Từ hôm nay (10/3), nhờ người thi hộ bị phạt 14-16 triệu đồng

Thứ tư, ngày 10/03/2021 07:23 AM (GMT+7)
Từ ngày 10/3, thí sinh nhờ người làm bài hộ hoặc thi thay ở các kỳ thi sẽ bị phạt 14-16 triệu đồng, cao hơn mức phạt cũ 6-9 triệu đồng.
Bình luận 0

Từ ngày 10/3, thí sinh nhờ người làm bài hộ hoặc thi thay ở các kỳ thi sẽ bị phạt 14-16 triệu đồng, cao hơn mức phạt cũ 6-9 triệu đồng.

Nghị định số 04/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, có hiệu lực từ 10/3, quy định rõ các mức phạt tiền với người vi phạm quy định về thi. Số tiền phạt từ 1 đến 16 triệu đồng tùy hành vi vi phạm.

Chẳng hạn, người đi vào khu vực thi, chấm thi khi không được phép, mang tài liệu, thông tin vật dụng không được phép vào phòng thi hay khu vực chấm thi sẽ bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng. Cán bộ coi thi làm bài hộ hoặc trợ giúp thí sinh làm bài bị phạt 2-6 triệu đồng.

Trường hợp viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi, điểm thi trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt 6-8 triệu đồng, còn nếu đánh tráo bài thi thì bị phạt 8-12 triệu đồng.

Những người gây rối hoặc đe dọa bằng vũ lực ngăn cản người dự thi và người tổ chức thi, thanh tra, giám thị, cán bộ chấm, phục vụ thi phải đóng phạt 6-8 triệu đồng. Người thông tin sai sự thật về kỳ thi bị phạt 8-12 triệu đồng.

Với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ thì bị phạt 14-16 triệu đồng.

Như vậy, Nghị định 04 đã chia các mức phạt chi tiết hơn so với Nghị định 79/2015. Ở nghị định cũ, tất cả hành vi như thi thay hoặc thi kèm, chuyển tài liệu, thông tin trái phép vào phòng thi, viết thêm hoặc sửa bài thi, sửa điểm không đúng quy định đều áp dụng chung một mức tiền phạt là 5-10 triệu đồng.

Riêng với hành vi làm mất bài kiểm tra, bài thi, quy định cũ là phạt 15-20 triệu đồng, cao hơn mức 13-15 triệu đồng ở nghị định mới.

Cũng liên quan đến thi, tuyển sinh, trường đại học phải công bố đề án tuyển sinh đầy đủ, đúng thời gian quy định, nếu không sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng. Trường hợp tuyển sinh không đúng với ngành, trường học bị phạt tối đa 60 triệu đồng.

Nếu vi phạm về đối tượng tuyển sinh, mức phạt nhẹ nhất là một triệu đồng, áp dụng với trường THPT khi tuyển sinh sai dưới 10 học sinh. Với trường đại học, khi tuyển sinh sai 30 sinh viên trình độ cử nhân, 10 học viên, nghiên cứu sinh bậc thạc sĩ và tiến sĩ trở lên, mức phạt là 70-100 triệu đồng và đình chỉ hoạt động tuyển sinh 6-12 tháng. Đây là mức cao nhất trong Nghị định 04 này.

Về chỉ tiêu tuyển sinh, nếu tuyển vượt 10-20% chỉ tiêu cho phép, trường THPT bị phạt 1-20 triệu đồng; cao đẳng, trung cấp 2-40 triệu; đại học 5-70, thạc sĩ và tiến sĩ 10-80 triệu đồng.

Nghị định 79/2015 chưa đề cập đến mức phạt nếu tuyển vượt chỉ tiêu, chỉ quy định mức phạt nếu sai đối tượng, sai quy chế tuyển sinh cao nhất là 30 triệu đồng.

So với nghị định cũ năm 2015, văn bản mới cũng có thêm quy định về hành vi vi phạm trong hoạt động tư vấn du học. Theo đó, các trường học, tổ chức có thể bị phạt 10-20 triệu đồng nếu không công khai thông tin liên quan đến cơ sở giáo dục nước ngoài và các chương trình giáo dục cho người có nhu cầu du học. Mức trên cũng được áp dụng với những tổ chức, cá nhân công khai không đúng sự thật về tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Trường hợp cho thuê, cho mượn giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng. Ở mức độ cao hơn, nếu tư vấn đưa người đi du học ở các trường nước ngoài thực hiện chương trình giáo dục đại học, thạc sĩ, tiến sĩ chưa được kiểm định hoặc công nhận, các tổ chức, cá nhân có thể bị phạt 30-50 triệu đồng.

Tất cả tổ chức tư vấn du học phải ký hợp đồng với người có nhu cầu du học hoặc người giám hộ hợp pháp, có đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ đối với người học. Nếu không, các tổ chức cũng bị phạt 30-50 triệu đồng.

Trong thời gian bị đình chỉ dịch vụ tư vấn du học, nhưng vẫn kinh doanh dịch vụ này thì các tổ chức phải chịu phạt 40-50 triệu đồng.

Về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, nếu không đảm bảo tất cả điều kiện để thực hiện liên kết, các tổ chức sẽ bị phạt 30-50 triệu đồng. Trường hợp cấp chứng chỉ khi chưa có quyết định phê duyệt thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài sẽ bị phạt 80-100 triệu đồng. Ngoài ra, các tổ chức này còn bị đình chỉ hoạt động liên kết 6-12 tháng, tịch thu số tiền thu được do có hành vi vi phạm để sung vào ngân sách nhà nước.

Nghị định 04/2021 cũng quy định rất rõ các mức phạt hành chính đối với vi phạm quy định về thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể, chuyển đổi loại hình các cơ sở giáo dục (từ 5 đến 100 triệu đồng tùy hành vi).

Các trường hợp vi phạm nội dung chương trình, đào tạo liên thông, liên kết bị phạt từ 1 đến 60 triệu đồng. Trong đó, hành vi liên kết đào tạo khi chưa có văn bản cho phép hoặc tự chủ liên kết đào tạo khi chưa bảo đảm điều kiện theo quy định bị phạt cao nhất 60 triệu đồng.

Các vi phạm liên quan đến việc cấp văn bằng, quy định đối với nhà giáo, người học, cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính và điều kiện đảm bảo chất lượng cũng được quy định rõ.

*Tiêu đề do Dân Việt đặt lại

Dương Tâm (vnexpress.net)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem