Từ 15/4, đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc bị phạt đến 30 triệu

Bảo Linh Thứ ba, ngày 14/04/2020 09:16 AM (GMT+7)
Từ ngày 15/4, hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng.
Bình luận 0

Theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, nếu vi phạm một trong các hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Đăng, phát, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia.

Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm.

Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác.

img

Từ 15/4, đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống bị phạt đến 30 triệu. Ảnh minh họa.I.T

Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.

Ngoài bị phạt tiền, hành vi vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Đồng thời buộc phải khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm. Buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm quy.

Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4.

Trao đổi với Dân Việt về quy định này, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: Hiện nay, hành vi vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp đang bị áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 74 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ.

Nghị định 174/2013/NĐ-CP sẽ bị thay thế bởi Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2020.

Về chế tài xử phạt của Nghị định 15/2020/NĐ-CP đối với các hành vi vi phạm trên vẫn giữ nguyên giống như Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Nghĩa là mức phạt 20 triệu đồng - 30 triệu đồng với tổ chức, 10 triệu đồng - 15 triệu đồng đối với cá nhân.

“Mức xử phạt vi phạm hành chính như vậy là phù hợp. Với những hành vi vi phạm có tính chất, mức độ, hậu quả nghiêm trọng hơn chúng ta đã có chế tài hình sự để xử lý” – luật sư nêu quan điểm.

Ví dụ, trường hợp người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự với mức phạt tiền lên đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 3 năm.

Về trách nhiệm dân sự, nếu thực hiện hành vi vi vi phạm pháp luật mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

“Trên hết, chế tài xử phạt chỉ là cách thức giải quyết phần ngọn của vấn đề. Để giải quyết được gốc rễ, giảm thiểu hành vi vi phạm chúng ta cần tập trung làm tốt công tác phòng ngừa hành vi vi phạm” – luật sư chia sẻ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem