Trồng rừng theo chuẩn quốc tế, giá tăng thêm 150.000/m3 dân lãi cao

Thu Hà Thứ ba, ngày 31/10/2017 14:10 PM (GMT+7)
Tham gia Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại Việt Nam-FFF, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Yên Bình (Yên Bái) đã chuyển đổi từ quản lý rừng truyền thống sang quản lý rừng bền vững theo các tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng thế giới  và có thu nhập tăng.
Bình luận 0

Trao đổi với NTNN về tình hình địa phương, bà Đào Thị Tâm – Chủ tịch Hội ND huyện Yên Bình (Yên Bái) cho biết, toàn huyện có 42.827ha đất lâm nghiệp rất có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc khai thác tiềm năng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện chưa thực sự hiệu quả. Giá trị kinh tế từ rừng chưa cao, năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp.

Cùng với đó, công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng đa phần nhỏ lẻ, đầu tư chưa đồng bộ, chưa tạo được chuỗi liên kết trong phát triển sản xuất lâm nghiệp và chưa thu hút được nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất lâm nghiệp.

img

 Hiện HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh đã xây dựng được xưởng xẻ với 10 máy xẻ đạt tiêu chuẩn CoC, mỗi tháng sản xuất 500 – 700m3 gỗ thành phẩm. ảnh: Thu Hà

Năm 2015, trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại, Hội ND huyện Yên Bình đã thí điểm triển khai dự án quản lý rừng bền vững với dự kiến năm 2016 sẽ có 2.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC (tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng Quản trị rừng thế giới cấp). Hội ND huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần Lâm sản Nam Định để đầu tư kinh phí hỗ trợ tiến tới cấp chứng chỉ rừng FSC cho các nhóm hộ trồng rừng tại huyện Yên Bình.

Hội ND đã phối hợp với đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá nhu cầu tham gia FSC của các nhóm hộ; tổ chức tập huấn 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí FSC cho 5 nhóm hộ trồng rừng tại các xã Tân Hương, Đại Đồng, Phú Thịnh, Thịnh Hưng và thị trấn Yên Bình. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn huyện đã có trên 1.737ha rừng chủ yếu là rừng keo thuộc sở hữu của 494 hộ đã được cấp chứng chỉ FSC.

“Hiện nay, giá gỗ FSC được doanh nghiệp thu mua tăng thêm tối thiểu 150.000 đồng/m3 so với gỗ không có FSC. Năm 2016 các nhóm hộ trồng rừng trên địa bàn huyện Yên Bình đã khai thác trên 4.000m3 gỗ keo cho thu nhập tăng thêm 600 triệu đồng” - bà Tâm thông tin.

Là 1 trong 5 nhóm thực hiện dự án, Tổ hợp tác (THT) trồng rừng thôn Lem ở xã Phú Thịnh đã phát triển lên HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh. Anh Nguyễn Đình Hải – Phó Giám đốc HTX cho biết: THT thành lập tháng 3.2015, khi bắt đầu tham gia chương trình FFF. Đến đầu tháng 7.2017 chuyển đổi, thành lập HTX. Hiện HTX có 12 thành viên tham gia trồng 60ha keo, 100% thành viên áp dụng FSC.

“Trước đây bà con trồng rừng theo kiểu truyền thống. Tôi được đi thăm quan thực tế tại Quảng Trị. Nhận thấy lợi ích của việc trồng rừng theo tiêu chuẩn bền vững FSC, tôi đến từng nhà vận động bà con liên kết trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Bên cạnh việc bán gỗ giá cao từ 10 – 20% thì cấp chứng chỉ rừng FSC đã thay đổi căn bản thói quen trong trồng, chăm sóc rừng của người dân. Đó là loại bỏ hoàn toàn việc đốt thực bì khi chuẩn bị đất trồng rừng, không vứt bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi...” - anh Hải khẳng định.

Hiện HTX đã liên kết Công ty Hòa Phát xây dựng xưởng xẻ 1.000m2 với 10 máy xẻ đạt tiêu chuẩn CoC, mỗi tháng sản xuất 500 – 700m3 gỗ thành phẩm./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem