Trung Quốc sắp thảo luận về "hộ chiếu vắc xin"

03/03/2021 11:12 GMT+7
Một số đại biểu tham dự cuộc họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc dự kiến sẽ đưa ra thảo luận về đề xuất cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19 đang gây tranh cãi trong cộng đồng quốc tế.

Tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin đại biểu Zhu Zhengfu, một thành viên của ủy ban quốc gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) nhận định rằng Trung Quốc nên thúc đẩy đề xuất áp dụng hồ chiếu vắc xin trong nước cũng như trên toàn cầu trong nỗ lực bình thường hóa giao lưu kinh tế và du lịch quốc tế.

Trong trường hợp du khách quốc tế xuất trình được hộ chiếu vắc xin hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong thời hạn nhất định, họ sẽ được miễn các quy định kiểm dịch của quốc gia đặt chân đến, vị đại biểu này để xuất.

Trung Quốc sắp thảo luận về "hộ chiếu vắc xin" - Ảnh 1.

Trung Quốc sắp thảo luận về "hộ chiếu vắc xin"

Các cuộc họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) và cơ quan cố vấn hàng đầu của chính phủ - Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc CPPCC sẽ bắt đầu vào ngày 4-5/3 tới. Các đại biểu tham dự Hội nghị của NPC và CPPCC sẽ gửi đề xuất về luật hoặc quy định mới để Quốc hội xem xét.

Một quan chức hàng đầu khác của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC), ông Hung Wai-man cũng đề xuất chính phủ cấp hộ chiếu vắc xin được sử dụng tại đại lục và Hồng Kông.

Các cuộc thảo luận tại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh vấn đề hộ chiếu vắc xin đang nóng lên trên toàn cầu. 

Hộ chiếu vắc xin là “thuật ngữ” mới chỉ xuất hiện gần đây, đề cập đến những giấy chứng nhận một cá nhân đã được tiêm chủng đầy đủ mũi tiêm vắc xin Covid-19. Hộ chiếu vắc xin được nhiều nước đề xuất áp dụng dưới dạng điện tử và có hiệu lực rộng rãi trên thế giới, dù nó đang vấp phải làn sóng tranh cãi lớn từ các nhà hoạt động nhân quyền, những người lo ngại hộ chiếu vắc xin điện tử sẽ kéo theo nhiều rủi ro khác về quyền riêng tư.

EU tuần qua đã đưa vấn đề hộ chiếu vắc xin ra thảo luận. Nhiều quốc gia thuộc khối đồng tình áp dụng hộ chiếu này. Ví dụ, chính phủ Đan Mạch tuyên bố sẽ tung ra hộ chiếu vắc xin điện tử trong vài tháng tới, qua đó cho phép các công dân đã tiêm chủng vắc xin Covid-19 xuất nhập cảnh dễ dàng hơn mà không phải trải qua các quy định hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt tại nơi đặt chân đến.

Ở Mỹ, Tổng thống Joe Biden cũng yêu cầu các cơ quan chính phủ xem xét tính khả thi của việc liên kết chứng nhận đã tiêm chủng vắc xin Covid-19 với các mũi tiêm chủng quan trọng khác để tạo thành hệ thống hộ chiếu vắc xin điện tử.

Không chỉ các chính phủ, hàng loạt hãng hàng không cũng đang thúc giục triển khai hộ chiếu vắc xin nhằm sớm bình thường hóa hoạt động du lịch và vận tải xuyên biên giới. Trong suốt năm qua, khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu và các chính phủ buộc phải đóng cửa biên giới, thắt chặt hạn chế kiểm dịch, hàng trăm ngàn chuyến bay đã bị hủy và nhiều hãng hàng không buộc phải nộp đơn xin phá sản hoặc tái cơ cấu. Nhiều hãng hàng không được chính phủ hỗ trợ, nhưng tình hình vẫn hết sức khó khăn.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA hiện đang nghiên cứu triển khai chứng nhận điện tử cho hành khách đã tiêm vắc xin mang tên IATA Travel Pass.  Các hãng hàng không lớn như Etihad Airways hay Emirates cũng dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng chứng nhận điện tử này ngay trong các tháng tới, khi IATA đưa vào sử dụng. Chứng nhận cũng cung cấp cho hãng hàng không và chính phủ các thông tin khác của hành khách như lịch trình di chuyển để tiện theo dõi dịch tễ.

Thách thức lớn nhất với các chính phủ lúc này là làm thế nào tạo ra một loại hộ chiếu vắc xin điện tử an toàn, dễ sử dụng, được chấp nhận trên toàn cầu mà không gây ra mối lo ngại nào về vấn đề quyền riêng tư hay phân biệt đối xử.


NTTD
Cùng chuyên mục