Từ sale sốc đến tiêu hủy hàng tồn, ngành thời trang bán lẻ Mỹ điêu đứng

23/04/2020 05:30 GMT+7
Nhiều hãng thời trang bán lẻ Mỹ đang loay hoay tìm đầu ra cho số hàng tồn trị giá hàng chục tỷ USD do doanh số giảm mạnh bởi hệ lụy đại dịch Covid-19.
Từ sale sốc đến tiêu hủy hàng tồn, ngành thời trang bán lẻ Mỹ điêu đứng - Ảnh 1.

Nhiều nhãn hàng thời trang quyết định sale sốc để cứu vãn doanh thu chạm đáy vì đại dịch

Đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ buộc các thương hiệu thời trang bán lẻ đóng cửa cửa hàng vô thời hạn, dẫn đến tình trạng ứ đọng lượng hàng tồn có giá trị lên đến hàng chục tỷ USD. Các hãng thời trang bán lẻ hiện đang đặt mọi niềm hi vọng vào doanh số bán hàng trực tuyến qua các trang web, nhưng nhu cầu các sản phẩm may mặc của người tiêu dùng sụt giảm ở thời điểm kinh tế tiến gần suy thoái cũng là thách thức lớn mà ngành thời trang bán lẻ Mỹ đang phải đối mặt.

Hãng thời trang giá rẻ là T.J.Maxx vốn từ thương hiệu được yêu thích tại Mỹ đã buộc phải đóng cửa toàn bộ cửa hàng của mình trên khắp đất nước khi Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. 

Theo giám đốc điều hành Manny Chirico của tập đoàn PVH, tập đoàn sở hữu thương hiệu Calvin Klein và Tommy Hilfiger cho rằng sản phẩm may mặc không có giá trị về lâu dài do xu hướng thay đổi liên tục. Do đó, tình trạng tồn kho có thể dẫn đến sự sụp đổ của nhiều nhãn hàng. 

Nhiều công ty có kế hoạch giữ lại hàng hóa để bán trong năm sau, nhưng đây là quy trình tốn kém và không có hiệu quả với các sản phẩm thời trang thay đổi theo xu hướng từng mùa. Nhiều công ty khác lựa chọn giải pháp bán tống bán tháo, giảm giá sốc để kích thích nhu cầu. Saks Fifth Avenue vừa chạy chương trình khuyến mãi lên đến 70% các mẫu váy mùa xuân, Nordstorm cũng giảm đến 40% nhiều mẫu trang phục. J.Crew giảm 60% bộ sưu tập mùa xuân, và thương hiệu Gap giảm 60% toàn bộ sản phẩm. Công ty phân tích Impact Analytics cho hay 2/3 lượng sản phẩm bán ra hiện nay của các nhãn hàng thời trang bao gồm cả giày dép và đồ trang sức thậm chí có giá thấp hơn giá bán vào đợt giảm giá đậm nhất năm Black Friday. 

Bất chấp những nỗ lực cứu vãn hàng tồn của hàng loạt thương hiệu thời trang, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng sụt giảm. Doanh số bán hàng trên mạng giảm từng tuần kể từ 9/3 đến nay, với mức giảm sốc  20% so với cùng kì năm ngoái, theo Rakuten Intelligence. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà bán lẻ thời trang sẽ phải tìm cách xử lý hàng tồn hoặc giảm giá ngày càng mạnh để thu lại một phần lợi nhuận. Nhu cầu mua sắm giảm mạnh khiến ngay cả nỗ lực giảm giá bán lẻ cũng không thực sự khả quan với nhiều hãng thời trang. T.J.Maxx đã đóng cửa trang web trực tuyến, Ross ngừng bán hàng trực tuyến trong khi Burlington cũng đóng store online do không thu lại lợi nhuận. Nhiều chuỗi cửa hàng buộc phải cho nhân viên thôi việc hay trì hoãn trả lương. 

Theo ông Adam Freede, giám đốc tập đoàn phân phối và bán lẻ thời trang cao cấp Madaluxe, do các cửa hàng bị buộc phải đóng cửa, không có đại lý nào có khả năng mua lượng hàng lớn nên hãng khó có thể quyết định mức giá sàn. Ở thời điểm thông thường, các công ty thời trang thường có thể thu lại toàn bộ chi phí sản xuất gồm chi phí nhà máy, vận chuyển, kho vận, thuế… bằng cách bán hàng số lượng lớn cho các đơn vị đại lý phân phối bán lẻ. Tuy nhiên, tỉ lệ thu hồi vốn hiện nay được dự đoán là thấp hơn 10% và sẽ còn giảm hơn nữa trong thời gian tới do hệ lụy của đại dịch.

Bên cạnh đó, các công ty thời trang cũng không thể vận chuyển hàng hóa đến các quốc gia khác, do hàng loạt biên giới đóng cửa nhằm ngăn chặn, kiểm soát đại dịch. Các nhãn hàng cao cấp có xu hướng giữ lại hàng tồn thay vì hạ giá xuống mức rất thấp để bảo vệ giá trị thương hiệu. Trên thực tế, nhiều hãng thời trang danh tiếng chọn cách tiêu hủy toàn bộ sản phẩm tồn kho, nhưng điều này gặp phải sự phản đối từ nhiều tổ chức bảo vệ môi trường. Một giải pháp khác cũng được các nhãn hàng cao cấp áp dụng là bán lại hàng tồn cho các nhà bán lẻ secondhand. Công ty chuyên bán lại sản phẩm cao cấp RealReal ghi nhận mua vào lượng lớn hàng từ các thương hiệu thời trang danh tiếng chỉ trong vòng 6 tuần trở lại đây, với khối lượng hàng tăng 30% so với cùng kì năm ngoái.

Vân Anh
Cùng chuyên mục