Trung tâm đăng kiểm và quyền lực của “cò”

Thứ ba, ngày 14/12/2010 08:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xe cũ nát, thậm chí thay đổi thiết kế, chỉ cần qua tay “cò” là cỡ nào cũng đậu! “Cò” có thể điều khiển các kỹ thuật viên đăng kiểm từ xa...
Bình luận 0

Ngày 11-11, chúng tôi đến trạm 5003S trên quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) để đăng kiểm một xe tải nhỏ. Một người đàn ông xưng tên là X đến ngó nghiêng chiếc xe một lúc rồi bỏ nhỏ: “Xe cộ bây giờ làm có giá hết, anh là chủ xe đi làm chi cho mệt. Sau này có xe cứ giao cho tài xế rồi alô cho em một tiếng”.

Quyền lực của “cò”

img
Chiếc xe đầu kéo 57L-0841 khói mù mịt và nhiều lỗi khác vẫn được ĐKV cho qua.

Được lời như cởi tấm lòng, tôi rút ngay cuốn sổ đăng kiểm một xe moóc lùn rồi than thở: “Tui mới mua cái moóc dài nhưng sau đó cắt bỏ và thay đổi nhiều, anh xem giúp được không”. “Chuyện nhỏ! Xe tàn và thay đổi cỡ nào đi nữa nếu qua tay tui là được tuốt tuồn tuột” - X nói.

Ngày 12-11, chúng tôi có mặt tại trạm đăng kiểm 5004V (phường Hiệp Phú, quận 9) và thấy chiếc đầu kéo của doanh nghiệp V.H kéo theo chiếc moóc BKS 51R-0645 tiến vào trung tâm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây 5 ngày, chiếc moóc này từng bị chính trạm đăng kiểm này đánh rớt (từ chối đăng kiểm) vì lỗi tự ý “cắt cụt” (cắt từ 45feet còn 40feet - PV). Nhưng thật bất ngờ, khoảng 15 phút sau chiếc moóc 51R-0645 đã dán tem mang ký hiệu “AH-0805755”… Một tay “cò” nhìn tôi cười đắc ý: “Ông anh thấy chưa, bệnh nặng gặp thầy hay thì cỡ nào mà hổng đậu!”.

Sáng 13-11, chúng tôi đưa chiếc xe đầu kéo đời cũ vào trung tâm đăng kiểm 5004V. Điều làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên là các đăng kiểm viên (ĐKV) rất ít tham gia các công đoạn kiểm tra mà “giao” luôn việc này cho bảo vệ, tài xế và lơ xe. Một bảo vệ tên Phong chân mang dép Lào, quần jean rách te tua, miệng lúc nào cũng phì phèo thuốc lá gần như là người chỉ huy cả đội. Anh này vừa tiếp nhận xe, vừa điều khiển xe và kiêm luôn nhiều công đoạn khác. Các lơ xe, tài xế cũng tham gia kiểm khói, thử đèn…

Chỉ cần làm kỹ cái thắng!

Thông qua sự giới thiệu của một chủ doanh nghiệp chuyên bán xe đầu kéo, chúng tôi có được số điện thoại của các ĐKV được coi là “thân tình”. Anh này dặn dò: “Muốn đem xe đi xét thì phải gọi cho ĐKV để “báo bệnh”, nếu được đồng ý thì hãy đem xe tới”. Trong vai một chủ doanh nghiệp có mấy cái xe đầu kéo cũ, chúng tôi gọi điện thoại cho ĐKV tên T (số điện thoại 09099861xx) ở trạm đăng kiểm 5004V.

- “A lô, có phải anh T đăng kiểm không ạ? Dạ, em mới mua mấy cái đầu kéo của anh Triều, 2 cái đầu đời 89 nát quá anh đăng kiểm giúp em được không?”.

- “Nát quá không có thắng là không làm được đâu”.

- “Thắng thì em đã làm lại rồi, nhưng khói dữ lắm. Khoảng bao nhiêu vậy anh?”.

- “Thì cứ ấy thôi, cứ đem xe lên thôi. Có gì cứ nhắn số xe rồi đem lên nhưng phải kỹ cái thắng chứ không thôi không làm được đâu”…

Chúng tôi gọi tiếp cho ĐKV tên L (số điện thoại 09881882xx, trạm đăng kiểm 5004V):

- “A lô, có phải anh L trạm 5004 không ạ? Anh ơi em có mấy cái xe đầu kéo mới mua của anh Triều, bây giờ khói nhiều quá anh giúp em với!”.

- “Xe số mấy? Chiều anh cứ đem lên dây số 1 đi em làm cho!”.

- “Nhưng xe em khói dữ lắm…

- “Biết rồi, biết cách làm hết khói. Anh cứ đem xe lên, khi nào tới thì gọi...”.

Chết máy vẫn đậu!

Sau nhiều lần đến đăng kiểm tại Trung tâm 5007V (phường Trung Mỹ Tây, quận 12), chúng tôi quen “cò” T tại đây. Theo khẳng định của T, dù bản doanh của anh này là ở trạm 5007V nhưng anh có thể “bao đậu” cho tất cả các mối quen của mình khi đem xe đi xét ở bất kỳ trạm nào. Trong vai chủ xe đi xét chiếc Jeep cao BKS 51A-00... đời cũ, chúng tôi đề nghị “cò” T cho xét ở trạm 5003S, “cò” T bảo là chuyện nhỏ và hẹn giờ đem xe tới.

Gần hết buổi sáng 4-11, “cò” T liên tục gọi điện hỏi biển số xe để anh ta “quan hệ” với ĐKV của trạm 5003S (phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM) nhưng chúng tôi đổ lỗi cho tài xế đi nhầm ra trạm 5003V. Để chứng minh mối quan hệ rộng của mình, “cò” T lại bảo: “Chuyện nhỏ, chỗ nào xét cũng OK” và bảo chúng tôi đưa ngay xe vào dây chuyền số 4 cho kịp giờ.

Tại dây chuyền này, một ĐKV không đeo bảng tên và một người nữa tên Trịnh Lý Ân Phùng hỏi chúng tôi xe do ai giới thiệu rồi bắt đầu xét. Ở khâu thử vòng tua của máy, ĐKV Phùng kêu chúng tôi lại rồi chỉ tay lên màn hình máy tính: “Anh thấy không, xe 4 máy chết mất 1 máy rồi. Về nhà phải sửa lại đấy”. Ở các công đoạn kế tiếp, mặc dù xe chúng tôi không có thắng tay, thắng sau không ăn nhưng cũng được dễ dàng cho qua.

Khi chiếc xe vừa được đưa ra bãi chờ dán tem thì “cò” T xuất hiện thu “lệ phí” 300 ngàn đồng. Theo lời T, anh em “cò” đăng kiểm chủ yếu… lấy công làm lời, vì thu 300 ngàn đồng chỉ được hưởng 100 ngàn đồng, phần còn lại phải chung chi hết…

Xe phải có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe; Bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển; Kính chắn gió, kính cửa phải là loại kính an toàn; Có còi với âm lượng đúng tiêu chuẩn; Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói; Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định… (Trích điều 50 Luật Giao thông đường bộ).

Còn nữa

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem