Trung đội "Mãnh hổ" Mỹ và cuộc thảm sát Quảng Ngãi (Kỳ 3): Tội ác không phải trả giá

Minh Châu Thứ tư, ngày 14/10/2020 19:30 PM (GMT+7)
7 năm sau khi rời Việt Nam, bị những hồi ức chiến tranh ám ảnh, James Barnett mời các nhà điều tra lục quân tới nhà mình và có một lời thú nhận bất ngờ: Ông từng bắn chết một người mẹ trẻ không mang vũ khí. Barnett xin được miễn tố, mặc dù thực ra điều này không cần thiết, bởi sẽ không ai bị truy tố cả.
Bình luận 0

Tuy lục quân tìm được bằng chứng về 20 tội ác chiến tranh do 18 binh lính Mãnh Hổ thực hiện năm 1967, cùng nhiều nhân chứng, nhưng không có cáo trạng nào được đưa ra. Hơn 2.000 trang lời khai – bao gồm lời thú nhận năm 1974 của cựu trung sĩ Barnett - bị giấu trong kho tư liệu của lục quân hàng năm trời. Barnett, chết năm 2001, đã tổng kết về các hành động của trung đội với các nhà điều tra, khi họ đến nhà ông ở Tennessee: “Hầu hết các sự kiện này ngày nay có thể xếp vào các vụ tội phạm chiến tranh”.

Trung đội "Mãnh hổ" Mỹ và cuộc thảm sát Quảng Ngãi (Kỳ 3): Tội ác không phải trả giá - Ảnh 1.

Bức hình chụp thành viên trung đội "Mãnh hổ" năm 1968.

Cuộc điều tra kéo dài 8 tháng của Toledo Blade, dựa trên hàng nghìn tài liệu quân sự và các cuộc phỏng vấn, cho thấy:

1/ Các chỉ huy biết về các tội ác của trung đội năm 1967, nhưng không điều tra:

36 năm trước, đại uý Carl James bất ngờ đến thung lũng sông Vệ. Ông muốn gặp trung đội trưởng James Hawkins để bàn về việc tiếp tế, nhưng thay vào đó, ông lại bắt gặp viên trung uý đứng bên cạnh xác chết một nông dân già. Không có vũ khí hay đạn của đối phương ở khu vực. Ông hỏi trung uý James Hawkins tại sao giết một người một người không có vũ khí. Hawkins không trả lời được. James kể rằng đã trách móc viên trung uý hôm đó, vào tháng 7/1967, nhưng không gửi khiếu nại: “Tôi tưởng cảnh báo anh ta như vậy là đủ”. Đây là trường hợp đầu tiên các chỉ huy không điều tra về hành vi của Mãnh Hổ và ngăn cản việc giết chóc. Ngoài ra còn một loạt trường hợp khác, ví dụ:

- Harold Austin, cựu chỉ huy tiểu đoàn quản lý Mãnh Hổ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây: Đại bản doanh của ông đã nhận được báo cáo rằng binh lính Mãnh Hổ cắt rời bộ phận thi thể những người Việt Nam đã chết đầu năm 1967, nhưng không tiến hành điều tra.

- Trung uý Donald Wood và trung sĩ Gerald Bruner đã nhiều lần khiếu nại lên thượng cấp hồi tháng 8/1967 về việc lính Mãnh Hổ giết dân thường. Nhưng không có điều tra.

- Đại uý Robert Morin nói với các quan chức lục quân rằng ông từng tham giam dự một bữa tiệc của các sĩ quan năm 1967, trong đó có vài người đùa cợt chuyện một số binh lính Mãnh Hổ đã dìm chết một nông dân ở sông Vệ. Một lần nữa, không hề có điều tra.

Đa số các chỉ huy e ngại sẽ lật lên những tội ác chiến tranh. Bác sĩ từng phục vụ trong tiểu đoàn Bradford Mutcher giải thích với các nhà điều tra năm 1975: “Đó là chuyện mà người ta muốn giấu và quên đi, người ta không muốn biết nó có thật hay không”.

2/ Các nhà điều tra không theo đúng quy định.

a/ Các nhà điều tra lục quân biết về các vụ này từ tháng 2/1971, nhưng mất một năm mới bắt đầu phỏng vấn các nhân chứng.

Bắt đầu từ một thông tin được cựu trung sĩ Gary Coy tiết lộ năm 1971: binh nhì Sam Ybarra thuộc Mãnh Hổ đã chặt đầu một em bé sơ sinh. Tuyên bố của ông làm dấy lên một cuộc điều tra của lục quân kéo dài tới tận năm 1975. Vụ việc cuối cùng đã sử dụng đến 100 nhân viên để thẩm vấn 137 người. Cuộc điều tra kéo dài 4 năm rưỡi, các nhân viên điều tra tới 63 thành phố ở Mỹ, Đức, Hàn Quốc và Philippines.

Lẽ ra các điều tra viên phải bắt tay vào việc ngay khi có đơn khiếu nại. Họ phải theo dõi các kẻ tình nghi chính. Họ phải lần lại dấu vết các nạn nhân. Tất cả những trình tự này đều bị phớt lờ. Ít nhất 6 kẻ tình nghi đã được phép rời lục quân trong quá trình điều tra, nhờ đó mà họ thoát được nguy cơ ra toà án binh. 3 người tình nghi khác chết trong khi chiến đấu.

Nếu những kẻ tình nghi được phép rời lục quân thì các nhân chứng cũng vậy. Bởi vì tới 1 năm các nhà điều tra mới có phản ứng đối với khiếu nại của ông Coy, 11 binh lính đã giải ngũ và không thể bị buộc ra làm chứng.

Các nhân chứng còn bao gồm các dân thường Việt Nam. Nhưng các nhà điều tra Mỹ không tới miền Nam Việt Nam để tìm họ. 36 năm sau, Toledo Blade đến Việt Nam và tìm lại được 11 dân làng biết rõ các chi tiết về 3 trong số các tội ác của Mãnh Hổ.

Thậm chí ngay cả khi các binh lính đã cung cấp các chi tiết về các tội ác, các nhà điều tra cũng không lần theo các manh mối này. Khi Barnett mời các nhà điều tra đến nhà mình năm 1974, ông thú nhận đã giết mẹ của một đứa bé 6 tháng tuổi, nhưng ông nói rằng đó là theo lệnh của tiểu đội trưởng - trung sĩ Harold Trout: “Tôi cảm thấy bứt rứt. Nhưng tôi nghĩ mình chỉ đang làm công việc của mình. Đối với tôi, đó là một ngày cũng như những ngày khác ở Việt Nam”. Ông còn nêu tên một nhân chứng nữa, nhưng các nhà điều tra không chất vấn binh sĩ này.

Trung sĩ Trout từ chối trả lời các nhà điều tra về vụ việc năm 1973 và mới đây từ chối nói chuyên với Toledo Blade. “Cuộc chiến xảy ra đã quá lâu rồi”, Trout bình luận, “và giờ tôi không muốn nói gì hết”.

b/ 2 điều tra viên lục quân giả vờ điều tra, trong khi khuyến khích các binh lính giữ im lặng để họ khỏi bị truy tố.

2 cựu binh của Mãnh Hổ cho biết họ được các điều tra viên khuyến khích không nói gì hết - một hành động rõ ràng vi phạm luật quân sự. Dan Clint (không bị tình nghi tội phạm chiến tranh) kể rằng nhân viên điều tra Robert DeMario đã liên lạc với ông, khi chuẩn bị tiến hành cuộc thẩm vấn thứ 2: “Ông ấy nói, Này, làm ơn nói giùm anh không nhớ gì cả nhé, để tôi khoá sổ vụ này luôn”. Và Clint đã làm như vậy. Trong cuộc trả lời thẩm vấn của ông DeMario ngày 17/1/1974, Clint nói rằng ông không nhìn thấy tội ác chiến tranh nào hết. Nhưng đó không phải là sự thật. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Toledo Blade, Clint cho biết các binh lính đã giết các dân làng và những tù nhân không hề có nguy hiểm gì đối với họ. Ông DeMario chết hồi tháng 9/1984.

Người thứ 2 được yêu cầu không báo cáo về tội ác chiến tranh là William Doyle - nghi phạm giết người trong cuộc điều tra. Hồ sơ cho thấy khi bị thẩm vấn ngày 17/2/1975 ở St Petersburg (Florida), trả lời câu hỏi liệu ông có biết gì về các tội ác của các binh lính Mãnh Hổ hay không, Doyle đã nói: “Không bình luận”.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Doyle cho biết không chỉ chứng kiến việc giết thường dân mà còn tham gia thực hiện. “Nếu anh muốn bóp cò súng, anh bóp cò súng. Nếu anh muốn thiêu rụi làng, anh thiêu rụi làng. Anh làm bất cứ cái gì anh muốn. Sẽ có ai nói gì kia chứ?” Doyle từ chối tiết lộ tên của điều tra viên đã khuyên nên im lặng: “Ông ấy còn mách cho tôi chuyện gì đang diễn ra, họ đang tìm gì, đang cố làm gì”. Doyle, 70 tuổi, hiện sống tại Missouri.

c/ Bản báo cáo cuối cùng có nhiều sai sót.

Các nhân viên điều tra thu được bằng chứng về 20 tội ác chiến tranh, bao gồm cả giết người. Tuy nhiên, họ lại trình bày về các vụ việc theo một cách khác cho các chỉ huy. Trong bản báo cáo cuối cùng về khả năng có truy tố hay không, người phụ trách điều tra Gustav Apsey trình bày những thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ về các tội ác – gây nghi ngờ về những vụ quan trọng.

Ví dụ, không ai phủ nhận là các binh lính Mãnh Hổ bắn vào 10 nông dân già ở thung lũng sông Vệ tháng 7/1967. Các lời khai do 4 binh lính đưa ra chỉ mâu thuẫn ở điểm có mấy người bị trúng đạn. Nhưng trong bản báo cáo, Apsey lại nói rằng ông ta không thể chứng minh được là tội ác đã xảy ra.

Bản báo cáo cũng không đưa vào những lời khai của 4 binh lính là nhân chứng vụ việc. William Carpenter: “Chúng tôi giết khoảng 10 nông dân, sau đó ngừng bắn”. Trung sĩ Forrest Miller: “Chúng tôi không hề bị người trong làng và những người trên cánh đồng nổ súng. Khoảng 10 người, cả nam lẫn nữ đã bị bắn”.

Apsey còn kết luận rằng các binh lính không rõ tên tuổi đã tham gia vào vụ tấn công. Điều đó không đúng. Có 2 binh lính đã chỉ ra được trung uý James Hawkins chỉ huy vụ này. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Toledo Blade, Hawkins thừa nhận rằng chính mình ra lệnh nổ súng. Theo lời cựu trung đội trưởng Mãnh Hổ thì các nông dân lẽ ra phải ở trong ấp chiến lược chứ không phải trên cánh đồng. “Bất kể cái gì ở ngoài đó cũng sẽ là mục tiêu. Nếu nó còn sống, nó sẽ bị phá huỷ”.

Còn đối với những trường hợp khác, thì các nhà điều tra kết luận rằng thông tin không chính xác. Các nhà điều tra đã phỏng vấn 4 binh lính từng chứng kiến vụ giết phụ nữ và trẻ em ở 3 căn hầm gần Chu Lai. Nhưng trong trong bản báo cáo cuối cùng, Apsey nhận xét ông không biết liệu những người bị giết có phải du kích hay không. Trong khi đó, 4 cựu binh Mãnh Hổ đều khẳng định những người trốn trong hầm gồm cả phụ nữ và trẻ em, và không ai mang vũ khí. Một nhân chứng, binh nhì Ken Kerney, còn cho biết: “Không có dấu hiệu những người bị giết có liên quan đến lực lượng đối phương". Ông nhìn thấy trẻ em chạy vào các khu hầm. Theo Kerney, trung đội được lệnh tới làng, nhưng không hề có một phiên dịch để ra lệnh mọi người ra ngoài.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Apsey thú thật: “Tôi cảm thấy rất áy náy. Tôi đã sai. Tôi không biết phải nói gì thêm nữa. Việc giết phụ nữ và trẻ em đúng là tội ác chiến tranh. Không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi không biết tại sao mình lại viết như vậy”. Theo Apsey, các nhà điều tra khó đưa ra cáo trạng, vì vụ việc đã xảy ra quá lâu và một số trường hợp đã quá thời hạn để đem xử. Nhưng thực chất, đến năm 1975, vẫn còn các nhân chứng và không có thời hạn xử đối với tội giết người.

3/ Tính nhạy cảm chính trị ngăn cản việc truy tố

Mặc dù bản báo cáo cuối cùng có những điểm không chính xác, Apsey cũng đưa ra được 3 trường hợp phạm tội giết người để xét truy tố - một trường hợp nhắc đến chỉ huy Mãnh Hổ James Hawkins. Nhưng ngay cả khi đó, cũng không có cáo trạng. Thậm chí cũng không có cả điều trần trước bồi thẩm đoàn quân sự, bước đầu tiên tiến tới một toà án binh.

Apsey viết rằng:

- Trung đội trưởng James Hawkins “đã giết một ông già Việt Nam bằng cách bắn vào đầu”.

- Tiểu đội trưởng Harold Trout “giết một người Việt Nam không có vũ khí, đang bị thương, bằng cách bắn vào đầu vài lần bằng một khẩu súng lục 11 mm".

- Binh nhì James Cogan “xử tử một ông già Việt Nam không mang vũ khí bằng cách bắn vào đầu 2 phát bằng một khẩu 11mm".

Cogan đã rời khỏi quân ngũ khi bản báo cáo cuối cùng được đưa ra năm 1975, và giống như nhiều kẻ tình nghi khác, vẫn đứng ngoài vòng xét xử một toà án binh.

Theo luật quân sự, thì tướng chỉ huy sẽ quyết định có truy tố binh lính dưới quyền mình hay không. Nhưng theo Hawkins, vụ việc của hắn được quyết định bởi cấp quyền lực còn cao hơn tư lệnh – trung tướng William Maddox. Hắn cho biết đã được Lầu Năm Góc triệu tới hồi tháng 11/1975, 5 tháng sau khi bản báo cáo cuối cùng hoàn tất. Bên cạnh Hawkins là tướng Maddox. Cựu trung đội trưởng Mãnh Hổ kể lại: “Đại loại họ nói rằng: Phải, ở đó có những hành động sai trái, chúng tôi biết. Nhưng, theo đuổi vụ việc không phải nhằm phục vụ lợi ích này nọ. Có vẻ như mọi chuyện đến đó thì chấm hết”. Tướng Maddox chết năm 2001.

William Eckhardt, công tố viên chính trong vụ Mỹ Lai (vụ 1 đơn vị Mỹ giết khoảng 500 dân thường Việt Nam năm 1968), nhận xét lục quân có lẽ ngại đưa chuyện này ra toà vì e ngại dư luận: “Có lẽ họ không muốn có thêm một Mỹ Lai nào nữa. Nếu các vị nhìn vào thời kỳ khó khăn mà chính phủ trải qua trong cuộc xử Mỹ Lai, chuyện một số vụ tương tự không được theo đến cùng không làm tôi ngạc nhiên”.

Một ban đặc biệt của Mỹ đã được thành lập sau cuộc thảm sát Mỹ Lai năm 1968 để xem xét các vụ tội phạm chiến tranh. Nhưng uỷ ban này, vẫn thường được biết đến dưới cái tên "Nhóm làm việc tội phạm chiến tranh", bao gồm 6 sĩ quan, không bao giờ gặp nhau.

Trong trường hợp Mãnh Hổ, không hề có biện pháp trừng phạt nào hết. 3 kẻ tình nghi về sau còn được thăng chức. Đại uý James, bị cáo buộc không báo cáo một tội ác chiến tranh, trở thành thiếu tá. Trout rời lục quân năm 1985 ở cương vị thượng sĩ. Hawkins được thăng chức làm thiếu tá và tiếp tục làm công tác hướng dẫn bay dân sự ở Fort Rucker, Alaska, sau khi thôi chức năm 1978.

4/Thông tin về vụ điều tra được chuyển tới Nhà Trắng

Đến nay vẫn còn nhiều điều chưa được biết đến về cuộc điều tra Mãnh Hổ. Lục quân từ chối tiết lộ các bản báo cáo, vì lý do bảo vệ quyền cá nhân của các cựu binh. Điều mà ta biết đuợc là những bản tóm tắt của các cuộc điều tra đã được gửi đến Nhà Trắng khoảng giữa năm 1971 và 1973. Khi tổng thống Nixon còn tại chức, cố vấn chính của ông - John Dean - đã lệnh cho lục quân vào tháng 5/1971 gửi thông tin hàng tuần về tình hình điều tra các tội ác chiến tranh – 10 vụ bao gồm cả Mãnh Hổ. Tới năm 1973, các bản báo cáo được gửi hàng tháng. Tài liệu cũng được gửi tới bộ trưởng lục quân Howard “Bo” Callaway và bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger. Nhưng vào tháng 6/1973, 5 tháng sau khi Mỹ rút quân, lục quân ngừng gửi thêm thông tin về vụ việc tới Nhà Trắng.

Ông Dean, rời Nhà Trắng hồi tháng 4/1973, nhận xét trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng ông không nhớ vụ Mãnh Hổ, nhưng không ngạc nhiên về việc điều tra đã bị bỏ lửng: “Chính phủ không thích những chuyện xấu xa”. Cựu bộ trưởng lục quân Howard “Bo” Callaway cũng nói ông không nhớ vụ việc nhưng khẳng định nếu ông biết, thì ông đã xử lý nghiêm: “Chắc chắn sẽ không có chuyện che đậy”.

Gerald Ford lên làm tổng thống, sau khi Richard Nixon từ chức hồi tháng 8/1974. Người phát ngôn của cựu tổng thống Ford mới đây cho tuyên bố từ chối bình luận về các tội ác thời chiến tranh Việt Nam.

Khi cuộc điều tra kết thúc vào năm 1975, trung sĩ Coy, người đầu tiên khiến lục quân chú ý tới vụ Mãnh Hổ, lại nhận được một bức thư khiển trách và trở thành cựu thành viên duy nhất của Mãnh Hổ bị kỷ luật. Nguyên nhân: ông đã khai với các nhà điều tra rằng chính mắt ông nhìn thấy một em bé sơ sinh bị chặt đầu, trong đợt càn một làng tháng 11/1967. Về sau, ông thừa nhận rằng không trông thấy mà chỉ nghe nói về vụ này. Coy giải thích rằng ông cho rằng làm như vậy thì các nhà điều tra sẽ chú trọng việc này hơn. Coy và một đồng đội, John Aherne, đã hứa với nhau rằng, bất kỳ ai sống sót sau chiến tranh sẽ khai báo với lục quân. Aherne chết trên chiến trường năm 1968. Ông Gary Coy, 56 tuổi, hiện sống ở Missouri, cho rằng mình đã bị lục quân đối xử bất công: "Sau những gì tôi đã phải trải qua, cuộc chiến thì đã kết thúc, tôi cảm thấy thật không đáng chút nào".

Các nhà điều tra về sau phỏng vấn được một số nhân chứng, họ khẳng định chính binh nhì Sam Ybarra từng khoe chuyện cắt cổ một em bé để lấy cái vòng cổ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem