Từ 5/8, CSGT không được trưng dụng phương tiện của người dân

01/08/2020 06:48 GMT+7
Từ ngày 05/8, trong hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông, Cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ không 'trưng dụng' mà chuyển sang 'huy động' phương tiện của người dân.
Từ 5/8, CSGT không được trưng dụng phương tiện của người dân - Ảnh 1.

Từ 5/8, CSGT không được trưng dụng phương tiện của người dân

Theo quy định tại Thông tư 01/2016/TT-BCA thì CSGT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ có quyền trưng dụng các loại phương tiện giao thông của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện đó theo quy định của pháp luật.

Việc trưng dụng phương tiện được thực hiện theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008. Theo đó, việc trưng dụng phương tiện chỉ được thực hiện khi trong các trường hợp sau đây:

- Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp;

- Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia;

- Khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về an ninh quốc gia;

- Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.

Việc trưng dụng phương tiện giao thông phải được người có thẩm quyền quyết định trưng dụng được quy định tại Điều 24 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 quyết định. Đồng nghĩa, CSGT muốn trưng dụng phương tiện của người dân phải được người có thẩm quyền quyết định trưng dụng chấp thuận.

Tuy nhiên, với quy định mới tại Thông tư 65/2020/TT-BCA (thay thế Thông tư 01/2016/TT-BCA) thì từ ngày 05/8, trong hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông, CSGT sẽ không 'trưng dụng' mà chuyển sang 'huy động' phương tiện của người dân.

Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản và không cần có sự chấp thuận của người có thẩm quyền như hiện nay.

Trường hợp việc trong quá trình CSGt huy động phương tiện dẫn đến gây thiệt hại, hư hỏng phương tiện được huy động, thì người dân có quyền yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

Theo Cục CSGT, trưng dụng và huy động có hình thức giống nhau nhưng khác nhau về trình tự, thẩm quyền. Huy động mang tính tự nguyện, không thể bắt buộc. Người có tài sản huy động có thể từ chối, tuy nhiên cũng có thể bị chế tài.

Trưng dụng thì quy định chặt chẽ hơn, theo quyết định của bộ trưởng hoặc chủ tịch UBND cấp tỉnh. Lúc này người có tài sản trưng dụng phải chấp hành, nếu không sẽ bị cưỡng chế và bị phạt hành chính hoặc hình sự. Cả hai có điểm chung là nếu sử dụng tài sản gây thiệt hại thì Nhà nước sẽ bồi thường.

Theo điều 330 Bộ Luật hình sự 2015, trong trường hợp cảnh sát có quyết định huy động phương tiện đúng quy định mà chủ tài sản dùng vũ lực, đe dọa hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự.

A.Vũ
Cùng chuyên mục