Trước vụ MSB, các lần khách mất tiền tại ngân hàng được giải quyết thế nào?

Đình Việt Chủ nhật, ngày 31/03/2024 18:03 PM (GMT+7)
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, đối các vụ việc khách bị mất tiền gửi tại ngân hàng, kết quả giải quyết thường được đưa ra sau khi có phán quyết tòa án.
Bình luận 0

Các vụ mất tiền tại ngân hàng được tòa tuyên thế nào?

Như Dân Việt đã thông tin, sau khi được cán bộ Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Ngân hàng MSB) tư vấn, bà Nguyễn Thị Lân, trú quận Cầu Giấy (Hà Nội) và bà V.T.K.O, trú tại quận Ba Đình (Hà Nội) đã gửi hơn 85 tỷ đồng vào ngân hàng này.

Trước vụ MSB, các lần khách mất tiền tại ngân hàng được giải quyết thế nào?- Ảnh 1.

Vụ nữ đại gia Chu Thị Bình gửi 245 tỷ đồng tại EximBank và bị "bốc hơi" là vụ án tốn nhiều giấy mực của báo chí. Năm 2018, TAND TP.HCM tuyên án và buộc Eximbank phải có trách nhiệm bồi thường khoản tiền gốc, lãi đã mất của khách. Ảnh: TL

Tuy nhiên, sau đó họ phát hiện tiền gửi của mình từ vài chục tỷ đồng chỉ còn vài chục nghìn đồng. Cụ thể, bà Lân gửi 58,6 tỷ đồng giờ chỉ còn hơn 93 nghìn đồng; bà O. gửi 27,7 tỷ đồng giờ chỉ còn hơn 46 nghìn đồng.

Theo thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội tiếp nhận thông tin của Ngân hàng MSB về việc phát hiện nhân viên ngân hàng này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Bùi Thị Hoài Anh (SN 1984, Giám đốc Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân). Bước đầu xác định nữ Giám đốc Ngân hàng MSB Thanh Xuân đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỷ đồng. Cơ quan công an cũng xác định vụ án không có đồng phạm.

Sau thông tin trên, bạn đọc đặt câu hỏi, trước vụ việc xảy ra tại Ngân hàng MSB, đã có nhiều trường hợp gửi tiền vào ngân hàng và cũng bị mất. Vậy các vụ việc này được giải quyết như thế nào?

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, đối các vụ việc khách bị mất tiền gửi tại ngân hàng, kết quả giải quyết thường được đưa ra sau khi có phán quyết tòa án. Tuy nhiên, mỗi vụ việc lại có kết quả xử lý khác nhau.

Cụ thể, như vụ nữ đại gia Chu Thị Bình gửi 245 tỷ đồng tại EximBank và bị 'bốc hơi'.

Nội dung bản án thể hiện, từ năm 2012 đến năm 2017, Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM) dùng thủ đoạn gian dối lập tài khoản giả mạo rút tiền trong các tài khoản tiết kiệm của bà Bình tại EximBank chi nhánh TP.HCM.

Lê Nguyễn Hưng cũng đã gian dối để tạo sự tin tưởng cho các nhân viên Hồ Ngọc Thủy, Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan, Cao Lan Phương và Lương Quốc Anh là người có trách nhiệm trong việc lập giấy ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và chi tiền mặt nhưng đã thực hiện không đúng chức năng nhiệm vụ được giao, không đúng quy định của Eximbank về trình tự thủ tục lập ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và cho khách hàng rút tiền mặt dẫn đến việc Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt tài sản của Eximbank chi nhánh TP.HCM.

Lê Nguyễn Hưng đã rút 245 tỷ đồng tiền trong tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình đang gửi tại Eximbank chi nhánh TP.HCM, rồi mua 850.000 USD, dùng 152 tỷ đồng mua 41.853,23 chỉ vàng SJC của Eximbank chi nhánh TP.HCM. Số tiền còn lại Hưng rút ra chi tiêu cá nhân.

Hành vi của Lê Nguyễn Hưng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do Hưng bỏ trốn, nên cơ quan công an đã ra quyết định truy nã đối với Lê Nguyễn Hưng. Đồng thời tạm đình chỉ điều tra vụ án, lúc nào bắt được Hưng thì sẽ xử lý sau.

Năm 2018, TAND TP.HCM tuyên án và buộc Eximbank phải có trách nhiệm bồi thường khoản tiền gốc, lãi đã mất của khách. Đến tháng 4/2019, bà Chu Thị Bình đã được ngân hàng thanh toán khoản tiền lãi hơn 115 tỷ đồng theo phán quyết của tòa phúc thẩm và 245 tỷ đồng tiền gốc.

Trước vụ MSB, các lần khách mất tiền tại ngân hàng được giải quyết thế nào?- Ảnh 3.

Vụ hai khách hàng gửi Ngân hàng MSB 85 tỷ chỉ còn vài chục nghìn đồng mới xảy ra gần đây đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Báo điện tử Dân Việt đã thông tin chi tiết về vụ việc này. Ảnh: TL

Mới đây nhất, là vụ Trần Thị Chúc (Bắc Ninh) kiện Ngân hàng Vietcombank vì bị mất 11,9 tỷ đồng trong tài khoản mở tại chi nhánh Kinh Bắc của ngân hàng này.

Ngày 20/3 vừa qua, HĐXX TAND TP Từ Sơn (Bắc Ninh) đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Chúc đối với Ngân hàng Vietcombank. HĐXX buộc Vietcombank phải bồi thường thiệt hại cho bà Chúc 700 triệu đồng.

HĐXX đánh giá Vietcombank có niêm yết công khai tài liệu về điều khoản và điều kiện liên quan đến mở và sử dụng tài khoản, tại trụ sở chi nhánh Kinh Bắc cũng như trên trang điện tử của ngân hàng.

Nhưng hình thức niêm yết tại trụ sở Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc không thuận lợi cho khách hàng là bà Chúc quan sát, dễ dàng tiếp cận tài liệu.

Nhân viên ngân hàng không hướng dẫn bà Chúc tiếp cận văn bản liên quan trước, trong quá trình ký kết hợp đồng mở tài khoản, mà chỉ giải thích những nội dung cơ bản là chưa thực hiện công khai theo điều 406 Bộ luật dân sự.

Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc bà Chúc bị mất 11,9 tỷ đồng trong tài khoản. Do không được giải thích kỹ và tìm hiểu điều kiện đăng ký phương thức xác thực dành cho khách hàng cá nhân, cộng với trình độ hạn chế nên bà Chúc đã nghe theo đối tượng tội phạm cài đặt phần mềm bảo mật.

Bà Chúc đã vô tình đánh mất quyền kiểm soát số điện thoại, máy điện thoại. Vì vậy, đây là nguyên nhân chính, trực tiếp làm mất số tiền là do bà Chúc.

Còn về phía ngân hàng, Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc có một phần lỗi là đã không giải thích kỹ các quy định của ngân hàng, cũng không cảnh báo trước thủ đoạn mới của kẻ gian.

Do vậy, bà Chúc không tự nhận thức được hành vi của mình là tiết lộ yếu tố định dạng, định danh hoặc yếu tố bảo mật để kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt 11,9 tỷ đồng trong tài khoản.

Hay như vụ 27 khách hàng bị mất hơn 400 tỷ đồng sau khi gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng OceanBank chi nhánh Hải Phòng, sau khi xét xử, tòa án đã tuyên buộc ngân hàng phải có trách nhiệm chi trả toàn bộ tiền gốc, tiền lãi cho 27 khách hàng đã bị các đối tượng là cán bộ nhân, viên ngân hàng chiếm đoạt.

Luật sư nhận định về vụ khách hàng mất 85 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB

Quay lại vụ việc xảy ra tại Ngân hàng MSB, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định pháp luật, khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, đây là một dạng hợp đồng gửi giữ tài sản. Thông qua giao dịch gửi tiền, giữa khách hàng và ngân hàng đã xác lập một hợp đồng gửi giữ tài sản.

Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, bà Lân, bà O. đã mở tài khoản hợp lệ trên hệ thống của Ngân hàng MSB, sau đó chuyển tiền vào hệ thống. Sao kê cũng thể hiện, khi khách hàng gửi tiền, rút tiền, hệ thống của Ngân hàng MSB đã tự động cập nhật.

Vì vậy, việc mở tài khoản giữa khách hàng và Ngân hàng MSB đã phát sinh quan hệ dân sự giữa bên gửi tiền là khách hàng, bên nhận tiền và quản lý tiền là ngân hàng.

Lúc này, tính chất quan hệ dân sự đã được xác định rõ nên trường hợp các khách hàng chứng minh được họ đã mở tài khoản hợp pháp và nộp tiền vào Ngân hàng MSB thì khách hàng là người liên quan trong vụ án và ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả lại tiền cho khách.

Còn việc cán bộ ngân hàng dùng thủ đoạn gian dối để rút tiền của khách, lúc này Ngân hàng MSB là bị hại của người này. Người thực hiện hành vi phải có nghĩa vụ bồi hoàn cho Ngân hàng MSB và ngân hàng có trách nhiệm trả lại số tiền đó cho khách hàng.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem