Trực thăng Bell 505 có hiện đại không?

PV Thứ tư, ngày 05/04/2023 22:56 PM (GMT+7)
Bell 505 là mẫu trực thăng hạng nhẹ của nhà sản xuất trực thăng nổi tiếng Bell Helicopter và chính thức được ra mắt thương mại vào năm 2017.
Bình luận 0

Trực thăng Bell 505 ra đời khi nào?

Theo trang công nghệ Tinhte.vn, Bell 505 Jet Range X (Bell 505) là mẫu trực thăng hạng nhẹ của nhà sản xuất trực thăng nổi tiếng Bell Helicopter. Chiếc máy bay này được giới thiệu lần đầu tại triển lãm Paris Airshow 2013 và đến đầu tháng 3 năm 2017, nó chính thức được ra mắt thương mại.

Trực thăng Bell 505 có hiện đại không? - Ảnh 1.

Cận cảnh chiếc trực thăng Bell 505. Ảnh: Tinhte.vn

Bell 505 khi mới được giới thiệu được gọi là Bell SLS (Short Light Single) và nó thể hiện tham vọng quay trở lại thị trường trực thăng động cơ đơn, nhẹ, ngắn (SLS) với một sản phẩm được phát triển dựa trên phản hồi từ hiệp hội người dùng.

Do đó, Bell 505 được thiết kế mới hoàn toàn nhưng vẫn sử dụng lại một số thành phần khí động học như hệ thống rotor của chiếc Bell 206L-4 với 2 cánh, đi kèm với động cơ Safran HE Arrius 2R dùng công nghệ kiểm soát động cơ FADEC cho hiệu năng cao, đạt tầm bay tối đa 644 km, trần bay tối đa 5672 m và tốc độ tối đa 232 km/h.

Trực thăng Bell 505 được trang bị những công nghệ an toàn nào?

Đây cũng là chiếc máy bay đầu tiên thuộc phân khúc SLS được trang bị hệ thống khí cụ bay Garmin G1000H với 2 màn hình 10,4" cung cấp đầy đủ thông tin quan trong cho phi hành đoàn nhanh chóng, chính xác từ đó tăng cường tính khả năng nắm bắt tình huống và độ an toàn.

Tổng thể bên ngoài, Bell 505 có thiết kế streamline khí động học, đặc trưng với cabin bằng kính cỡ lớn. Chiếc trực thăng có chiều dài thân 10,53 m, rộng 1,52 m, cao 3,25 m.

Chiều dài cánh quạt nâng là 11,28 m và trục rotor cho độ nghiêng tối đa 3,5 độ trong khi cánh quạt đuôi có chiều dài 1,65 m. Nếu tính từ điểm mút cánh nâng đến chóp đuôi thì Bell 505 dài gần 13 m.

Tổng thể tích phần cabin là 2,8 m3, trong đó không gian dành cho phi công là 1,08 m3 còn không gian hành khách là 1,73 m3. Bell 505 có thể chở tối đa 4 hành khách hoặc hàng 3 ghế sau và ghế cơ phụ có thể được tháo rời hoàn toàn để chở hàng hóa.

3 ghế sau đều được thiết kế công thái học nhằm mang lại sự thoải mái tối đa cho hành khách với các gối tựa đầu, khoảng trống để chân đủ rộng, có thể duỗi thẳng và hệ thống dây an toàn.

Bell 505 có thiết kế cửa mở dạng vỏ sò (clamsell) và được mở từ phía phi công, khi bung cả 2 cửa thì khoảng rộng để hành khách lẫn phi công có thể ra vào lên đến 1,4 m.

Bell 505 cũng được trang bị động cơ đơn Safran HE Arrius 2R turbin trục (turbo-shaft) đi kèm với công nghệ kiểm soát động cơ tiên tiến dual-channel FADEC.

Đây là công nghệ mà Bell Helicopter muốn nhấn mạnh và về cơ bản FADEC là một hệ thống tích hợp máy tính kĩ thuật số và nó sẽ kiểm soát hoàn toàn hoạt động của động cơ. FADEC sẽ dựa trên dữ liệu về điều kiện bay như mật độ không khí, vị trí cần ga (throttle lever), nhiệt độ động cơ, áp suất động cơ và nhiều thông số khác.

Các thông số này sẽ được ECC (Electronic Engine Controller) tiếp nhận và phân tích 70 lần mỗi giây từ đó máy tính sẽ đưa ra các chỉ số hoạt động phù hợp cho động cơ. chẳng hạn như mức nhiên liệu, vị trí của cánh tĩnh, van nhả dầu thủy lực và nhiều thành phần khác. FADEC cũng kiểm soát khởi động và khởi động lại động cơ.

Bell 505 có trọng lượng khi không tải là 1,002 tấn, tải trọng hữu ích 667 kg (chở hàng hóa hay người bên trong) và khối động cơ Arrius 2R với công suất cất cánh tối đa 505 mã lực và công suất hành trình 459 mã lực cũng đủ mạnh để cho phép chiếc máy bay này kéo theo hàng với trọng lượng tối đa 680 kg. Động cơ dùng xăng hàng không tiêu chuẩn với dung tích bình xăng 321 lít.

Trên trang web của mình, Bell Helicopter cho biết, đây là chiếc trực thăng SLS đầu tiên được trang bị hệ thống khí cụ Garmin G1000H giúp mang lại cho phi công khả năng nhận biết tình huống tốt hơn. Hệ thống này gồm 2 màn hình 10,4" LCD phân giải cao, đa chức năng, hiển thị nhiều thông số.

Tích hợp trong hệ thống Garmin G1000H là các thiết bị như bộ thu tín hiệu dẫn đường GPS/WAAS, VHF NAV, bộ truyền phát tín hiệu liên lạc VHF COM, các hệ thống quản lý động cơ và khung sườn máy bay GEA 71H, hệ thống tham chiếu độ cao GSU 75 (ADAHRS), từ kế, bản đồ, tỉ lệ tiêu hao nhiên liệu và rất nhiều loại cảm biến, cảnh báo khác.

Hệ thống này cũng có thể dễ dàng nâng cấp để bổ sung công nghệ Helicopter Synthetic Vision Tech (HSVT) để phi công có thêm nhiều dữ liệu bay quan trọng như bản đồ địa hình 3D, chướng ngại vật, không lưu…

Bell 505 cũng đã được Cục Quản lý hàng không liên bang Mỹ (US FAA) và cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EUASA) chứng nhận an toàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem