Hết hồn khoản tiền kếch xù Đức mất trắng một khi cắt khí đốt Nga

Minh Nhật (theo CNN) Thứ năm, ngày 14/04/2022 11:23 AM (GMT+7)
Các nhà dự báo hàng đầu của Đức cảnh báo nước họ sẽ rơi vào cuộc suy thoái sâu nếu nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga bị cắt đứt đột ngột. Trong trường hợp này, thiệt hại của nền kinh tế Đức lên tới gần 240 tỷ USD.
Bình luận 0
Hết hồn khoản tiền kếch xù Đức mất trắng một khi cắt khí đốt Nga - Ảnh 1.

Đức được cho là sẽ gánh thiệt hại nặng nề nếu đột ngột cắt khí đốt Nga. Ảnh IT

Theo báo cáo của 5 viện kinh tế Đức, nước này sẽ mất 220 tỷ Euro (238 tỷ USD) sản lượng kinh tế trong 2 năm tới nếu xảy ra cú sốc liên quan đến việc nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga bị cắt đứt đột ngột như vậy. GDP của Đức sẽ chỉ tăng 1,9% vào năm 2022 và giảm 2,2% vào năm 2023. Tăng trưởng kinh tế được ước tính sẽ rơi vào khoảng 2,7% trong năm nay nếu khí đốt tiếp tục chảy.

Stefan Kooths, giám đốc nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel và một trong những tác giả của báo cáo, nói rằng việc cắt giảm khí đốt của Nga sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào một "cuộc suy thoái mạnh".

Thảm kịch ở Bucha, ngoại ô Kiev đã khiến Liên minh châu Âu áp đặt tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow và theo đuổi hoạt động xuất khẩu năng lượng khổng lồ của Nga lần đầu tiên kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.

Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí loại bỏ dần mọi hoạt động nhập khẩu than của Nga. Một nguồn tin EU nói với CNN Business rằng, than đá sẽ bị cấm vào tháng 8. Một vòng trừng phạt mới thứ 6 đang được thảo luận và một số quan chức EU đã kêu gọi hành động đối với hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga.

Nhưng lệnh cấm khí đốt của Nga trong thời gian tới sẽ tàn phá Đức - nước nhập khẩu từ Nga khoảng 46% lượng khí đốt tự nhiên vào năm 2020, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Đức sử dụng nhiên liệu để sưởi ấm các ngôi nhà, tạo ra điện và giúp cung cấp năng lượng cho các nhà máy của mình.

Liên minh châu Âu đang cố gắng cắt giảm 66% nhập khẩu khí đốt của Nga trong năm nay và đặt mục tiêu phá vỡ sự phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng của Nga vào năm 2027.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết nước này đang tiến hành "càng nhanh càng tốt" để giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, nhưng lại "dội một gáo nước lạnh" vào những lời kêu gọi cắt đột ngột khí đốt Nga.

"Câu hỏi đặt ra là chúng ta gây hại cho Nga nhiều hơn là cho chính mình thế nào?", ông Lindner cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo Die Zeit.

Nhắm mục tiêu vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga có thể sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát ở Đức - vốn đã đạt mức cao nhất trong hơn 40 năm vào tháng trước. Giá tiêu dùng tăng 7,3% so với năm trước, dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang của nước này cho thấy.

BDEW, một hiệp hội các nhà cung cấp năng lượng và tiện ích của Đức tuần trước cho biết họ "sẵn sàng vạch ra một kế hoạch chi tiết" để loại bỏ khí đốt của Nga một cách nhanh chóng, nhưng kêu gọi các chính trị gia tiến hành một cách thận trọng.

“Xét cho cùng, (cắt giảm khí đốt của Nga) không khác gì sự chuyển đổi của toàn bộ ngành công nghiệp Đức", Marie-Luise Wolff, Chủ tịch của BDEW cảnh báo trong một tuyên bố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem