Từ ngày 25/3, Mỹ sẽ làm điều này với một sản phẩm thế mạnh của Nga, cơ hội cho thủy sản Việt Nam ở Mỹ?

K.Nguyên Thứ năm, ngày 17/03/2022 13:32 PM (GMT+7)
Theo Undercurrent News, từ ngày 25/3, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu thủy sản của Nga sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra. Điều này sẽ khiến Nga mất đi 1 tỷ USD doanh thu xuất khẩu. Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ sẽ tìm nguồn khác để thay thế, trong đó có thủy sản Việt Nam.
Bình luận 0

 Sau chiến sự Nga - Ukraine, Mỹ thông báo cấm nhập khẩu thủy sản và loại bỏ quy chế Tối huệ quốc với Nga 

Thông tin từ Undercurrent News, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành các hướng dẫn về việc thực thi lệnh hành pháp mới của Tổng thống Joe Biden, về việc cấm nhập khẩu tất cả các mặt hàng thủy sản, đồ uống có cồn, và kim cương phi công nghiệp của Nga sau chiến sự Nga - Ukraine, bắt đầu từ ngày 25/3/2022.

Theo Undercurrent News, lệnh cấm của Nhà Trắng đối với thủy sản và các hàng hóa khác của Nga, cùng với thông báo rằng tổng thống Biden sẽ tìm cách tước bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga như một phần của thỏa thuận với các nước G7 và Châu Âu, đã gây sốc cho ngành thủy sản.

Trước đó, hôm 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo rằng ông sẽ kí sắc lệnh cấm nhập khẩu hải sản của Nga và xóa bỏ đãi ngộ Tối huệ quốc (MFN) đối với Nga.

Từ ngày 25/3, Mỹ sẽ làm điều này với một sản phẩm thế mạnh của Nga, thủy sản Việt Nam có lợi thế ở Mỹ? - Ảnh 1.

Xuất khẩu thủy sản của Nga sang Mỹ năm 2021 gồm 80 mặt hàng, chủ yếu là cua tuyết đông lạnh, cua huỳnh đế đông lạnh... Tuy nhiên, sau chiến sự Nga - Ukraine, Mỹ tạm ngừng nhập khẩu thủy sản của Nga. Nguồn: VASEP.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), Nga là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 8 sang Mỹ trong năm 2021 với 48.867 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD, tăng 12% về khối lượng và 34% về giá trị so với năm 2020. Đứng trên Nga là Canada, Ấn Độ, Chile, Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc và Ecuador.

Xuất khẩu thủy sản của Nga sang Mỹ năm 2021 gồm 80 mặt hàng, chủ yếu là cua tuyết đông lạnh với 18.199 tấn, trị giá 509,2 triệu USD và cua huỳnh đế đông lạnh với 8.486 tấn, trị giá 419,7 triệu USD.

Trong thông cáo sau buổi họp báo, Nhà Trắng tuyên bố họ sẽ đưa ra ít nhất 7 lệnh trừng phạt đối với Nga. Trong đó có lệnh cấm nhập khẩu một số mặt hàng của Nga vào Mỹ như thủy sản, rượu mạnh, và kim cương. Điều này sẽ khiến Nga mất đi 1 tỷ USD doanh thu xuất khẩu. 

Mỹ ngừng nhập thủy sản Nga sau chiến sự Nga - Ukraine, cơ hội cho thủy sản Việt Nam ở thị trường Mỹ, xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục chưa từng có

Nhiều ý kiến cho rằng, chiến sự Nga - Ukraine có thể khiến việc xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là cá tra) sang Nga gặp khó khăn nhưng cũng là cơ hội để thủy sản Việt Nam tăng tốc mở rộng thị trường, nhất là khi Mỹ, EU áp dụng các biện pháp trừng phạt lên Nga.

Thực tế, trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản, cá tra sang Mỹ, EU rất khả quan, đã đẩy giá cá tra tăng cao nhất kể từ năm 2018 đến nay.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 637,8 triệu USD, tăng 62,5% so với tháng 2/2021, đạt mức cao kỷ lục trong tháng 2 các năm.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,51 tỷ USD tăng 50,5% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đạt 146,3 triệu USD trong tháng 2/2022, tăng 84,3% so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 346,08 triệu USD, tăng 82,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Từ ngày 25/3, Mỹ sẽ làm điều này với một sản phẩm thế mạnh của Nga, thủy sản Việt Nam có lợi thế ở Mỹ? - Ảnh 2.

Mỹ đang đứng vị trí số 1 trong top các thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Sau chiến sự Nga - Ukraine, Mỹ ngừng nhập thủy sản của Nga, đây có thể là cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu thủy sản sang Mỹ. Nguồn: VASEP.

Theo bà Tạ Hà, chuyên gia cá tra của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tháng 1/2022, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng mạnh tới 92,5% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 52,6 triệu USD. 

Với kết quả này, tháng đầu năm nay, Mỹ đứng vị trí số 1 trong top các thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm cá tra phile đông lạnh, cá tra cắt đông lạnh, cá tra cắt tẩm bột đông lạnh, da cá tra chiên giòn, da cá tra trứng muối, khô cá tra sang thị trường Mỹ.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cũng đánh giá, xuất khẩu thủy sản, trong đó có cá tra của Việt Nam đang rất triển vọng trong năm 2022, giá cá tra tăng, các doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất để đáp ứng các đơn hàng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem