanh nhãn, hiện nhiều nhà vườn đang mở rộng diện tích trồng thay cho giống nhãn thường của địa phương. Hiện nay, diện tích trồng chủ yếu tập trung ở các vùng đất ở ven biển như phường Vĩnh Phước, phường 1, xã Vĩnh Tân, Lai Hòa và các địa phương lân cận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem