TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 4): Khi chúng ta thua… chính mình

Nguyễn Anh - Yên Phong Thứ năm, ngày 05/08/2021 19:10 PM (GMT+7)
Thể thao Việt Nam "trắng tay" rời khỏi Olympic Tokyo với bảng thành tích gây thất vọng nhất, tính từ năm 2004. Không chỉ vậy, vì những lý do khác nhau mà đa phần các VĐV đều để thua chính họ.
Bình luận 0

Cuộc giã từ Olympic 2020 trong cay đắng

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 với 18 vận động viên, trong đó hy vọng huy chương được đặt vào cử tạ, bắn súng, hai môn thi góp tới 85% số huy chương trong lịch sử.

Tuy vậy, may mắn đã không mỉm cười với các vận động viên khi họ đều phải ra về tay trắng. Không chỉ vậy, những gương mặt được kì vọng nhất đều không phá được kỉ lục của chính mình. Thậm chí, có người thua xa ngay chính thành tích mà họ đã đạt được trước đó.

Trong số những nội dung đặt chỉ tiêu có huy chương ở thế vận hội lần này, đáng tiếc nhất có lẽ là trường hợp của vận động viên Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên ở môn cử tạ. Cả hai võ sĩ này đều được giới chuyên môn quốc tế đánh giá rất cao. Thậm chí, hãng tin AP còn khẳng định đoàn Việt Nam chắc chắn sẽ có ít nhất 1 huy chương cử tạ từ Thạch Kim Tuấn.

Hành trình đầy thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo: Khi chúng ta thua ngay… chính mình - Ảnh 1.

Thạch Kim Tuấn không thể giành vinh quanh như kỳ vọng. (Ảnh: AFP)

Tuy vậy, ở nội dung thi đấu hạng 61kg nam, Thạch Kim Tuấn kết thúc nội dung cử giật với thành tích đáng quên là 126kg, chỉ đứng 8/9 VĐV nhóm A. Điều đáng nói ở đây là chỉ cần thi đấu đúng với phong độ, Thạch Kim Tuấn hoàn toàn có kết thúc phần thi đạt tổng cử 300kg, thành tích sẽ giúp anh có cơ hội lớn nằm trong nhóm có thể giành huy chương. Còn nhớ tại sân chơi Đông Nam Á, Thạch Kim Tuấn từng đạt tổng cử đến 304kg tại SEA Games 2019. Nhưng ở sân chơi Olympic, anh đã không thể chiến thắng chính mình.

Trong khi đó, dù được đánh giá cao chỉ sau Kuo Hsing-chun, Hoàng Thị Duyên chỉ giành thành tích tổng cử 208 kg, xếp sau tới 4 vận động viên khác. Vị trí thứ 5 của Hoàng Thị Duyên ở hạng 59 kg nữ thực tế chính là thành tích cá nhân tốt nhất của thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo, trong một mùa giải hoàn toàn vắng bóng huy chương.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng thất bại ở nội dung 10m súng ngắn dù anh đang nắm giữ huy chương vàng ở nội dung này tại Olympic Rio 2016. Ở phần thi của mình, anh chỉ đạt 573 điểm sau 60 viên đạn, đứng thứ 22/36, kém 5 điểm so với chỉ tiêu giành vé đến chung kết.

Hành trình đầy thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo: Khi chúng ta thua ngay… chính mình - Ảnh 2.

Kết quả của Ánh Viên tại Olympic Tokyo khiến nhiều người tiếc nuối. (Ảnh: CAP)

Sau Hoàng Xuân Vinh và Thạch Kim Tuấn, VĐV bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên – " kình ngư" của thể thao Việt Nam cũng gục ngã trên đấu trường quốc tế. Ánh Viên đã chia tay Olympic Tokyo 2020 sau khi thất bại ở 2 nội dung 200m và 800m tự do nữ. Trong cả hai lần thi, cô đều về đích cuối cùng, thành tích thậm chí còn kém xa so với những gì VĐV này làm được ở những giải đấu trong nước.

Đây là lần thứ 2, Ánh Viên thất bại ở một kỳ Olympic. Tại giải đấu 5 năm trước ở Brazil, thời điểm mà Ánh Viên đang có phong độ cực cao và nhận được nhiều kỳ vọng nhất, cô cũng không thể vượt qua vòng loại.

Tại Thế vận hội gần nhất ở Rio de Janeiro 2016, đoàn Thể thao Việt Nam đã giành 2 huy chương (1 vàng 1 bạc). Tại Olympic London 2012, đoàn Thể thao Việt Nam giành 1 huy chương đồng, còn ở Bắc Kinh năm 2008, Việt Nam có một huy chương bạc. Lần gần nhất, Việt Nam không có một tấm huy chương nào là tại Thế vận hội Athens 2004.

Võ sĩ boxing Nguyễn Thị Tâm cũng thua cựu á quân châu Âu Stoyka Krasteva (Bulgaria) từ vòng 32. Trong khi đó, võ sĩ taekwondo Trương Thị Kim Tuyền thắng trận đầu tiên tại vòng 1/16 và thất bại ở vòng tứ kết lẫn tại vòng đấu vớt để tìm kiếm vé dự trận tranh huy chương đồng.

Hai VĐV thể dục dụng cụ là Lê Thanh Tùng và Đinh Phương Thành đều đạt điểm không cao do gặp chấn thương trước đó. Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung), Lường Thị Thảo - Đinh Thị Hảo (rowing), Nguyễn Huy Hoàng (bơi) cũng lần lượt rời đấu trường Tokyo với những thông số thành tích kém xa khi thi đấu quốc nội hoặc đấu trường khu vực.

Hành trình đầy thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo: Khi chúng ta thua ngay… chính mình - Ảnh 4.

Nguyễn Thùy Linh là điểm sáng hiếm hoi của đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo lần này. (Ảnh: AFP)

Nguyễn Huy Hoàng tranh tài ở 2 nội dung bơi là 800m và 1500m. Dù rất nỗ lực nhưng Huy Hoàng cũng không thể làm nên kỳ tích cho bơi lội nước nhà.

Ở vòng loại nội dung bơi 800m, Huy Hoàng đạt thành tích 7 phút 54 giây 16 và xếp thứ 20 chung cuộc. Còn ở nội dung 1500m nam, anh đạt thành tích 15 phút 00 giây 24, xếp thứ 12 chung cuộc. Thành tích của Huy Hoàng đều đứng số 1 châu Á ở cả hai nội dung.

Chia sẻ trên trang cá nhân, VĐV bơi lội 21 tuổi chia sẻ những khó khăn khi phải đối đầu với những đối thủ tới từ Mỹ, Australia hay châu Âu: "Olympic Tokyo 2020 dạy Hoàng nhiều điều Lần đầu tiên Hoàng được thi đấu và tranh tài cùng với những kình ngư hàng đầu thế giới. Họ cao lớn lắm làm Hoàng lọt thỏm luôn. Nhảy xuống bể rồi, Hoàng cứ phải cố bám theo họ, để thu hẹp khoảng cách. Hoàng đã học hỏi được nhiều điều từ họ: sự chuyên nghiệp, tinh thần đồng đội, đồng lòng hướng tới mục tiêu chung. Những điều này không chỉ giúp được cho Hoàng bây giờ mà sau này. Hoàng mong rằng kỳ sau nếu được đến Olympic, Hoàng sẽ tự tin và thi đấu tốt hơn. Sau cùng, Hoàng xin được gửi cảm ơn chân thành đến Ban Lãnh Đạo, các Thầy Cô HLV cùng với tất cả mọi người luôn ủng hộ động viên và theo dõi Hoàng ở kỳ Olympic".

Những điểm sáng hiếm hoi của đoàn Việt Nam ở Olympic lần này là Nguyễn Thùy Linh ở môn cầu lông, cô đã có những trận đấu đầy cảm xúc và chỉ chịu dừng bước trước tay vợt số 1 thế giới. Dẫu không thể giành chiến thắng tại Tokyo, vận động viên kì cựu Nguyễn Tiến Minh vẫn được truyền thông quốc tế ca ngợi bởi hình ảnh một tay vợt 38 tuổi cháy hết mình với bầu nhiệt huyết và lòng quả cảm. VĐV điền kinh Quách Thị Loan cũng vượt qua nhiều hạt giống của Mỹ, Jamaica…để đi đến vòng bán kết nội dung 400m vượt rào nữ, với thành tích 55 giây 71.

Những người trong cuộc nói gì về thất bại?

Chia sẻ với PV Dân Việt, VĐV Hoàng Thị Duyên cho biết cô vô cùng tiếc nuối: "Đó là thành tích rất kém so với những gì tôi đã đạt được. Tôi và đồng đội hoàn toàn không bị áp lực về mặt tâm lý, nhưng có chịu những ảnh hưởng của việc bị cách ly tập trung 42 ngày. Với một bộ môn cần nhiều sức mạnh như cử tạ, chúng tôi phải luyện tập thường xuyên và không được đứt quãng, đặc biệt trong thời gian chuẩn bị tiến vào giải đấu. Thời gian cách ly, tôi không những không được tập mà còn luôn lo lắng việc mình có bị nhiễm covid-19 không, liệu có bị cách ly tiếp không?".

Hành trình đầy thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo: Khi chúng ta thua ngay… chính mình - Ảnh 5.

Hoàng Thị Duyên bày tỏ niềm tiếc nuối sau Olympic. (Ảnh: AP)

Hoàng Thị Duyên cũng nhìn nhận đối thủ của cô đã có tiến bộ hơn so với những giải đấu trước đó. Nhưng "cô gái vàng" của cử tạ Việt Nam cũng thẳng thắn khẳng định: "Nguyên nhân không phải do đối thủ mạnh hơn, mà do phong độ của tôi bị yếu đi".

Trong khi đó, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cho biết anh bị căng cứng tâm lý ở loạt bắn thứ tư: "Tôi rất tiếc bởi dù đã nỗ lực hết sức nhưng kết quả không được như mong muốn. Các đối thủ tại Olympic Tokyo 2020 đều rất mạnh. Tôi cũng đã học hỏi được nhiều điều từ đấu trường lớn nhất thế giới".

Thất bại của "huyền thoại bắn súng Việt Nam" được giới chuyên môn đánh giá là điều không khó giải thích. Ở tuổi 46, đối với một vận động viên, sự sa sút phong độ là hoàn toàn có thể dự đoán trước. Hoàng Xuân Vinh đã không còn giữ được thể lực để thi đấu nhiều giờ đồng hồ với một sự tập trung cao độ. Thực tế cho thấy, việc Hoàng Xuân Vinh đến giải đấu lần này là bởi được mời đặc cách vì tấm huy chương vàng ở thế vận hội trước đó. Anh không có được sự chuẩn bị đủ kỹ đến bước vào sân chơi Olympic, vì vậy việc không đạt được những kỳ vọng đặt ra cũng điều nên được thông cảm.

Nguyễn Văn Đương đã trải nghiệm 2 trận đánh trên đất Nhật Bản mùa hè này. Anh vượt qua đối thủ người Azerbaijan, Tayfur Aliyev, ở vòng 1/16 trước khi bị đánh bại bởi nhà vô địch ASIAD Erdenebat Tsendbaatar.

Sau trận đấu đó, Nguyễn Văn Đương thừa nhận đối thủ quá mạnh. Tuy nhiên, thất bại này không khiến anh nản chí. Nguyễn Văn Đương nói: "Tôi sẽ nghiêm túc tập luyện, khắc phục những thiếu sót, nỗ lực hơn để trở lại Olympic và tiến xa hơn".

Đây mới chỉ là kỳ Thế vận hội đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu của Nguyễn Văn Đương. Ở tuổi 24, anh hoàn toàn có đủ thời gian cũng như khả năng thực hiện mục tiêu của mình ở ngày hội thể thao lớn nhất thế giới trong tương lai.

Trong khi đó, dù là VĐV số 1 ở đấu trường Đông Nam Á trong nhiều năm liền nhưng mỗi lần bước ra biển lớn, Nguyễn Thị Ánh Viên thường đánh mất thành tích vốn có. Giới phân tích cho rằng, Ánh Viên luôn không đạt được điểm rơi phong độ ở những giải đấu lớn, do phải dàn trải thi đấu quá nhiều ở giải đấu trong khu vực. Tâm lý thi đấu cũng luôn là điểm yếu đối với Ánh Viên. Theo một số thông tin, có những thời điểm cô còn rơi vào trạng thái trầm cảm khi đối mặt với những quá nhiều áp lực từ nhiều phía.

Vẫn còn nguyên vẹn nỗi buồn sau Olympic Tokyo, nữ VĐV Taekwondo Trương Thị Kim Tuyền từ chối khi PV Dân Việt ngỏ ý phỏng vấn. Cô cho biết mình cần thời gian để bình tĩnh trở lại. Trước đó, ngay trước khi về Việt Nam, cô chia sẻ với truyền thông: "Các đối thủ của tôi đều có thành tích nhất định tại đấu trường quốc tế, họ cũng đều là những tài năng nổi trội của các quốc gia. Được tham dự giải đấu tầm cỡ lớn như thế này đã giúp tôi có thêm kinh nghiệm cũng như kĩ thuật mới trong thi đấu đỉnh cao. Tôi cùng đồng đội sẽ nỗ lực và cố gắng hơn trong thời gian sắp tới".  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem