Trồng vú sữa tím, hái toàn trái to mọng, bán sang thị trường Mỹ, nông dân Sóc Trăng trúng hàng trăm triệu

Chúc Ly - Cẩm Tiên Thứ sáu, ngày 10/12/2021 06:27 AM (GMT+7)
Ông Phan Thanh Phong, ngụ ở ấp 3, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng được nhiều người biết đến bởi sự cần cù, ham học hỏi. Ông còn nổi tiếng là một nông dân kiếm vài trăm triệu/năm nhờ quyết tâm tuân thủ quy trình trồng vú sữa tím xuất khẩu.
Bình luận 0

Mạnh dạn trồng vú sữa tím

Vú sữa tím được bà con nông dân ở xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đưa vào trồng cách đây khoảng 10 năm. Ưu điểm của loại cây này là cho trái sớm trước Tết, trái to và bán được giá.

Nông dân kiếm vài trăm triệu/năm nhờ kiên trì trồng vú sữa tím đạt chuẩn xuất khẩu - Ảnh 2.

Vườn vú sữa tím của ông Phong, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) đang cho trái ổn định. Ảnh: CTV.

Năm 2019, dự án phát triển cây ăn trái đặc sản của tỉnh được triển khai, nhằm hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản tập trung. Đồng thời, chuyển đổi, nâng cấp, trồng các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao; liên kết sản xuất, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn có liên kết với doanh nghiệp. Một trong những trái cây đặc sản được dự án hỗ trợ ký kết sản phẩm đầu ra là vú sữa tím.

Nhờ nhạy bén, nhiều nhà vườn ở ấp 3, xã Trinh phú, huyện kế sách vươn lên làm giàu từ cây vú sữa tím. Điển hình phải kể đến là ông Phan Thanh Phong, thành viên của HTX vú sữa tím Lộc Mãi.

Gặp ông Phong trong một ngày cuối năm, chúng tôi được ông chia sẻ nhiều điều về loại cây đã giúp gia đình ông thay đổi cuộc sống.

Ông Phong cho hay: "Vợ chồng tôi được cha mẹ cho 5.000m2 đất vườn trồng bưởi năm roi. Tuy nhiên, sau một thời gian dài canh tác, hiệu quả mang lại không cao. Kinh tế gia đình rơi vào cảnh khó khăn".

 "Lúc đó, tôi được Hội Nông dân xã Trinh Phú tạo điều kiện đưa đi tập huấn kỹ thuật. Sau khi nghiên cứu cặn kẽ về thổ nhưỡng, cách chăm sóc, đầu ra sản phẩm, cách thức thu hoạch vú sữa, năm 2015, tôi đã quyết định đốn bưởi lão, trồng 100 cây vú sữa tím", ông Phong chia sẻ.

Ông Phong kể: "Ban đầu cũng khó khăn vì tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, sản lượng trái thấp. Có vụ sau khi trừ hết các khoản chi phí đã đầu tư, tôi không thu được lợi nhuận".

Đầu năm 2019, ông Phong đã xin tham gia vào hợp tác xã (HTX) Vú sữa tím Lộc Mãi. "Với vai trò là xã viên tôi được HTX tạo điều kiện tham dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn về cách trồng, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các nuôi dưỡng bao bọc trái theo quy trình VietGAP. Sau khi thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tôi đã về áp dụng trên mảnh vườn của mình", ông Phong cho biết.

Nông dân kiếm vài trăm triệu/năm nhờ kiên trì trồng vú sữa tím đạt chuẩn xuất khẩu - Ảnh 3.

Sản phẩm vú sữa tím của vườn nhà ông Phong luôn có chất lượng cao. Ảnh: CTV.

Đến nay, vườn vú sữa của ông Phong đã cho trái ổn định. Thời điểm đầu vụ, ông bán với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg. Thời điểm chính vụ, tuy giá có giảm nhưng vẫn ở mức 25.000-30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí ông Phong thu lợi nhuận 150 đến 200 triệu đồng/năm.

Ông Phong cho rằng: "Nghề vườn rất vất vả, nhưng thuận lợi là cây vú sữa dễ trồng. Tuy nhiên muốn năng suất cao thì phải nắm vững và tuân thủ đúng quy trình chăm sóc. Vào đầu tháng 2 hàng năm, tôi phải tỉa cành, vét bùn non để bồi vào các gốc cây, mỗi lần bồi bùn non cách nhau 3 tháng. Sau khi thu hoạch trái thì tôi phải khai thông cho nước trong mương vườn chỉ còn lại khoảng 60% so với mức nước bình thường; đồng thời làm tơi đất xung quanh gốc. Sau đó mới rải phân để cải tạo lại đất trồng".

Theo ông Phong, với những cây vú sữa sai trái thì nhà vườn phải dùng dây và trụ gỗ để chằng chống, nhất là vào mùa mưa hay lúc gió bão. Khi cây vú sữa lên cao từ 1-1,2m thì phải cắt đọt để chúng phát triển tán chiều ngang với nhiều nhánh, vừa giúp nhà vườn dễ dàng thu hoạch, vừa dễ quan sát sâu bệnh và chăm sóc.

Quyết tâm trồng vú sữa tím để xuất khẩu

Trồng vú sữa thông thường là vậy, trồng được vú sữa đạt chuẩn xuất khẩu còn khó hơn gấp nhiều lần. Bởi trái vú sữa được xuất khẩu có giá cố định 30.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần giá thị trường. 

Muốn trồng được vú sữa tím đạt chuẩn xuất khẩu thì quá trình sản xuất phải hết sức cẩn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt mọi yêu cầu. Khó khăn là vậy, nhưng vú sữa của nhà ông Phong luôn dẫn đầu HTX về sản lượng và chất lượng.

Nông dân kiếm vài trăm triệu/năm nhờ kiên trì trồng vú sữa tím đạt chuẩn xuất khẩu - Ảnh 4.

Theo ông Phong, để trồng được vú sữa tím xuất khẩu, nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và chú ý khâu bao trái. Ảnh: CTV.

Tỷ lệ vú sữa tím sau thu hoạch được HTX bao tiêu đạt trên 95% tổng sản lượng. Trong đó lượng vú sữa đạt chuẩn xuất khẩu qua Mỹ luôn đạt trên 50%, phần còn lại được đưa vào các siêu thị trong nước.

Khi được hỏi bí quyết, ông Phong chia sẻ: "Để vú sữa của vườn nhà đạt chuẩn xuất khẩu thì quá trình canh tác luôn phải đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP. Khâu chọn cây giống phải là giống sạch bệnh; sử dụng túi bao bọc trái cây, quy trình canh tác vú sữa không tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trái không nhiễm dịch hại…".

Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn của HTX để nắm thông tin. Đồng thời tham gia các buổi chuyển giao kỹ thuật về quản lý dịch hại để biết được yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Theo ông Phong, quan trọng nhất của cả quá trình là phải tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề bao trái. Bởi vú sữa tím rất dễ bị thiên địch là ruồi vàng đục thân làm cho trái chậm lớn và có dòi.

"Trong quá trình trồng, nếu nghi ngờ trái của vườn có vấn đề thì phải báo ngay cho chính quyền địa phương, ngành chuyên môn để có hướng xử lý, không nên đưa trái đi xuất khẩu. Vì như vậy sẽ làm mất niềm tin phía doanh nghiệp thu mua, làm mất uy tín của cả tập thể HTX và cả vùng trồng. Làm ăn quan trọng nhất là phải giữ chữ tín"- ông phong khẳng định.

Hiện nay, vú sữa tím đang vào mùa thu hoạch, giá HTX bao tiêu thu mua từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg. Với diện tích vườn của ông Phong, sản lượng thu hoạch khoảng trên 6,5 tấn. Cả sản lượng và giá bán đều tăng gấp đôi so với những năm trước.

"Hiện tại, tôi cùng các xã viên khác đang nghiên cứu cách làm cho cây vú sữa cho trái nghịch mùa. Trong đó chú trọng vừa đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và có đủ sản lượng cung cấp quanh cho thị trường trong nước và xuất khẩu", ông Phong cho biết.

Nông dân kiếm vài trăm triệu/năm nhờ kiên trì trồng vú sữa tím đạt chuẩn xuất khẩu - Ảnh 5.

Vú sữa tím đạt chuẩn xuất khẩu qua thị trường Mỹ. Ảnh: CTV.

Ông Sử Quốc Lộc - Giám đốc HTX vú sữa tím Lộc Mãi, nhận xét: "Anh Phong luôn là nông dân có cách nghĩ, cách làm rất sáng tạo, hiệu quả. Vú sữa tím của vườn nhà anh trồng luôn đạt năng suất cao, đạt chuẩn chất lượng an toàn VietGAP. Nhờ đó, lợi nhuận mà anh thu về rất ổn định. Bên cạnh đó, anh luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các xã viên khác. Anh là một trong những xã viên rất thành công trong cung cấp sản phẩm để xuất khẩu vú sữa tím sang Mỹ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem