Trưởng đoàn TTVN dự SEA Games 32 Đặng Hà Việt: "Phải cân não khi rà soát VĐV"

Song Minh Thứ tư, ngày 19/04/2023 12:10 PM (GMT+7)
Trao đổi với báo chí xung quanh quá trình chuẩn bị lực lượng, chốt danh sách VĐV dự SEA Games 32, ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và là Trưởng đoàn TTVN dự SEA Games 32 nhấn mạnh đây là một quá trình cân não.
Bình luận 0

"Làm Trưởng đoàn SEA Games 32 là vinh dự nhưng trách nhiệm lớn, nặng nề"

Trao đổi với báo chí trong cuộc gặp gỡ chiều 18/4, ông Đặng Hà Việt - Trưởng đoàn TTVN dự SEA Games 32 nói: "Đây là lần đầu tiên tôi làm Trưởng đoàn TTVN dự một Đại hội thể thao. Về góc độ cảm xúc, tôi cảm thấy rất vinh dự khi được Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTTDL giao nhiệm vụ; nhưng trách nhiệm thực sự rất lớn, nặng nề.

Để vận hành một đoàn có 1.003 thành viên - con số lớn nhất đi nước ngoài từ trước tới nay, yêu cầu rất nhiều vấn đề, từ công tác chuẩn bị lực lượng thi đấu, rồi các khâu hậu cần, di chuyển, sinh hoạt, điều trị chấn thương cho VĐV tại Campuchia...

Ngay lúc này vẫn còn nhiều biến số khi nước bạn thay đổi Lễ thượng cờ vào sáng 3/5. Nghĩa là thành phần đoàn đi cũng phải thay đổi, có thể chúng tôi sẽ phân công 1 phó đoàn cùng một số thành viên sang trước ngày 2/5 để dự Lễ thượng cờ. Hiện tại, chúng tôi cũng chưa xác định người cầm cờ cho đoàn TTVN tại Lễ khai mạc. Lịch thi đấu các môn cũng liên tục thay đổi.

Chiều 20/4, chúng tôi sẽ họp cán bộ đoàn để rà soát lại mọi vấn đề chuyên môn, hậu cần... sao cho đoàn TTVN đạt thành tích tốt nhất tại SEA Games 32".

Theo dòng chia sẻ, Trưởng đoàn Đặng Hà Việt chia sẻ việc chuẩn bị lực lượng, chốt danh sách VĐV là một quá trình liên tục mà Tổng cục TDTT, các bộ môn phải "trao đi đổi lại" liên tục với các Trung Tâm HLTTQG để nắm rõ tình hình; đồng thời tìm hiểu lực lượng của các đối thủ trong khu vực để có tính toán phù hợp nhất.

Trưởng đoàn TTVN dự SEA Games 32  Đặng Hà Việt: "Phải cân não khi rà soát VĐV" - Ảnh 2.

Ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT bày tỏ cảm xúc vinh dự khi làm Trưởng đoàn TTVN dự SEA Games 32, nhưng trách nhiệm cũng rất lớn, nặng nề. Ảnh: Bùi Lượng

"Quá trình rà soát, chốt VĐV dự SEA Games 32 đương nhiên ảnh hưởng nhiều tới tâm lý VĐV. Điều quan trọng là bản thân mỗi VĐV chuyên nghiệp đều phải xác định và chuần bị tinh thần. Ban huấn luyện cũng phải làm tâm lý tốt cho các VĐV yên tâm tâm luyện, tất cả đều vì màu cờ sắc áo, vì vinh quang của Tổ quốc.

Về số lượng đăng ký ban đầu có thể lên tới hàng nghìn VĐV, nhưng sau khi nước bạn ban hành Điều lệ thi đấu, phần lớn các môn võ chỉ được đăng ký tối đa 70% nội dung nên chúng ta cũng phải rút gọn lại danh sách. Bên cạnh đó, để có thành tích tốt nhất, cũng phải liên hệ các kênh thông tin nước ngoài để đăng ký VĐV thi đấu hạng cận nào cho hiệu quả nhất.

Tôi ví dụ, chủ nhà Campuchia được đăng ký 100% các nội dung võ. Nhưng nếu họ không có những thông tin cần thiết về đối thủ, ở 5 hạng cân thì đều có 5 VĐV hàng đầu Đông Nam Á tham dự thì Campuchia cũng khó giành HCV.

Về phía TTVN, ví dụ chúng ta có 3 VĐV giỏi, bạn chỉ có 2, nhưng 2 VĐV của họ giỏi hơn VĐV của ta. Vậy thì phải tính toán làm sao, đăng ký vào hạng cân nào để "tránh" nhau, có thể giành tối đa HCV cũng là một bài toán cân não đối với các nước", ông Đặng Hà Việt bày tỏ.

Trưởng đoàn TTVN dự SEA Games 32  Đặng Hà Việt: "Phải cân não khi rà soát VĐV" - Ảnh 3.

ĐT vật Việt Nam được coi là một trong những "mỏ vàng" của TTVN tại SEA Games 32. Ảnh: Phạm Hưng

Chốt lại, Trưởng đoàn TTVN dự SEA Games 32 nhấn mạnh: "Rà soát lực lượng VĐV có rất nhiều tình huống xảy ra. Thứ 1 là căn cứ điều lệ của BTC nước chủ nhà. Thứ 2 là góc độ VĐV về tuổi tác, tâm lý, gia đình... Có những VĐV không thể tập trung tối đa cho tập luyện, thi đấu.

Cũng có những VĐV chấn thương đang trong quá trình hồi phục, phải có thông tin từ bác sĩ. Nếu VĐV chưa trải qua kỳ kiểm tra chính thức nào trong quá trình hồi phục thì không ai dám quyết định. Tôi không dám quyết, kinh nghiệm lâu năm như anh Trần Đức Phấn (Trưởng đoàn TTVN nhiều kỳ Đại hội SEA Games, ASIAD, Olympic từ năm 2016 tới nay - PV) cũng không dám. 

Bởi quyết định đưa ra, thành tích chỉ là một chuyện. Nếu chấn thương không kịp hồi phục mà VĐV phải nỗ lực tập luyện, thi đấu, ảnh hưởng tới sự nghiệp cả đời VĐV đó. Cho nên có thể dừng lại một chút, nỗ lực vào các năm tiếp theo".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem