Trồng tiêu ồ ạt, nhà nông “ngậm đắng”

Duy Hậu Thứ bảy, ngày 14/01/2017 13:30 PM (GMT+7)
Mưa kéo dài bất thường vào thời điểm cuối năm 2016 đã khiến hàng trăm ha tiêu của người dân trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk bị chết vì ngập úng, thối rễ. Tình trạng này đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn cùng...
Bình luận 0

Hàng trăm tỷ trôi theo lũ

Sau khi lũ rút, hơn 700 trụ tiêu của gia đình anh Đào Xuân Hùng (thôn 2A, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, Đăk Lăk) bỗng trở thành một bãi hoang tàn, nhếch nhác. Gần phân nửa vườn tiêu bắt đầu héo khô, lá và những chùm quả non rụng đầy dưới đất. Mặc dù vợ chồng anh Hùng ra sức cứu vườn tiêu bằng những loại thuốc bảo vệ thực vật đắt tiền nhưng tình trạng tiêu chết vẫn tiếp tục tăng lên từng ngày.

img

Hàng trăm ha tiêu trồng ngoài quy hoạch ở Đăk Lăk bị chết khô do mưa lụt. Ảnh: Duy Hậu

Các chuyên gia nông nghiệp đã cảnh báo, việc diện tích tiêu ở Tây Nguyên tăng mạnh sẽ đem lại nhiều hệ lụy nguy hiểm như: Phá vỡ quy hoạch của các loại cây trồng khác, những người có tiêu trong giai đoạn kinh doanh sẽ chăm sóc vượt mức yêu cầu dinh dưỡng bình thường. Điều này dễ dẫn đến việc lạm dụng phân bón hóa học, cây tiêu dễ bị nhiễm các loại sâu bệnh. Đáng lo ngại là với việc đổ xô trồng tiêu như hiện nay, điều tất yếu xảy ra là cung sẽ vượt cầu, dẫn đến giá cả giảm, khiến hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này giảm sút.

Anh Hùng cho biết, nếu thuận lợi, vụ tiêu này gia đình cầm chắc 300 triệu đồng. Thế nhưng giờ đây, gần nửa vườn tiêu không thu hoạch được hạt nào, lại cộng thêm hàng trăm trụ tiêu bị chết khô khiến anh Hùng mất trắng nửa tỷ đồng. “Gia đình định thu hoạch vụ tiêu lấy tiền trả nợ, không ngờ giờ đây nợ chồng thêm nợ”- anh Hùng chua xót nói.

Cùng thôn với anh Hùng, gia đình bà Phan Thị Sim cũng lâm vào cảnh khóc dở mếu dở khi toàn bộ vườn tiêu đang kinh doanh với hơn 300 trụ bỗng nhiên chết trụi. “Tôi phải vay mượn một số vốn lớn để đầu tư vào vườn tiêu, thế nhưng vừa đến kỳ thu hoạch chúng đã chết sạch, giờ chẳng biết lấy tiền đâu mà trả nợ”- bà Sim nói.

Cũng theo bà Sim, trận mưa lũ bất thường vào cuối năm 2016 đã khiến hàng chục gia đình trồng hồ tiêu khác ở Ea Ô lâm vào cảnh tay trắng. “Từ đây xuống dưới kia, nhà nào cũng có tiêu chết, nhà mất ít vài trăm trụ, nhà thiệt hại nặng lên đến cả ngàn trụ” - bà Sim cho biết.

Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện Ea Kar, trong đợt mưa lũ cuối năm 2016, chỉ tính riêng cây hồ tiêu, nông dân tại các xã Ea Ô, Cư Bông, Cư Yang, Ea K'mút, Ea Păl... đã mất khoảng 100 tỷ đồng do hàng trăm ha bị ngập úng. Còn theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk, diện tích hồ tiêu bị hư hại trong đợt mưa lũ cuối năm 2016 đã khiến bà con nông dân bị thiệt hại hơn 200 tỷ đồng với khoảng 700ha tiêu bị hư hỏng (trong đó có hơn 400ha bị mất trắng).

Hệ quả trồng không theo quy hoạch

img

Theo bà Phan Thị Sim, thực ra hầu hết nông dân trong xã khi đầu tư trồng tiêu đều biết trước nguy cơ trắng tay, bởi hầu hết các diện tích này đều nằm dọc bờ sông, đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo không trồng tiêu. Song vì việc sản xuất hoa màu quá bấp bênh nên nông dân vẫn chấp nhận “đặt cược” cho canh bạc quá nhiều rủi ro này. “Nếu thuận lợi, chỉ cần thu hoạch được vài năm là có lãi, vì vậy gia đình mới làm liều, ai ngờ trời lại không thương!” - bà Sim khổ sở nói.

Ông Hồ Tấn Cư - Trưởng phòng NNPTNT huyện Ea Kar cũng cho biết, thiệt hại của nông dân hiện nay thực ra đã được cảnh báo trước. Bởi cây hồ tiêu tuy rất cần nước nhưng không thể chịu được ngập úng. Vì vậy ở tất cả các vùng trũng, huyện đã nhiều lần khuyến cáo nông dân không phát triển cây tiêu. Song suốt thời gian dài vừa qua hồ tiêu được giá, vì lợi nhuận quá hấp dẫn từ cây tiêu mà nông dân đổ xô trồng, bỏ qua khuyến cáo của ngành.

Theo ông Huỳnh Quốc Thích - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk, trước tình trạng hồ tiêu ngập úng, chết hàng loạt, bà con cần nhanh chóng tìm biện pháp đào rãnh để thoát nước nhằm bảo vệ vườn tiêu. Về lâu dài, đối với những vùng trũng, thấp nông dân nên chuyển sang trồng cây hàng năm. Một hướng đi có thể đem lại thu nhập cao cho bà con, đó là trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi bò, trồng các loại ngô lúa làm thức ăn cho chăn nuôi. Thực tế cho thấy nhu cầu về thức ăn cho gia súc vẫn đang rất lớn, là thị trường có tiềm năng.

Sâu bệnh hại hàng nghìn ha hồ tiêu

Thời gian gần đây, giá tiêu hạt ở vùng Tây Nguyên chỉ còn từ 129.000 - 130.000 đồng/kg, giảm gần 100.000 đồng/kg so với đầu năm 2016. Mặc dù tiêu hạt rớt giá nhưng nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn mở rộng diện tích cây hồ tiêu, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. 

Sở dĩ có tình trạng này, theo bà con là vì mặc dù giá tiêu hạt đang giảm nhiều so với hồi đầu năm 2016, nhưng vẫn lãi gấp nhiều lần so với các loại nông sản khác, kể cả giảm xuống chỉ còn 50.000 đồng/kg thì cũng vẫn có lãi. Thực tế, vốn trồng tiêu ban đầu không cao hơn cà phê bao nhiêu, nhưng sau 3 năm bắt đầu thu bói và với giá cả như hiện nay thì đến năm thứ 5, với năng suất bình quân 3 - 4 tấn tiêu hạt/ha là bà con đã có thể thu lãi cả tỷ đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, cũng ở Tây Nguyên, đã có không ít gia đình do trồng tiêu chạy theo phong trào, bố trí cây tiêu không thích hợp với vùng đất, trồng tiêu giống không đảm bảo nên tiêu bị dịch bệnh, gây thiệt hại lớn. Chỉ riêng tại Đăk Lăk, trong năm 2016 đã có gần 900ha hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Các tỉnh Gia Lai và Đăk Nông, mỗi địa phương cũng có từ 600 đến gần 1.000ha hồ tiêu bị sâu bệnh hại làm chết hàng loạt…
Theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đều vượt xa quy hoạch, kế hoạch trồng tiêu. Cụ thể toàn vùng đang có trên 52.000ha tiêu, tăng gần 19.000ha so với năm 2013. Theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh Đăk Lăk mới có 15.000ha tiêu nhưng hiện nay đã có trên 25.000ha; tỉnh Đăk Nông cũng đã vượt 10.000ha theo quy hoạch đến năm 2020.

Thiên Ngân 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem