Trung Quốc cắt giảm năng lượng hoá thạch, giá dầu trượt dốc
Hôm nay, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới – Trung Quốc – đã tuyên bố sẽ giảm 11% hạn ngạch nhập khẩu đợt đầu tiên của năm 2022 đối với hầu hết các công ty lọc dầu độc lập.
Cùng ngày, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng cho biết đã cấp 85,5 tỷ nhân dân tệ (13,4 tỷ USD) cho các khoản vay lãi suất cho nhiều tổ chức tài chính để thúc đẩy các dự án xanh và khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon từ năng lượng hoá thạch.
Trụ sở của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trong đại dịch. Ảnh: REUTERS / Tingshu Wang
Theo Trung tâm giảm phát thải carbon (CERF), cơ sở đầu tiên được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc triển khai, các tổ chức tài chính có thể xin cấp vốn chi phí thấp để hoàn trả các khoản vay giảm phát thải carbon.
CERF là một phần kế hoạch để thực hiện mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc là giữ lượng khí thải carbon ở mức ổn định từ nay đến năm 2030 và sẽ đạt mức độ carbon trung tính vào năm 2060, cũng như để bảo vệ nền kinh tế khỏi sự suy thoái từ đại dịch COVID-19.
Theo CERF, PBOC sẽ cung cấp cho các tổ chức tài chính một khoản bằng 60% tiền gốc của khoản vay với lãi suất vay là 1,75%/năm, chiết khấu cho tỷ lệ repo trong bảy ngày là 2,2%. Theo báo cáo từ Huatai Securities và Everbright Securities, CERF có thể thông qua 1 nghìn tỷ nhân dân tệ mỗi năm cho việc đầu tư vào các dự án liên quan đến năng lượng sạch sau khi công cụ tiền tệ này được triển khai đầy đủ vào năm 2022.
Trước những tuyên bố của của chính phủ Trung Quốc, giá dầu thế giới đã giảm nhẹ sau khi chạm đỉnh của tháng vào hôm kia. Cụ thể, vào lúc 7h GMT+7 sáng nay, dầu Brent giao sau giảm 0,56 USD, tương đương 0,82% xuống 78,67 USD/thùng. Giá dầu thô giao sau của Mỹ (WTI) giảm 0,89 USD, tương đương 0,97%, xuống 75,24 USD/thùng sau sáu phiên tăng liên tiếp.
Biến động giá dầu WTI sáng 31/12. Nguồn: Trading economics
Một nhà phân tích tại Singapore nhận định rằng: "Tâm lý thị trường suy yếu do lo lắng rằng chính phủ Trung Quốc có thể có những động thái thắt chặt hơn nữa".
Nhìn chung trong năm 2021, giá dầu toàn cầu đã tăng trở lại từ 50% đến 60% khi nhu cầu nhiên liệu tăng trở lại gần mức trước đại dịch và việc cắt giảm sản lượng sâu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) nhằm tránh dư cung.
Theo ý kiến của chuyên gia, dù Trung Quốc có các động thái thắt chặt, cầu của dầu thô vẫn sẽ vẫn ở mức ổn định trong đầu năm 2022 nhờ dấu hiệu khả quan ở thị trường Mỹ cũng như nỗ lực hồi phục kinh tế sau đại dịch của các nước.